BHS Group: “Thị trường bất động sản sẽ hồi phục vào cuối năm 2023”
Theo nhận định của Công ty tư vấn bất động sản BHS Group, thị trường bất động sản sẽ phục hồi vào cuối năm nay.
5 yếu tố sẽ giúp thị trường bất động sản hồi phục
Theo BHS Group, yếu tố đầu tiên phải kể đến đó là hạ tầng, quy hoạch. Thực tế, các địa phương tập trung đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, các dự án cao tốc, hạ tầng trọng điểm cũng đang được khởi công là tín hiệu tích cực đối với sự phục hồi của thị trường bất động sản trong giai đoạn nửa cuối năm 2023.
Có thể kể đến một số dự án trọng điểm đang được triển khai như dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc – Nam phía đông giai đoạn 2021 – 2025, đường vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy, Ngã Tư Sở, Tỉnh lộ 342 điểm đầu nối với xã Kỳ Thượng, TP Hạ Long; điểm cuối nối với xã Bắc Lãng, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn.
Yếu tố thứ hai đó là nguồn vốn và lãi vay. Lãi suất điều hành dự báo giảm dẫn tới kỳ vọng về lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi đều có khả năng giảm xuống. Điều này sẽ trực tiếp ảnh hưởng định hướng đầu tư của các doanh nghiệp/các nhà đầu tư.
Khi lãi suất cho vay giảm sẽ giúp tháo gỡ nút thắt về nguồn tiền trong thời gian qua, kích thích doanh nghiệp vay vốn sản xuất, mở rộng kinh doanh, đầu tư. Đây chính là 1 trong những động lực quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế.
Khi lãi suất tiền gửi giảm, các nhà đầu tư sẽ một lần nữa quay về với những kênh đầu tư khác mang lại lợi nhuận cao hơn như bất động sản, chứng khoán. Ngoài ra, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội cũng sẽ là “điểm tựa” hỗ trợ cho người mua nhà.
Yếu tố thứ ba mà BHS đưa ra chính là giá vật liệu xây dựng. Có thể thấy, sau những tháng đầu năm 2023, giá nguyên vật liệu tăng cao thì hiện nay đang có dấu hiệu chững lại và dần ổn định trở lại. Đây cũng sẽ là yếu tố kích thích đối với các chủ đầu tư đang xây dựng dự án.
Yếu tố thứ tư chính là yếu tố từ nỗ lực của bản thân các doanh nghiệp bất động sản. Có thể thấy, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã tháo gỡ được một số khó khăn trước mắt như xin gia hạn trái phiếu và chuyển đổi trái phiếu sang bất động sản.
Đối với tình hình triển khai các dự án của một số chủ đầu tư, tại TP Hồ Chí Minh, Tập đoàn Hưng Thịnh xác nhận doanh nghiệp có 6 dự án được gỡ vướng. Theo đó, Sở Tài nguyên và môi trường giải quyết cho dự án Đất Phương Nam (tên thương mại Moonlight Avenue, ở TP. Thủ Đức) và dự án Vĩnh Tiến (tên thương mại Moonlight Centre Point, ở quận Bình Tân). Ngoài ra, Hưng Thịnh cũng được tháo gỡ bốn dự án khác về việc cấp giấy chứng nhận (sổ hồng) cho khách hàng.
Còn Tập đoàn Novaland cũng vừa khởi động lại dự án tổ hợp căn hộ - thương mại dịch vụ The Grand Manhattan (quận 1, TP.HCM). Novaland cho biết, The Grand Manhattan là một trong những dự án đầu tiên tại TP.HCM đang được tập trung gỡ vướng pháp lý.
Trong bối cảnh nguồn cung bất động sản trung tâm TP.HCM hạn chế, các kênh huy động vốn đều gặp khó, việc tiếp tục triển khai xây dựng hoàn thiện dự án được xem là điểm sáng giúp nhà đầu tư thêm niềm tin vào sự phục hồi của thị trường.
Yếu tố thứ năm chính là quy định pháp luật. Hiện việc cải cách hành lang pháp lý, nhiều chính sách pháp luật gỡ vướng, hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp tục được nghiên cứu ban hành tạo động lực phát triển kinh tế cho các doanh nghiệp như Nghị định 08 tháo gỡ thị trường trái phiếu; Nghị định 10 xử lý vấn đề cấp sổ đỏ condotel, officetel; phê duyệt đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội nhằm kích cung nhà ở giá rẻ...
Điểm nhấn từ chính sách
Trong 3 tháng đầu năm 2023, thị trường bất động sản liên tục đón nhận tin vui khi hàng loạt các chính sách hỗ trợ từ phía cơ quan Nhà nước được ban hành.
Nổi bật là Nghị quyết số 33/2023/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững;
Nghị quyết 08/2023/NĐ-CP giúp giải tỏa áp lực thanh toán trái phiếu cho doanh nghiệp, phục hồi niềm tin cho nhà đầu tư trên thị trường;
Quyết định 388/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” hay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng của bốn ngân hàng thương mại dành cho chủ đầu tư và cá nhân vay mua nhà tại dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với lãi suất ưu đãi thấp hơn 1,5 - 2%.
Đặc biệt, chỉ trong tháng 3, Ngân hàng Nhà nước đã hai lần giảm lãi suất điều hành, đánh dấu cho sự chuyển biến quan trọng của chính sách tiền tệ từ thắt chặt sang nới lỏng. Theo đó, lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm khoảng 0,43%/năm so với cuối năm 2022 và đã có khoảng 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay bình quân. Hiện lãi suất sau giảm của các ngân hàng giao động từ 10 - 10,9%.
Mặc dù, giới đầu tư cho rằng chính sách nêu trên chưa tạo ra nhiều chuyển biến cho thị trường bất động sản trong ngắn hạn do còn nhiều vướng mắc cũng như mọi thứ cần thời gian để “ngấm” nhưng lại có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tạo ra tâm lý tích cực đối với thị trường.