Bộ Giao thông - Vận tài chuẩn bị đầu tư xây dựng tuyến đường sắt TP. HCM - Cần Thơ
Bộ Giao thông Vận tải vừa có ý kiến phản hồi về đề xuất của Công ty cổ phần Tập đoàn CT Group (TP. HCM) thực hiện dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt TP. HCM - Cần Thơ.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, dự án này đã được giao Ban Quản lý dự án đường sắt (trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải) triển khai lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Hiện Ban Quản lý dự án đường sắt đang tập trung đẩy nhanh tiến độ để trình cấp có thẩm quyền xem xét, chấp thuận, làm cơ sở huy động nguồn lực triển khai.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết, đã giao Ban Quản lý dự án đường sắt là cơ quan đầu mối cung cấp thông tin và hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình tìm hiểu dự án.
Tại Công văn số 738/BGTVT-KHĐT, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, đã giao Ban Quản lý dự án đường sắt là cơ quan đầu mối cung cấp thông tin và hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình tìm hiểu Dự án. Sau khi kết quả nghiên cứu được cấp có thẩm quyền chấp thuận, Bộ Giao thông Vận tải sẽ thông báo trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (địa chỉ http://muasamcong.mpi.gov.vn) để tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu theo quy định pháp luật về đấu thầu.
Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Tập đoàn CT Group theo dõi thông tin về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt TP. HCM - Cần Thơ để nghiên cứu tham gia đầu tư theo quy định.
Trước đó, vào tháng 12/2023, Tập đoàn CT Group đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, đề xuất thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tuyến TP. HCM - Cần Thơ theo phương thức PPP, cùng với một số nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư đến từ Trung Quốc.
Theo đề xuất của Tập đoàn CT Group, đây sẽ là tuyến đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, tổng chiều dài khoảng 174 km, bao gồm 12 ga, chạy cả tàu khách và tàu hàng.
Với tổng mức đầu tư khoảng 9,98 tỷ USD, tuyến đường đi qua địa phận 6 địa phương gồm Bình Dương, TP. HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và TP. Cần Thơ.
Tập đoàn CT Group đưa ra dự báo nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách sử dụng tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, theo kịch bản trung bình, đến năm 2035, tuyến đường sắt này sẽ vận chuyển hơn 16,4 triệu lượt hành khách và 19,1 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.
Đến năm 2050, tuyến sẽ đạt lượng hành khách gấp 2,5 lần năm 2035, tương ứng hơn 42 triệu lượt hành khách; lượng hàng hóa gấp 4,24 lần năm 2035, tương ứng 81 triệu tấn.
Theo Tập đoàn CT Group, Tập đoàn sẽ hợp tác với Công ty TNHH Tập đoàn thiết kế đường sắt Trung Quốc (CRECG), Tổng công ty Công trình quốc tế Tập đoàn xây dựng Điện lực Trung Quốc (Power China), Cục 2 Đường sắt Trung Quốc (China Railway No.2 Group), Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế Giao thông Vận tải phía Nam (Tedi South) để hình thành một liên doanh đầu tư có tên là Liên doanh tàu điện tốc độ cao Đồng bằng sông Cửu Long (CMEX) để nhận gói hỗ trợ tài chính cho Dự án từ các tổ chức tài chính hàng đầu thế giới như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (China Construction Bank), Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD).
Ngoài doanh thu từ hoạt động vận tải hàng khách và hàng hóa, CMEX dự kiến hoàn vốn đầu tư cho dự án bằng việc thực hiện phát triển đô thị theo mô hình Green TOD. Trong đó, mỗi nhà ga sẽ là công trình hiện đại mang bản sắc riêng của mỗi tỉnh với 5 bán kính khác nhau lần lượt từ 500 m đến 10.000 m.
Tập đoàn CT Group khẳng định, đã lập phương án phát triển đồng bộ 12 khu đô thị ga dọc tuyến theo chủ trương phát triển TOD của Chính phủ. Hiệu quả của 12 dự án sẽ giúp thời gian thu hồi vốn của dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt TP. HCM - Cần Thơ được rút ngắn từ 50 năm còn 25 năm.