Vì sao nhiều “ông lớn” BĐS làm nhà ở xã hội?

Thời gian vừa qua, câu chuyện Vingroup bỗng nhiên tuyên bố phát triển nhà ở xã hội khiến nhiều người cảm thấy bất ngờ. Bởi, phân khúc khách hàng mà lâu nay tập đoàn này hướng đến đều là những căn nhà ở thương mại giá cao, chủ yếu tập trung ở phân khúc căn hộ, nhà ở cao cấp.

Vinhomes, Him Lam … bất ngờ làm nhà ở xã hội

Vinhomes mới đây ra thông báo sẽ bắt tay triển khai đầu tư xây dựng 500.000 căn nhà ở xã hội cho người dân khiến dư luận dậy sóng. Kế hoạch này được hoàn thành chắc chắn sẽ giúp cho nhiều người có thu nhập thấp thực hiện nước mơ “an cư” của mình.

Theo đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT Vinhomes cho biết, chiến lược mới của Vinhomes trong thời gian tới là phát triển các dự án nhà ở xã hội mang thương hiệu Happy Home. Những dự án này sẽ phục vụ người thu nhập thấp trên cả nước.

Vì sao nhiều “ông lớn” BĐS làm nhà ở xã hội? - Ảnh 1

Vinhomes dự kiến sẽ xây dựng 500.000 căn nhà ở xã hội trong 5 năm tới. Các dự án này được xây dựng trên tổng diện tích khoảng 60ha/dự án. Giá bán dự kiến từ 300 triệu đồng đến 950 triệu đồng mỗi căn. Thời điểm trước mắt, Vinhomes sẽ xây dựng tại hai thành phố Hà Nội và TP.HCM. Còn kế hoạch lâu dài là các tỉnh như Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng…

Cách đây không lâu, người dân cũng quan tâm tới nhà ở xã hội mang tên Thượng Thanh của tập đoàn Him Lam. Dự án này được triển khai tại quân Long Biên với tổng diện tích hơn 60.000 m2, mỗi căn hộ có diện tích khoảng 37-77m2 với mức giá chỉ từ 550 triệu đồng/căn. Tuy nhiên, người mua nhà chỉ cần đóng trước 260 triệu đồng còn lại sẽ được ngân hàng hỗ trợ.

Ngoài ra, tập đoàn này còn có dự án khác cũng đặt tại Long Biên với quỹ đất sở hữu lên đến hơn 80.000m2, gồm 12 tòa nhà cao 21 tầng. Him Lam Phúc Lợi cung cấp ra thị trường 3.000 căn hộ. Cả hai dự án nhà ở xã hội của Tập đoàn Him Lam đều được giới chuyên gia bất động sản đánh giá cao và người dân chờ đợi.

Cũng theo đà đó, nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn khác cũng công bố sáng kiến nhà ở vừa túi tiền cho người dân. Theo đó, các bên sẽ phát triển liên hết những đối tác để hình thành chuỗi cung ứng từ quỹ đất, quy hoạch, thiết kế, xây dựng, quản trị dự án… Các doanh nghiệp này hi vọng sẽ cùng các cơ quan nhà nước giải quyết bài toán an sinh xã hội của các địa phương.

Nhiều “ông lớn” thể hiện trách nhiệm với cộng đồng

Câu chuyện làm nhà xã hội của nhiều ông lớn bất động sản không chỉ thu hút được sự quan tâm của dư luận mà còn khiến các chuyên gia địa ốc quan tâm, chú ý.

Mới đây, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA đã đưa ra thông tin đáng chú ý. Theo đó, trong năm 2020, các căn hộ bình dân chỉ chiếm 1% tổng nguồn cung ra thị trường. Điều đáng quan tâm hơn nữa, đến năm 2021 thì con só này là 0%. Nói thế để thấy rằng, tình trạng phát triển lệch kiểu coi trong nhà ở thương lại, “hắt hủi” nhà ở bình dân, nhà ở xã hội đang trở nên khá bức bối trong ngành BĐS Việt Nam.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA.  
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA.  

Theo ông Châu, hiện nay nhu cầu nhà ở xã hội của công nhân, người lao động là có thật. Nhưng vì giá quá cao và ít sự lựa chọn nên họ chưa thể với tới được. Ông Châu đề nghị Chính phủ có thêm những hỗ trợ đối với các doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội. Bởi đây không chỉ giúp các doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc triển khai dự án mà còn tạo cơ hội cho người dân được sở hữu nhà ở.

Thị trường bất động sản đang phát triển lệch với nguồn cung ở phân khúc cao cấp và trung cấp nhiều trong khi đó, nguồn cung cho người có thu nhập thấp lại không có thì những người có thu nhập thấp không với được những căn hộ cấp trung và cấp cao vì mức giá quá cao sao với tài chính của họ.

Giải thích về vấn đề tại sao nhà ở xã hội lại ít được chủ đầu tư quan tâm đến, chuyên gia BĐS Nguyễn Nhật Long cho rằng, vì tỷ suất lợi nhuận từ phân khúc này thấp. Mức lợi nhuận của nhà ở xã hội, nhà ở bình dân chỉ trên 10% đến dưới 15%. Con số này bằng 1/3 so với xây nhà thương mại. Chưa kể đến vấn đề về thủ tục pháp lý khi xây dựng, có nhiều thủ tục hành chính và cần phải qua nhiều khâu kiểm tra, mất nhiều thời gian chờ đợi và sự hỗ trợ từ phía Nhà nước cho phân khúc này chưa thật sự hấp dẫn.

Ông Nhật cho ý kiến: “Tôi cho rằng, tư duy của các doanh nghiệp bất động sản, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn trong thời điểm này có sự thay đổi. Họ không chỉ đơn thuần hướng đến việc làm các dự án với mức lợi nhuận lớn nhất, bán chạy hàng nhất mà còn hướng đến cộng đồng xã hội. Đơn cử như Vingroup, Him Lam, Hưng Thịnh và nhiều doanh nghiệp khác nữa. Họ muốn phát triển thương hiệu của mình ở tất cả các phân khúc và tham gia vào việc an sinh xã hội. Cũng giống nhiều doanh nghiệp sản xuất khác. Thay vì dùng túi nilong, vỏ chai nhựa, họ dùng giấy và các loại vật dụng thay thế nhựa dùng 1 lần. Đây là điều thể hiện trách nhiệm của họ với cộng đồng”.

Hà Thu

Theo Chất lượng và Cuộc sống