Bình Dương: Cạn kiệt nhà ở xã hội giá rẻ
Trước tình trạng giá bán các căn hộ đẩy lên quá cao, phân khúc căn hộ nhà ở xã hội gần 'biến mất'. Do đó, việc tìm được một căn nhà xã hội giá rẻ tại thời điểm hiện tại là rất khó đối với nhiều người lao động ở Bình Dương.
Theo đánh giá của các chuyên gia, sở hữu nhà ở xã hội bị thu hẹp là do giá nhà đất tăng trưởng vượt bậc, chủ đầu tư đang muốn tối đa hóa lợi nhuận, tỷ lệ mua đầu tư khá cao lên tới 70 – 80% nên đẩy giá nhà đất lên. Mặt khác, các khoản chi phí cho đất đai, thủ tục pháp lý và tình trạng khan hiếm nguồn cung cũng là nguyên nhân khiến chủ đầu tư tăng giá bán, từ đó các căn hộ nhà ở xã hội dần chuyển mình sang phân khúc tầm trung.
Trong tương lai, phân khúc nhà ở xã hội sẽ ngày càng thu hẹp, việc mua được chung cư bình dân hay các căn hộ 2 phòng ngủ dưới 1.5 tỷ cũng sẽ ngày càng khó khăn hơn. Khi mà quỹ đất ngày càng ít, nguồn cung ngày càng cạn kiệt.
Trong khi quỹ đất của Sài Gòn ngày càng hạn hẹp và giá bán cũng được đẩy lên quá cao thì các nhà đầu tư có xu hướng đổ về các thị trường lân cận. Trong đó, Bình Dương với thế mạnh hạ tầng và kinh tế phát triển đang được người mua ưu tiên.
Tuy nhiên, Theo các chuyên gia bất động sản, trong quá khứ Bình Dương trải qua nhiều cơn sốt đất nền. Trong đó, không ít lần giá đất leo thang bởi những tin đồn thổi về quy hoạch, hay xây dựng hạ tầng quan trọng không có căn cứ. Nhiều dự án, khu đô thị mọc lên nhưng khi cơn sốt đi qua thì những dự án này bị bỏ hoang do không có người về ở.
Nhiều khu vực tại Bình Dương giá đất được đẩy lên quá cao so với tiềm năng thực tế. Những khu vực này, dân cư thưa thớt, chủ yếu là công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp lân cận. Mức thu nhập của nhóm đối tượng này cũng khó để mua được đất. Trong khi đó, dù hạ tầng giao thông được đầu tư khá tốt nhưng hạ tầng về xã hội, tiện ích sống của khu vực vẫn chưa đồng bộ nên khó thu hút người mua có nhu cầu về ở thực.
Bình Dương đã thu hút đầu tư 86 dự án nhà ở xã hội có tổng diện tích sử dụng đất gần, tương đương khoảng 3,9 triệu m² sàn xây dựng; dù vậy, số lượng vẫn chưa đáp ứng đủ so với nhu cầu thực tế.
Giá nhà ở xã hội giá rẻ (loại 100 triệu đồng/30m2) tại tỉnh Bình Dương đã bất ngờ tăng lên 200 triệu đồng/căn. Nhiều người lao động mong muốn mua để “an cư lạc nghiệp” nhưng gặp khó và săn tìm “đỏ mắt” vì nguồn cung luôn cháy hàng.
Để tạo điều kiện sống tốt hơn cho công nhân lao động, người thu nhập thấp, Bình Dương dự kiến xây dựng thêm 1 triệu căn nhà ở xã hội nên đã kiến nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng xem xét, tạo điều kiện về vốn ưu đãi để tỉnh thực hiện kế hoạch; hướng dẫn cụ thể quy trình thực hiện đầu tư dự án khu nhà ở, khu đô thị, lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội…
Mục tiêu kế hoạch của tỉnh Bình Dương tiếp tục nâng cao chất lượng nhà ở, đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho tất cả các nhóm dân cư. Định hướng của Tỉnh ủy Bình Dương phấn đấu phát triển 1 triệu nhà ở cho công nhân, người lao động trong giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030.
Đến năm 2025 dự kiến diện tích nhà ở bình quân đầu người của toàn tỉnh đạt 31,5 m2; trong đó, khu vực đô thị là 32,5 m2, khu vực nông thôn là 26,6 m2.
Phó Giám đốc bộ phận Nghiên cứu Savills Việt Nam Võ Thị Khánh Trang cho biết: "Quỹ đất tại TP.HCM càng ngày càng hẹp, do đó các chủ đầu tư hiện nay đều đang mở rộng ra các tỉnh lân cận. Bình Dương tiếp tục là kế thừa, là điểm đến tiếp theo cho thị trường căn hộ.
Với lực lượng lớn người lao động làm việc tại Bình Dương cũng là động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của thị trường nhà ở tại khu vực này. Tính đến năm 2021, có gần 500.000 người tại các khu công nghiệp ở Bình Dương.
Tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp tại Bình Dương tính đến cuối năm 2021 lần lượt là 7.016 ha. Đây là một trong những yếu tố chính hứa hẹn cho nguồn cầu bền vững của thị trường nhà ở tại địa phương này, theo Savills nhận định.