Cà Mau: Nhiều người dân phản ánh mắc bẫy lừa đảo khi bán đất

Nhiều người dân, doanh nghiệp ở tỉnh Cà Mau phản ánh lâm cảnh sau khi bán đất nhưng không thu được đủ tiền theo thỏa thuận vì bị người mua lừa đảo, đã sang tên mua bán cho bên thứ 3 hoặc đem thế chấp ngân hàng.

Mất đất, chỉ nhận được số tiền ít ỏi

Trong đơn tập thể gửi đến các cơ quan chức năng, được Ban tiếp công dân tỉnh Cà Mau tiếp nhận ngày 25/7/2023, nhiều người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cho rằng, vợ chồng bà Huỳnh Thị Xuân Mai (SN 1983), ông Trần Văn Chung (SN 1974), cùng ngụ địa chỉ: 144C, Cao Thắng, phường 8, TP Cà Mau và 168 Quản Lộ Phụng Hiệp, phường Tân Thành, TP Cà Mau có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong việc mua bán đất nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền xử lý trách nhiệm hình sự.

Cà Mau: Nhiều người dân phản ánh mắc bẫy lừa đảo khi bán đất - Ảnh 1

Cơ sở tôm giống Sáu Đấu, một trong những doanh nghiệp kêu cứu vì mất đất, mất tiền trong giao dịch mua bán đất ở tỉnh Cà Mau.

Cùng đứng đơn trình bày, các ông Nguyễn Văn Đấu (chủ cơ sở tôm giống Sáu Đấu, ngụ xã Thới Bình, huyện Thới Bình), Trần Quang Tùng (ngụ phường 4, TP Cà Mau), Lê Như Lĩnh (ngụ phường 2, TP Cà Mau) cho biết, từ tháng 11/2016 đến tháng 7/2019, vợ chồng ông Chung, bà Mai có thỏa thuận mua đất với ông Đấu 3 thửa đất số 833 (349), tờ bản đồ số 17; số 790, 849, tờ bản đồ số 18, có tổng diện tích hơn 18.600m2 (tọa lạc xã Thới Bình, huyện Thới Bình), số tiền 8,5 tỷ đồng.

Với ông Tùng thửa đất số 120, tờ bản đồ số 20, diện tích hơn 644m2 (tọa lạc tại phường Tân Thành, TP Cà Mau), số tiền 6 tỷ đồng; với ông Lĩnh thửa đất số 01, tờ bản đồ số 0781 (tọa lạc tại xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước), số tiền 900 triệu đồng.

Theo thỏa thuận, ngay sau khi ký hợp đồng công chứng sẽ thanh toán số tiền còn lại. Nhưng đến nay, đã gần 7 năm mà vợ chồng bà Mai chỉ mới thanh toán cho ông Đấu 1,3 tỷ đồng, ông Tùng 2,9 tỷ đồng và ông Lĩnh 750 triệu đồng.

Ông Tùng trình bày, khi ra công chứng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (CNQSDĐ), vợ chồng bà Mai, ông Chung giao cho ông Trần Văn Tiến (anh ruột ông Chung) đứng tên nhận chuyển nhượng phần đất của tôi, còn vợ chồng bà Mai, ông Chung sẽ thanh toán đủ số tiền chuyển nhượng.

“Gần 7 năm kể từ ngày ký hợp đồng chuyển nhượng, bà Mai mới chỉ thanh toán cho tôi được 2,9 tỷ đồng, số tiền còn lại chỉ hứa hẹn và né tránh”, ông Tùng bức xúc.

Về phía ông Đấu, ngày 12/7/2017, sau ký hợp đồng CNQSDĐ, vợ chồng bà Mai không thanh toán tiền như thỏa thuận. Sau nhiều lần hứa hẹn, ngày 22/8/2017 ông Đấu yêu cầu vợ chồng bà Mai ký “Tờ hợp đồng chuyển nhượng” 3 thửa đất trên với các thỏa thuận: ngay khi ký hợp đồng, trả 2,5 tỷ đồng; ngày 20/8/2018, thanh toán 3 tỷ đồng; ngày 10/8/2019 thanh toán 3 tỷ đồng còn lại.

Hợp đồng quy định, trong thời gian chưa thanh toán đủ số tiền 8,5 tỷ đồng, vợ chồng bà Mai chỉ được giữ 3 giấy CNQSDĐ, không được cầm cố, thế chấp. Nếu vợ chồng bà Mai không thực hiện trả tiền đúng hạn, ông Đấu có quyền lấy lại toàn bộ CNQSDĐ trên và buộc vợ chồng bà Mai bồi thường số tiền 10 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau khi ký “Tờ hợp đồng chuyển nhượng” đến nay vợ chồng bà Mai chỉ mới thanh toán 1,3 tỷ đồng. Điều đáng nói, mặc dù chưa thực hiện nghĩa vụ thanh toán như thỏa thuận nhưng vợ chồng bà Mai đã sang tên 3 thửa đất trên rồi làm tài sản bảo lãnh cho Công ty TNHH XNK nông lâm thủy sản Khang Thịnh, đem thế chấp cho Ngân hàng TMCP An Bình để vay tiền sử dụng vào mục đích khác.

Cà Mau: Nhiều người dân phản ánh mắc bẫy lừa đảo khi bán đất - Ảnh 2

Ông Nguyễn Văn Đấu - Chủ cơ sở tôm giống Sáu Đấu chỉ về các thửa đất đã chuyển nhượng cho vợ chồng bà Mai nhưng chưa lấy được tiền.

Quá bức xúc, ngày 19/8/2019, ông Đấu đã làm đơn kiện vợ chồng bà Mai ra tòa, hủy hợp đồng CNQSDĐ giữa ông với vợ chồng bà Mai, tự chịu thiệt hại số tiền 1,3 tỷ đồng đã thanh toán; bồi thường 600 triệu đồng tiền cọc mua đất ở huyện U Minh, tỉnh Cà Mau đã mất, do việc thanh toán chậm của vợ chồng bà Mai.

“Do là chỗ thân thiết tôi tin tưởng giao sổ đỏ. Tôi không hay biết gì việc vợ chồng bà Mai lấy tài sản của mình đi thế chấp. Nhà tôi ở gắn liền với phần đất chuyển nhượng, đến nay tôi vẫn quản lý, sử dụng phần đất này nhưng quá trình ngân hàng thẩm định tôi không hề hay. Cứ nghĩ bán đất xong lấy vốn về U Minh mở rộng cơ sở, giờ thì mất đất, mất luôn tiền bán đất vì vợ chồng bà Mai đã lừa nhiều người tương tự như tôi”, ông Đấu nói.

Bản án khó thi hành

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 7/3/2023, TAND tỉnh Cà Mau tuyên, buộc vợ chồng ông Đấu và vợ chồng bà Mai phải tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng. Vợ chồng bà Mai phải trả cho vợ chồng ông Đấu số tiền theo hợp đồng và lãi phát sinh là hơn 9,8 tỷ đồng. Những thửa đất đã chuyển nhượng vẫn được xử lý làm tài sản đảm bảo trả nợ cho ngân hàng.

Về phán quyết của tòa án, ông Đấu cho biết, trong quá trình các cấp tòa xét xử, ông đã thu thập được nhiều bản án dân sự đã được tuyên, buộc vợ chồng bà Mai phải thi hành án nhưng họ không có tài sản để thi hành, làm căn cứ. Thậm chí, có bản án được tuyên từ năm 2018, phải thi hành số tiền 537 triệu đồng, hai người này đến nay vẫn chưa thi hành.

Trao đổi với Doanh nghiệp Việt Nam về việc thi hành bản án, ngày 17/11, lãnh đạo Chi Cục thi hành án dân sự (THADS) TP Cà Mau cho biết, để đảm bảo quyền lợi, ông Đấu cần có đơn yêu cầu thi hành án theo bản án của tòa, buộc bà Mai phải trả hơn 9,8 tỷ đồng thì mới có cơ sở tiến hành thi hành án theo quy định.

Cà Mau: Nhiều người dân phản ánh mắc bẫy lừa đảo khi bán đất - Ảnh 3

Vợ chồng ông Đấu bên phần đất sắp bị cưỡng chế để trả nợ ngân hàng cho vợ chồng bà Mai.

Theo lãnh đạo chi cục, đối với tài sản là phần đất của ông Đấu hiện gia đình ông vẫn giữ và sử dụng cho đến nay, nhưng hiện tại đang bị phía ngân hàng yêu cầu trả nợ và xử lý tài sản mà bà Mai đã thế chấp để vay và không có khả năng thanh toán, việc thi hành theo bản án của tòa cũng gặp khó khăn.

“Việc bà Mai thế chấp CNQSDĐ để vay vốn ngân hàng theo cam kết là thanh toán tiền cho ông Đấu, nhưng thực tế mang tiền đi sử dụng vào mục đích khác. Điều này cho thấy, bà Mai có dấu hiệu của sự gian dối và đây cũng là sơ hở của ông Đấu trong giao dịch mua bán đất. Dù chúng tôi hiểu việc này nhưng tới đây vẫn phải thi hành án là yêu cầu vợ chồng bà Mai và vợ chồng ông Đấu giao đất để xử lý nợ của ngân hàng”, lãnh đạo Chi cục THADS TP Cà Mau nhận định.

Liên quan vấn đề nêu trên, ông Hà Thanh Hùng - Chánh án TAND tỉnh Cà Mau thông tin với báo chí, việc xem xét đánh giá chứng cứ, tài liệu và quyết định giải quyết vụ việc thuộc thẩm quyền của hội đồng xét xử. Lý do vì sao đưa ra quyết định đã được thể hiện trong bản án. Trong trường hợp ông Đấu không đồng ý với bản án, ông có quyền làm đơn yêu cầu xem xét bản án theo thủ tục giám đốc thẩm.

Có dấu hiệu tội phạm

Liên quan vụ việc trên, luật sư Nguyễn Thành Phú - Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh cho rằng, với nhiều người dân ở tỉnh Cà Mau mắc cùng một phương thức mua bán đất, trả trước một số tiền rồi “mượn giấy đất” đi công chứng để vay ngân hàng, nhưng cuối cùng không trả cho các nạn nhân.

“Vụ việc này có hệ thống và lặp đi lặp lại, diễn ra nhiều lần, nhiều nạn nhân, số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. Cần làm rõ việc hợp đồng giả cách, có giá trị thấp hơn rất nhiều lần so với số tiền thực bán đất, có dấu hiệu của việc trốn thuế. Do đó, các cơ quan chức năng nên xem xét để vào cuộc điều tra làm rõ theo đúng quy định của pháp luật, nhằm cảnh báo phòng ngừa chung, tránh xảy ra những trường hợp tương tự”, luật sư Phú cảnh báo.

Nhận định về hành vi trên với báo chí, luật sư Hồ Nguyên Lễ - Trưởng văn phòng Luật Tín Nghĩa (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho biết, vợ chồng bà Mai đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất với số tiền 8,5 tỷ đồng nhưng chỉ thanh toán 1,3 tỷ đồng, còn nợ vợ chồng ông Đấu tiền gốc là 7,2 tỷ đồng. Sau khi chuyển nhượng, vợ chồng bà Mai đã đem quyền sử dụng đất đi thế chấp ngân hàng lấy tiền vào việc gì mà không thanh toán tiếp phần nợ cho ông Đấu?

Với 2 bản án dân sự đã buộc vợ chồng bà Mai phải trả nợ gốc và lãi hơn 9,8 tỷ đồng nhưng vẫn không thanh toán là có dấu hiệu hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác bằng các hình thức: vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả. Đây là dấu hiệu vi phạm hình sự tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, Điều 175 Bộ luật hình sự.

Thái Cường

Theo Doanh nghiệp Việt Nam