Bốn vấn đề của Hancorp
Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp, UPCoM: HAN) là một tên tuổi đáng kể của ngành xây dựng Việt Nam. Gần đây nhất, Hancorp đã cùng các thành viên thuộc liên danh VIETUR trúng gói thầu 5.10 sân bay Long Thành có giá trị 35.000 tỷ đồng. Tuy vậy, nhìn sâu vào tình hình kinh doanh và tài chính của Hancorp, có thể nhận thấy, đơn vị này đang tồn tại không ít vấn đề đáng ngại.
Loạng choạng
Nếu nhìn vào doanh thu thuần mỗi năm của Hancorp, trong vòng 3 – 5 năm trở lại đây, nhà đầu tư sẽ không thấy có gì đặc biệt. Nhưng nếu nhìn xa hơn, trong một chu kỳ khoảng 10 năm, điều khác biệt sẽ hiện ra. Vài năm trước 2015, Hancorp có doanh thu hàng năm vào cỡ 8.000 – 9.000 tỷ đồng, nhưng từ 2015 trở đi, doanh thu chỉ còn là 3.000 – 4.000 tỷ đồng. Nói một cách đơn giản, 2015 là mốc mà Hancorp đã “đánh mất mình”.
Nhìn doanh thu từ 2015 tới nay, nếu xét riêng mảng xây lắp – mảng chủ lực của Hancorp, câu chuyện còn đáng buồn hơn. Từ 2015 đến 2020, doanh thu xây lắp của công ty loanh quanh ở khoảng 2.000 – 2.500 tỷ đồng, một sự “giậm chân tại chỗ” trong khi các công ty xây dựng khác như Coteccons, Hòa Bình, Ricons… tăng trưởng như vũ bão.
Hệ quả là tới năm 2020, khi những mầm mống của một cuộc khủng hoảng trên thị trường xây dựng nảy nở, doanh thu xây lắp của Hancorp tụt xuống 1.541 tỷ đồng. Đến năm 2021, doanh thu xây lắp tiếp tục giảm xuống 934 tỷ đồng. Phải đến năm 2022, doanh thu xây lắp của Hancorp mới ngoi lên được ngưỡng 2.300 tỷ đồng; nhưng ngay sau đó, bán niên 2023, doanh thu lại giảm xuống chỉ còn 664 tỷ đồng – đồng nghĩa việc đạt được doanh số vài nghìn tỷ đồng trong cả năm 2023 là rất khó khăn.
Những diễn biến trồi sụt với biên độ rộng về doanh thu trong giai đoạn 2020 – bán niên 2023 nói trên khiến nhà đầu tư có cảm giác Hancorp như một người bước đi loạng choạng trên đường xây lắp, chưa biết khi nào mới lấy lại được sự ổn định, chưa nói tới sự đột phá.
Nhưng Hancorp không chỉ có vấn đề về doanh thu. Thống kê của VietnamFinance cho thấy từ 2015 tới nay, biên lợi nhuận gộp của mảng xây lắp luôn ở mức thấp, thậm chí rất thấp. Theo đó, trong 8 năm, có tới 2 năm mảng xây lắp của Hancorp lỗ gộp (2016 lỗ gộp 202 tỷ đồng, tức biên lãi gộp âm 8,1%; năm 2017 lỗ gộp 9 tỷ đồng, tức biên lãi gộp âm 0,4%). Các năm còn lại, biên lãi gộp mảng xây lắp chỉ 1% - 3%, cụ thể: 2015 (2,7%), 2018 (1,8%), 2019 (3,1%), 2020 (2,3%), 2022 (1,7%). Cá biệt, năm 2021, biên lãi gộp mảng xây lắp là 0%. Bán niên 2023, biên lãi gộp mảng xây lắp của Hancorp cũng chỉ là 1,6%.
Việc biên lãi gộp quá thấp duy trì trong một thời gian khá dài, cho thấy vấn đề của Hancorp mang tính hệ thống chứ không còn là hiện tượng nhất thời. Vấn đề đó chính là khả năng đàm phán yếu với chủ đầu tư, khả năng quản trị giá vốn không tốt, hoặc công ty đã phải cạnh tranh bằng giá để có việc làm. Đây đều là những vấn đề thuộc về cốt lõi trong hoạt động của các công ty chuyên ngành xây lắp.
Đáng ngại về chất lượng tài sản
Xem xét chất lượng tài sản của Hancorp trong khoảng thời gian 2020 – bán niên 2023, có thể thấy một vấn đề khá đáng ngại đó là các khoản phải thu ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tổng tài sản: năm 2020 là 44%, năm 2021 là 54%, năm 2022 là 53%, bán niên 2023 là 49,5%.
Hàng tồn kho cũng chiếm tỷ trọng không nhỏ trong giai đoạn trên, lần lượt các năm là: 29%, 21%, 21% và 28%.
Tổng tỷ trọng các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho qua các năm là: 73%, 75%, 74% và 77%. Việc tỷ trọng này tăng lên cho thấy mối quan ngại về chất lượng tài sản của Hancorp cũng ngày càng lớn hơn. Cũng cần nhớ rằng, trong 4 năm nói trên, dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi của Hancorp đã tăng từ 132 tỷ đồng lên 156 tỷ đồng rồi 159 tỷ đồng.
Điều đáng nói nữa là cơ cấu nguồn vốn cho thấy Hancorp phụ thuộc nặng nề vào vốn bên ngoài. Từ năm 2020 đến bán niên 2023, nợ phải trả của công ty đã tăng từ 4.918 tỷ đồng lên 5.845 tỷ đồng, tương đương tăng 19%.
Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của công ty gần như không được cải thiện, chỉ khoảng 1.600 tỷ đồng. Nguyên do là từ 2014 đến nay, lợi nhuận của Hancorp hầu hết sử dụng để chi trả cổ tức (trung bình 5%/năm), phần để lại rất ít, không đủ để tái đầu tư và bổ sụng vốn lưu động. Việc thoái vốn của công ty cũng chưa thực hiện được do vướng mắc liên quan đến việc chuẩn bị bàn giao vốn về SCIC.
Vì thế, trong 4 năm trên, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu đã tăng từ 3,3 lần lên 3,56 lần. Đây là hệ số khá cao, ngay cả với ngành thâm dụng vốn như xây dựng, khiến công ty chịu thêm chi phí hoạt động tài chính, khiến lợi nhuận ít nhiều bị ăn mòn.
Vòng quay chậm
Một vấn đề đáng chú ý khác trong bức tranh tài chính của Hancorp là vòng quay khoản phải thu và hàng tồn kho rất thấp.
Theo đó, vòng quay các khoản phải thu của Hancorp những năm gần đây rất thấp và có chiều hướng suy giảm: năm 2019 là 1,29, năm 2020 là 1,23, năm 2021 là 1,18, năm 2022 là 1,24.
Vòng quay khoản phải thu đại diện cho khả năng thu hồi nợ của doanh nghiệp – công tác ảnh hưởng tới khả năng thanh toán và tài trợ cho hoạt động kinh doanh. Vòng quay quá thấp đồng nghĩa với việc Hancorp thu hồi nợ kém hiệu quả. Để so sánh, vòng quay khoản phải thu năm 2022 của Coteccons là 1,52 lần, của Hòa Bình là 2,18 lần, của Tổng công ty Xây dựng số 1 là 2,89 lần… (trong khi Hancorp chỉ là 1,24 lần).
Cùng với vòng quay khoản phải thu, vòng quay hàng tồn kho của Hancorp trong cùng giai đoạn nêu trên cũng ở mức rất thấp: năm 2019 là 1,24, năm 2020 là 1,09, năm 2021 là 1,29, năm 2022 là 1,9. Vòng quay hàng tồn kho đại diện cho khả năng quản lý hàng tồn kho của doanh nghiệp, vòng quay càng lớn thì hiệu quả càng cao, doanh nghiệp càng hoạt động tốt. Những doanh nghiệp xây dựng tốp đầu đều có vòng quay cao gấp nhiều lần Hancorp như: Coteccons (2022: 6,4 lần), Hòa Bình (2022: 6,14 lần), Tổng công ty Xây dựng số 1 (2022: 5,69 lần)…
Vì các vòng quay rất thấp, khả năng thanh toán nhanh của Hancorp cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Suốt từ 2019 đến 2022, hệ số thanh toán nhanh của công ty luôn ở dưới 1, lần lượt là: 0,65, 0,72, 0,92, 0,97. Điều này cho thấy Hancorp đang gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ ngắn hạn.
Thực tế, dòng tiền kinh doanh trong vài năm trở lại đây của Hancorp cũng không thực sự sáng sủa. Ngoại trừ năm 2022, dòng tiền kinh doanh dương 426 tỷ đồng, các năm 2020 – 2021 và bán niên 2023, dòng tiền kinh doanh đều âm, lần lượt là: -375 tỷ đồng, -40 tỷ đồng và -386 tỷ đồng.
Những vấn đề nêu trên cho thấy Hancorp sẽ còn phải vật lộn khá nhiều để giải quyết bài toán tài chính của mình, trước khi nghĩ tới những điều xa hơn. Việc nằm trong liên danh trúng gói thầu 5.10 sân bay Long Thành sẽ là một chuyện tốt về mặt doanh số, song đi liền với đó cũng có thể là không ít câu chuyện đã trở thành nỗi đau đầu đối với nhà thầu thực hiện dự án có vốn công, mà Hancorp có lẽ đã rất thấm thía. Nếu điều đó thực sự xảy ra, không ngoại trừ khả năng các vấn đề nêu trên sẽ trở nên nặng nề hơn và khiến nhà thầu có danh tiếng này tăng thêm những mối ưu phiền.