Bình Dương: Bất động sản hút nguồn đầu tư ngoại
(CL&CS)-Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu công nghiệp (KCN) Bình Dương đứng đầu cả nước mở ra nhiều cơ hội phát triển công nghiệp, thương mại. Trong tương lai, bất động sản Bình Dương được dự đoán là “ngôi sao sáng” trong khu vực nếu được tạo điều kiện thúc đẩy.
Là một trong các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Dương luôn là sự lựa chọn đầu tư sáng giá đối với các doanh nghiệp nước ngoài. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng mở cửa, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động kinh doanh.
FDI “ưu ái” thị trường Bình Dương
Tính đến tháng 7/2022 Bình Dương tiếp tục là tỉnh thành đứng đầu cả nước về thu hút nguồn vốn ngoại. Tổng nguồn vốn FDI được đăng ký vào Bình Dương gần 2,5 tỷ USD, tăng 94,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Hiện tại, Bình Dương có tổng 29 khu công nghiệp với diện tích 12.662,81 ha. Trong đó, 27 khu công nghiệp hoạt động với số lao động trên 1.700.000 người. Với ưu thế từ các KCN, Bình Dương đã thu hút 2.965 dự án trong đó là 2.309 dự án FDI với tổng mức vốn đăng ký trên 324,3 tỷ USD.
Tính đến thời điểm hiện tại, dòng tiền FDI đổ mạnh vào khu công nghiệp Việt Nam đã tác động rất lớn và thay đổi diện mạo của nhiều tỉnh thành. Bình Dương hiện đang là tỉnh đứng đầu cả nước về tổng mức vốn FDI, hứa hẹn trong tương lai gần nhờ vào dòng vốn ngoại sẽ tạo nhiều cơ hội phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền Nam, tạo động lực cho nền kinh tế.
Bình Dương: Điểm sáng trong thị trường miền Nam
Khi vùng đất các KCN tại Dĩ An, Thuận An - Bình Dương dần cạn kiệt, xu hướng phát triển KCN hiện tại hướng về các khu vực còn nhiều diện tích đất trống như Tân Uyên, Bến Cát, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên. Quỹ đất dành để phát triển KCN tại TX. Tân Uyên có 1.630ha, TX. Bến Cát có 3.200ha, huyện Bàu Bàng có 1.000ha, huyện Bắc Tân Uyên có 215ha và thành phố Thủ Dầu Một có 765ha. Trong số đó, có khu vực nằm trong dự án “Vùng đổi mới sáng tạo” và “Vùng đô thị thông minh” hứa hẹn khi dự án hoàn thành thì đây sẽ là khu vực hút dòng tiền ngoại, mở ra nhiều cơ hội phát triển BĐS tại đây.
Bên cạnh đó, Bình Dương còn là nơi cho ra đời nguồn nhân lực chất lượng cao đến từ các trường đại học địa phương. Tuy nhiên nguồn nhân lực được đào tạo tại địa phương không đủ đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các doanh nghiệp. Hiện nay, trong tỉnh có khoảng 1,7 triệu lao động đang sinh sống và làm việc, dự tính từ đây đến cuối năm Bình Dương tiếp tục tuyển dụng thêm từ 40.000-50.000 lao động.
Bên cạnh đó, BĐS dân cư cũng nhận được nhiều sự quan tâm không kém khi rất nhiều tập đoàn lớn trong và ngoài nước “đổ tiền” triển khai các dự án đô thị, nhà ở, khu phức hợp, bất động sản thương mại,… trên toàn tỉnh.
Với số dự án KCN, khu dân cư từ các doanh nghiệp FDI hứa hẹn sau khi hoàn thành sẽ thay đổi diện mạo của tỉnh. Ngoài ra, hàng loạt các tiện ích được hình thành đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho cư dân và hoạt động của KCN. Các công trình hạ tầng giao thông được xây dựng, kết nối các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam với dự án đường cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Phú Giáo – Đồng Phú và nâng cấp mở rộng một số tuyến đường quan trọng trong dó có quốc lộ 13, quốc lộ 14, Bình Dương – Đồng Phú, Bắc Tân Uyên – Phú Giáo, đường vành đai 4 giúp tình hình thông thương các tỉnh kinh tế trọng điểm miền Nam thuận lợi hơn.