Biệt thự liền kề tại Hà Nội: Nguồn cung khan hiếm, vùng ven cũng bắt đầu tăng giá?
Kể từ đầu năm 2024 làn sóng tìm mua biệt thự, liền kề tại các quận huyện vùng ven Hà Nội tiếp tục tăng cao khi giá chung cư nội đô tăng quá mạnh. Trong bối cảnh nguồn cung vẫn đang khan hiếm đã đẩy giá tăng cao.
Nguồn cung khan hiếm
Trong khi thị trường bất động sản thiếu vắng các sản phẩm đầu tư, lãi suất mua nhà cũng ở mức thấp đã khiến các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội ở thị trường biệt thự, liền kề. Thực tế, sau cơn sốt nhà chung cư, phân khúc biệt thự liền kề tiếp tục được chú ý.
Theo báo cáo mới của Savills, tính riêng quý I/2024, trên thị trường Hà Nội, số lượng giao dịch đạt 185 căn, tăng 189% theo quý và 110% theo năm. Chỉ tính riêng quý I, số căn bán được đã đạt 52% tổng số giao dịch của cả năm 2023.
Trong tổng số giao dịch quý I, ghi nhận 72% giao dịch ở quận Hà Đông, nơi sẽ có tuyến đường Lê Quang Đạo kéo dài kết nối 2 quận Nam Từ Liêm và Hà Đông.
Cũng theo báo cáo về thị trường bất động sản của Savills, trong quý I giá biệt thự, liền kề tại Hà Nội đã bắt đầu tăng. Giá sơ cấp của biệt thự đã đạt trung bình 164 triệu đồng/m2 tăng 3% theo quý. Liền kề giảm 1% theo quý, xuống 192 triệu đồng/m2 đất. Shophouse giảm 15% theo quý xuống 179 triệu đồng/m2 đất chủ yếu do nguồn cung mới giá thấp tại huyện Thường Tín.
Giá bán sơ cấp vẫn duy trì ở mức cao. Giá bán thứ cấp biệt thự và shophouse theo m2 đất đã tăng 14% theo năm, liền kề tăng 20% theo năm. Mặc dù ghi nhận mức tăng cao, song giá thứ cấp theo căn vẫn thấp hơn 11% so với giá sơ cấp.
Cũng theo Savills, nguồn cung mới biệt thự và liền kề đạt 93 căn, tăng 7% theo quý và 221% theo năm. Nguồn cung sơ cấp biệt thự liền kề từ 16 dự án đạt 665 căn, giảm 6% theo quý và 12% theo năm. Trong đó biệt thự là loại hình chiếm ưu thế với 41% nguồn cung sơ cấp.
Theo dự báo, tới cuối năm nay sẽ có 2.977 căn biệt thự, liền kề từ 13 dự án sẽ gia nhập thị trường. Trong đó khu vực Đông Anh chiếm tỷ trọng lớn nhất với 34% nguồn cung tương lai, theo sau là khu vực Hà Đông với 19%, Hoài Đức với 16%.
Theo nhiều chuyên gia bất động sản, khác với phân khúc chung cư, bất động sản phân khúc biệt thự, liền kề sẽ có mức độ tăng giá ổn định hơn. Bởi giới nhà giàu và siêu giàu họ đặc biệt yêu thích và thường lựa chọn các sản phẩm đầu tư mang lại dòng tiền như biệt thự, nhà liền kề, được sử dụng đòn bẩy tài chính, tỷ suất lợi nhuận cao và an toàn. Hiện giá biệt thự, nhà liền kề Hà Nội tăng mạnh gần đây có sự đóng góp rất lớn của việc một lượng lớn các nhà đầu tư bất động sản đang tập trung tại thị trường này.
“Nguồn cung vẫn đang thấp. Các thông số đều đang ở mức thấp. Đây là cơ hội phù hợp cho các nguồn cung mới với mức giá hợp lý. Các luật liên quan tới bất động sản được thông qua, các dự án cơ sở hạ tầng giao thông tiếp tục được cải thiện, các đại dự án sắp gia nhập thị trường cùng với niềm tin người mua dần quay trở lại đem lại tín hiệu lạc quan cho thị trường bất động sản Hà Nội trong năm nay”, ông Matthew Powell Giám Đốc, Savills Hà Nội nhận định.
Giá tại vùng ven cũng tăng mạnh
Khảo sát thị trường, hiện nay biệt thự, liền kề khu vực Hồ Tây đang sở hữu mặt bằng giá bất động sản thuộc diện đắt đỏ nhất thủ đô. Nếu cách đây 3-4 năm, mức giá biệt thự Tây Hồ Tây chỉ khoảng 200 triệu đồng/m2 thì nay mức giá trung bình đã tăng khá cao dao động khoảng từ 260 – 300 triệu đồng/m2.
Với việc giá biệt thự, liền khu vực nội đô tăng mạnh thời gian qua đã kéo theo làn sóng dịch chuyển sang khu vực vùng ven. Theo đó, từ đầu năm 2024 làn sóng tìm mua biệt thự, liền kề tại các quận huyện vùng ven Hà Nội tiếp tục tăng cao khi giá chung cư nội đô tăng quá mạnh. Thậm chí, có những chung cư tại Mỹ Đình, Cầu Giấy, giá lên tới hơn trăm triệu mỗi m2, tương đương với giá nhà biệt thự, liền kề tại khu vực Dương Nội (Hà Đông), Nam Anh Khánh (Hoài Đức).
Theo khảo sát, tại một số khu đô thị phía Tây Hà Nội như Khu đô thị Geleximco đường Lê Trọng Tấn, Sudico - Nam An Khánh, Khu đô thị An Lạc Green Symphony,… giá nhà liền kề, biệt thự cũng được các chủ nhà đẩy cao hơn, nhiều căn ở vị trí đẹp tăng tới 5-10%.
Trong khi đó, một dự án tại huyện Hoài Đức, Hà Nội có hàng trăm căn liền kề, biệt thự khách quan tâm. Dự án này được phê duyệt từ gần 16 năm trước, mới tái khởi động cuối năm 2021.
Theo trưởng phòng tại một sàn môi giới bất động sản ở Hoài Đức cho biết, khoảng 1 -2 tháng trở lại đây, giá liền kề, biệt thự bắt đầu được tăng lên. “Nhiều khu đô thị liền kề và biệt thự dù bỏ hoang, không có người ở nhưng giá cũng tăng. Tuy nhiên, hiện phân khúc này đang có tính thanh khoản kém vì chưa có nhu cầu thực nhiều”, chị Hà chia sẻ.
Theo vị này, trước Tết Nguyên đán, một căn liền kề có diện tích 90m2, 4 - 5 tầng xây thô (ở khu vực phường Dương Nội quận Hà Đông, hay An Khánh ở huyện Hoài Đức) có giá 7-7,8 tỉ đồng nhưng nay giá rao bán tăng lên khoảng 8,5-9,5 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Thọ Tuyển - Chủ tịch BHS Group cho biết hiện tại những người mua biệt thự, liền kề tại khu vực vùng ven Hà Nội là những người rất mạnh về tài chính. Hầu hết họ mua bằng "tiền thịt", chấp nhận chờ đợi trong trung hạn 2-3 năm để đón đà tăng khi quỹ đất biệt thự, Hà Nội ngày càng khan hiếm.
"Cùng với những người mua mới, thì người mua cũ dường như không bán ra. Tôi biết rất nhiều chủ biệt thự, liền kề thuộc các dự án lớn như Geleximco, Nam An Khánh (Hoài Đức), Dương Nội (Hà Đông), Vinhomes Ocean Park 1 (Gia Lâm) họ mua biệt thự, liền kề để tích sản như một kênh giữ tiền an toàn, tăng giá bền vững hàng năm mà sổ đỏ vẫn cất két sắt", ông Tuyển nhấn mạnh.
Trong khi đó, TS Trần Xuân Lượng - Chuyên ngành bất động sản trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, thị trường thiếu nguồn cung nên việc giá các phân khúc như biệt thự, liền kề, nhà ngõ, đặc biệt là phân khúc có nhu cầu ở thực như căn hộ chung cư tăng giá là điều dễ hiểu.
“Thị trường có giao dịch, sôi động trở lại như vậy là dòng tiền đang hướng về bất động sản. Đó cũng là lý do để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư rót tiền vào các phân khúc cao cấp như biệt thự, liền kề và làm cho thị trường này ấm lên”, ông Lượng nói thêm.