Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng 'thúc' tiến độ dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Tại cuộc họp giao ban tháng 10 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 2 tháng cuối năm của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu khẩn trương hoàn thành hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi để phê duyệt dự án thành phần cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, nhanh chóng hoàn thành dự án theo kế hoạch để gỡ "điểm nghẽn" hạ tầng giao thông.

Địa ốc khu vực Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ sớm "bùng nổ" khi cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đưa vào vận hành
Địa ốc khu vực Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ sớm "bùng nổ" khi cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đưa vào vận hành

"Điểm nghẽn" kìm hãm phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Tại cuộc họp giao ban tháng 10 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 2 tháng cuối năm của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) diễn ra gần đây, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đặc biệt quan tâm tới công tác đầu tư, xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong đó, yêu cầu khẩn trương hoàn thành hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi để phê duyệt dự án thành phần cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu trước ngày 30/11/2022.

Bộ trưởng cho biết, báo cáo tại hội nghị "Phương hướng phát triển kinh tế xã hội bảo đảm quốc phòng vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn 2045" vừa qua, Bộ GTVT đã xác định các "điểm nghẽn" về hạ tầng giao thông trong khu vực, trong đó có tuyến giao thông kết nối giữa TP. HCM - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu.

Theo thống kê của Tổng Công ty đường Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC), hiện Quốc lộ 51, tuyến giao thông huyết mạch nối liền 3 địa phương, bình quân có trên 48 ngàn lượt phương tiện/ngày đêm. Trong khi đó, lượt xe theo tiêu chuẩn thiết kế là 15 ngàn lượt/ngày, đêm. Từ năm 2018 đến nay, tình trạng ùn tắc trên tuyến xảy ra thường xuyên và ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn có Quốc lộ 51 đi qua. Ngoài ra tình trạng ùn tắc nghiêm trọng thường xuyên xảy ra tại các nút giao đấu nối vào tuyến Quốc lộ này gây nên hiện tượng tải trọng lớn và kéo dài dẫn đến lún, hư hỏng mặt đường, phát sinh sửa chữa mặt đường hàng năm rất lớn và sớm trở thành điểm đen về an toàn giao thông quốc gia.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu, tình trạng kẹt xe trên Quốc lộ 51 đi qua 2 tỉnh ngày càng xuất hiện nhiều do lượng phương tiện giao thông trên tuyến này đã vượt quá 4 lần thiết kế. Thực trạng này gây ra khó khăn cho việc phát triển kinh tế của khu vực khi có mật độ lớn các khu công nghiệp, cụm cảng... nằm trên tuyến giao thông huyết mạch này.

Đối với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, không chỉ riêng ngành công nghiệp phải chịu ảnh hưởng do việc tắc nghẽn giao thông mà lĩnh vực du lịch phần nào cũng bị ảnh hưởng. Lượng khách du lịch từ TP. HCM và các tỉnh khác đến Vũng Tàu chủ yếu thông qua Quốc lộ 51. Việc xảy ra tình trạng ùn tắc liên tục khiến lượng du khách đến TP. Vũng Tàu giảm đi đáng kể, do tâm lý ngại chờ đợi vì tắc đường của nhiều người.

Trong tương lai, khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai) đi vào hoạt động vào năm 2025, việc kết nối thu hút hàng hóa vào cảng Cái Mép – Thị Vải và mật độ dân cư gia tăng sẽ làm trầm trọng hơn tình hình giao thông tại khu vực.

Bởi vậy, việc cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu sớm đưa vào hoạt động được cho là giải pháp hoàn hảo, được nhiều người mong đợi để giải quyết vấn đề quá tải trên tuyến Quốc lộ 51.

Gia tăng giá trị kinh tế khu vực, bất động sản hưởng lợi

Dự án Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu khi hoàn thiện dự kiến mang đến nhiều giá trị. Làm thúc đẩy mạnh trục kinh tế của 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu đặc biệt là khi mối liên kết giữa sân bay Quốc tế Long Thành và cảng biển Cái Mép - Thị Vải hình thành.

Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết khi hoàn thành, dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu sẽ giảm tải cho Quốc lộ 51, tạo liên kết nhanh về mạng lưới giao thông của các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai với TP. HCM và cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuyến đường này còn kết nối với cao tốc TP. HCM – Long Thành – Dầu Giây và Bến Lức – Long Thành; đường liên cảng Cái Mép – Thị Vải; sân bay Long Thành… góp phần hoàn thiện mạng lưới đường cao tốc Việt Nam trong những năm tới đây.

"Hạ tầng tới đâu địa ốc tới đó", do vậy, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ và hoàn thiện sẽ tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển mạnh mẽ. Xu hướng dịch chuyển nhà ở ra khỏi trung tâm tại các tỉnh thành lớn, hình thành các khu đô thị vệ tinh đang rộ lên trong thời gian qua. Do đó, thị trường bất động sản Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, nhất là tại khu vực xung quanh tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đi qua, sẽ ngày một nóng lên, thu hút và hấp dẫn các nhà đầu tư. Ngoài ra, 2 địa phương khá gần TP. HCM, lại sở hữu lợi thế về các khu công nghiệp lớn trong khi mặt bằng giá tại các khu vực còn đang khá “mềm” so với Bình Dương, Đồng Nai (khu Đông Sài Gòn).

Với vị thế kinh tế du lịch biển sẵn có, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có cơ hội không chỉ thu hút du khách trong và ngoài nước qua Cảng hàng không quốc tế Long Thành mà còn kéo lượng lớn du khách từ khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và miền Nam nói chung. Liên thông cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu với các tuyến giao thông trọng điểm khác sắp hoàn thành trong khu vực sẽ là ngòi nổ tiềm năng cho thị trường địa ốc, khi các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng, lưu trú, dịch vụ du lịch... phát triển mạnh mẽ.

Ông Nam Hiền, chuyên gia bất động sản cho biết, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ kết nối các trung tâm kinh tế, đô thị lớn, đặc biệt là các khu công nghiệp lớn và các khu du lịch - dịch vụ lân cận. Nhờ đó, các đô thị trên tuyến sẽ có cơ hội tiếp cận với lượng khách khổng lồ từ vùng Đông và Tây Nam bộ khi tuyến cao tốc này cùng với cao tốc Bến Lức – Long Thành được đưa vào khai thác. Điều này tạo lực đẩy thị trường bất động sản khu vực này có sự phát triển sôi động và bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới.

Dự án Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) dài 53,7 km có tổng mức đầu tư 17.800 tỷ đồng, được chia làm 3 dự án thành phần. Trong đó, Dự án thành phần 1 và Dự án thành phần 2 dài 34,2 km trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Dự án thành phần 3 dài 19,5 km trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. UBND hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu lần lượt được giao làm cơ quan chủ quản Dự án thành phần 1 (vốn đầu tư 6.240 tỷ đồng) và Dự án thành phần 3 (vốn đầu tư 5.190 tỷ đồng).

Nam Phương

Theo VietnamFinance