TP HCM xây dựng 35.000 căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025
Sở Xây dựng TP HCM phối hợp các đơn vị liên quan khởi động các dự án nhà ở xã hội (NƠXH) và khu lưu trú công nhân với quy mô hơn 1.200 căn hộ, giúp giải quyết nhu cầu nhà ở cho hàng ngàn người lao động có thu nhập thấp. Nhiều dự án được khởi công từ 30-4 là tiền đề để TP HCM hoàn thành mục tiêu 35.000 căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025.
Tháo gỡ vướng mắc
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cho biết trong thời gian tới, thành phố sẽ có chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi kích cầu để thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân. Thành phố đã thành lập Tổ công tác đầu tư, Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án không sử dụng vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn và tổ chức họp hằng tuần để kịp thời xem xét, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
Tại tọa đàm "Gỡ nút thắt phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân" do Đài VTC phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức, ông Trần Hoàng Quân - giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM đã chia sẻ các giải pháp để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Trong đó, ông Quân cho rằng cần tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn phát triển nhà từ nghị quyết 11 của Chính phủ; Cần rút ngắn các thủ tục hành chính; hỗ trợ vốn vay kích cầu để cho vay với thời hạn trên 10 năm; Bố trí nguồn vốn để xây dựng hạ tầng đáp ứng cho các khu nhà đã xây dựng xong…
Riêng với các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao, ông Quân cho rằng sở sẽ tiếp tục rà soát quỹ đất do Nhà nước trực tiếp quản lý ở các khu công nghiệp để sắp xếp, điều chỉnh lại quy hoạch. Ngoài ra, sở cũng đề xuất tập trung rà soát quỹ đất tại các dự án thương mại có tỉ lệ 20% quỹ đất nhà ở xã hội, để các nhà đầu tư thực hiện đúng quy định. Ông Quân cho hay đơn vị này đã rà soát, trên địa bàn TP có 34 dự án, nếu xây dựng được sẽ có trên 70.000 căn có thể xây dựng nhà ở xã hội…
Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, cho biết theo kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025, thành phố dự kiến phát triển 35.000 căn hộ. Sở Xây dựng cùng các sở, ngành đã tham mưu cho UBND TP HCM rà soát quỹ đất xây dựng NƠXH, trong đó có quỹ đất 20% diện tích của các dự án nhà ở thương mại trên 10 ha. “Sau khi rà soát thì có khoảng 33 dự án sẽ bố trí được NƠXH. Tổng diện tích nếu làm được là 109 ha, tương ứng hơn 70.000 căn hộ" - ông Huỳnh Thanh Khiết dẫn chứng.
Sở Xây dựng TP HCM sẽ tập trung vào 14 dự án có đất sạch, hạ tầng để triển khai trước, với quy mô khoảng 15.000 căn hộ.
Sẽ xây dựng 35.000 căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025
Chủ trì buổi tiếp xúc với khoảng 500 nữ công nhân viên chức, lao động đang làm việc tại nhiều ngành nghề, lĩnh vực trên địa bàn TP.HCM để lắng nghe những chia sẻ của họ về chính sách an sinh và nhà ở xã hội hôm 24-4, bà Nguyễn Thị Lệ - phó bí thư Thành ủy, chủ tịch HĐND TP.HCM - cho biết TP đặc biệt quan tâm đến chính sách nhà ở cho người lao động. Bà nhấn mạnh rằng TP cần tập trung đẩy nhanh việc thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2025 với chỉ tiêu dự kiến phát triển thêm khoảng 2,5 triệu m2 sàn xây dựng (tương đương khoảng 35.000 căn hộ), tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án; đảm bảo tiến độ hoàn thành các dự án.
Cùng với đó, phải tiếp tục rà soát, tạo lập quỹ đất và đầu tư xây dựng các hạ tầng xã hội và các tiện ích phục vụ công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp chưa được đầu tư. Đặc biệt ưu tiên xây dựng nhà lưu trú, nhà cho công nhân thuê trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, có cơ chế hỗ trợ đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian đầu tư và chính sách hỗ trợ tài chính để thu hút chủ đầu tư thực hiện dự án.
Đóng góp ý kiến về chính sách chỗ ở cho người lao động, bà Trần Thị Diệu Thúy cho biết qua khảo sát nhiều người lao động không có đủ điều kiện mua nhà, đồng thời một số lượng lớn công nhân miền Tây chỉ có nhu cầu thuê nhà để có chỗ ở ổn định, sau đó họ quay về quê.
"Chính sách pháp luật phải tính đến việc xây dựng nhà ở, hỗ trợ chủ nhà trọ cải thiện điều kiện nhà trọ cho thuê, để người lao động có nơi ở an toàn, sạch đẹp, đồng thời có trường học, bệnh viện thuận lợi giảm tải các áp lực khác như đi lại, chợ búa... Đây là chính sách khả thi hơn, căn cơ hơn so với việc xây nhà ở xã hội để bán cho người lao động thu nhập thấp", bà nêu.
Ông Huỳnh Thanh Khiết cho biết với giá căn hộ hiện nay là 1 - 1,6 tỉ và thu nhập thực tế của người lao động thì thời gian trả góp sẽ kéo dài hơn nhưng hiện nay quy định hỗ trợ cho vay chỉ tối đa 15 năm, số tiền vay tối đa 900 triệu đồng. Số tiền còn lại người lao động sẽ lấy từ đâu? Do đó giữa chính sách và thực tế đang có độ chênh và cần có sự điều chỉnh, ông Khiết nhận định.
Giá nhà ở xã hội sẽ ở mức nào?
Nhiều ý kiến của người lao động cho rằng giá cả nhà ở nằm ngoài tầm với nhưng thông tin về nhà ở xã hội khó tiếp cận, thủ tục mua nhà lại không hề dễ dàng.
Chị Đoàn Huỳnh Anh Vũ - phó chánh văn phòng Ban quản lý đường sắt đô thị TP - cho biết chị đã làm hồ sơ mua nhà ở xã hội nhưng không được mua do xếp hạng hồ sơ đứng thứ 187 mà chỉ có 152 căn hộ và không được cộng điểm do không có chồng là cán bộ viên chức.
Bà Trần Thị Diệu Thúy - chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM - cũng nhìn nhận thực tế này: "Nhu cầu về nhà ở xã hội của công nhân viên chức, người lao động là rất lớn. Tuy nhiên số lượng còn rất ít, do đó ngay cả những người có nhu cầu và có khả năng mua cũng không thể đăng ký mua".
Trước đó, đơn vị này cũng đã thực hiện khảo sát trực tuyến khoảng 41.000 lao động về nhu cầu nhà ở. Theo đó, 64% có nhu cầu mua nhà ở xã hội, trong đó có 36% lựa chọn mua nhà từ 0,5 tỉ đến dưới 1 tỉ; 34% lựa chọn mua nhà từ 1 - 1,5 tỉ.
Ông Huỳnh Thanh Khiết - phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM - cho biết người được mua nhà là 10 nhóm đối tượng đã được quy định cụ thể và chặt chẽ tại Luật nhà ở 2014.
"Thực tế nguồn vốn nhà nước không đủ do đó hiện nay hầu hết các dự án là từ nguồn vốn doanh nghiệp. Với các dự án được thực hiện từ vốn ngoài ngân sách, hồ sơ của người mua sẽ do chủ đầu tư duyệt sau đó chuyển cho Sở Xây dựng kiểm tra xem đối tượng này đã được hưởng chính sách nhà ở xã hội lần nào chưa", ông Khiết nêu quy trình.
Nói về giá bán, ông Khiết cho biết dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất do đó giá bán không phải là giá thương mại mà được kiểm soát chặt ở đầu ra, được các cơ quan nhà nước thẩm định.
"Trước năm 2019 giá bán nhà ở xã hội là 16 triệu/m2 nhưng hiện nay đã tăng ở mức trên dưới 20 triệu/m2, tương đương giá bán một căn nhà ở xã hội dao động ở mức 1 - 1,6 tỉ. Đây là giá bán đã được thẩm định bởi cơ quan quản lý, là giá trị thật của nhà ở, không phải giá thương mại", ông nói thêm.