Các ‘tay to’ ngành địa ốc đang có những kế hoạch gì để phát triển bất động sản công nghiệp?
Hàng loạt “ông lớn” ngành địa ốc như: Kinh Bắc, Phát Đạt, IDICO… đang lên kế hoạch “khủng” để phát triển bất động sản công nghiệp.
Theo đánh giá từ FiinRatings, thời gian tới, bất động sản khu công nghiệp Việt Nam vẫn sẽ phát triển ổn định nhờ nhu cầu cao của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Ngoài ra, các dự án đầu tư công cũng được Chính phủ đặc biệt quan tâm, qua đó nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng cho liên kết vùng.
Đón bắt tiềm năng trên, nhiều “ông lớn” bất động sản cũng như tập đoàn hoạt động đa ngành đang có kế hoạch tiến quân mạnh vào phân khúc bất động sản công nghiệp trong năm 2024.
Dẫn tin từ tạp chí Tài Chính, Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (Mã: KBC) dự kiến sẽ tiếp tục ghi nhận doanh thu cho thuê đất khu công nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ trong các quý tiếp theo của năm 2024. Dựa trên cơ sở các biên bản ghi nhớ đã ký kết và quỹ đất gần 150ha sẵn sàng cho thuê trong năm 2024, KBC đặt mục tiêu tổng doanh thu và lãi sau thuế hợp nhất năm 2024 đạt lần lượt 9.000 tỷ đồng và 4.000 tỷ đồng, tăng gần 48% và 80% so với kết quả năm 2023. Đặc biệt, dự án khu công nghiệp Tràng Duệ 3, được thông qua quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000, dự kiến sẽ hoàn thành thủ tục pháp lý và khởi công trong quý I/2024, sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra động lực tăng trưởng dài hạn cho KBC.
Ngoài các dự án đã triển khai, phía công ty cho biết đang chuẩn bị quỹ đất khu công nghiệp mới để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư trong thời gian tới. Cụ thể, công ty đang hoàn thiện thủ tục pháp lý cần thiết để được phê duyệt dự án tại các địa phương như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hậu Giang, Cần Thơ, Vũng Tàu… với tổng diện tích dự kiến khoảng 3.500ha đất khu công nghiệp và 650ha đất khu đô thị.
Ngoài ra, CTCP Phát triển bất động sản Phát Đạt (Mã: PDR) cũng có chiến lược quay trở lại đường đua bất động sản công nghiệp. Trong năm nay doanh nghiệp dự kiến hoàn thành hồ sơ pháp lý xin chấp thuận chủ trương đầu tư khu công nghiệp hơn 400ha ở Quảng Ngãi. Ngoài ra Phát Đạt đang tiếp tục tìm kiếm cơ hội với quỹ đất sạch ở một số địa phương.
Bên cạnh đó, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP (Mã: BCM) có kế hoạch cho thuê diện tích lớn tại khu công nghiệp Cây Trường với diện tích 700ha từ quý I/2024, tăng cường doanh thu mảng cho thuê khu công nghiệp.
Không nằm ngoài cuộc đua, Tổng công ty IDICO - CTCP (Mã: IDC) đang mở rộng quỹ đất và triển khai nhiều dự án mới, dự kiến tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong những năm tới. IDICO có kế hoạch mở rộng tổng diện tích quỹ đất thêm 2.430 tới 2.820ha trong 5 năm tới. Trong đó, công ty đang chờ phê duyệt đầu tư cuối cùng cho khu công nghiệp Tân Phước 1 (470ha, tại tỉnh Tiền Giang) và dự kiến sẽ được phê duyệt đầu tư trong đầu năm 2024. Tại cuộc họp nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng cho biết khu công nghiệp Vinh Quang (Hải Phòng) đã hoàn thành quy hoạch 1/2.000 và dự kiến sẽ được phê duyệt đầu tư trong năm 2025.
Trong khi đó, Tập đoàn Hà Đô (Mã: HDG) cũng tham vọng lấn sân sang lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp, mở đầu tại Ninh Thuận. Đầu năm nay, doanh nghiệp đã đề xuất đầu tư 2 cụm công nghiệp 100ha gần khu công nghiệp Cà Ná, tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ chế biến, chế tạo. Trước đó, Lãnh đạo Tập đoàn Hà Đô cũng từng nhận định bất động sản công nghiệp sẽ là lĩnh vực phát triển trọng điểm của công ty trong giai đoạn 2025-2030.
Ngoài thế mạnh phát triển nhà ở, CTCP Đầu tư và kinh doanh nhà Khang Điền (Mã: KDH) cũng góp phần làm nóng đường đua làm bất động sản công nghiệp với dự án khu công nghiệp Lê Minh Xuân tại TP. HCM. Đại diện doanh nghiệp cho biết đang hoàn tất bồi thường, giải phóng mặt bằng để khu công nghiệp đủ điều kiện đưa vào kinh doanh từ năm sau.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), ông Nguyễn Văn Đính cho biết, vốn FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm khoảng 35-40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm cả nước những năm gần đây.
Bất động sản công nghiệp duy trì vị thế dẫn đầu thị trường thời gian qua, bất chấp phần lớn phân khúc khác rơi vào cảnh ảm đạm. Loại hình này có cơ hội bùng nổ bởi Việt Nam đẩy mạnh đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, logistics, tích cực thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.