Các xu hướng bất động sản nổi bật 2023
Các chuyên gia cho rằng, năm 2022 ngành bất động sản đang phát đi những tín hiệu khả quan cùng với diễn biến tích cực về tốc độ phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch. World Bank dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt 7,5% trong năm 2022 và 6,7% vào năm 2023. Ngành bất động sản cũng đã bắt đầu trở lại với đường đua tăng trưởng. Cùng với triển vọng tăng trưởng kinh tế dài hạn của Việt Nam, giới đầu tư vẫn đặt niềm tin vào sự đi lên của thị trường bất động sản.
Bùng nổ nhu cầu phát triển nhà ở xã hội
Năm 2022, Chính phủ cùng cộng đồng doanh nghiệp đang ấp ủ đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.
Theo đó, Vinhomes công bố đề án 500.000 căn nhà ở xã hội Happy Home trong 5 năm tới, có giá bán dưới 1 tỷ đồng ở các địa phương hạng 2. Tháng 7 vừa qua, 2 dự án nhà ở xã hội đầu tiên được Vinhomes khởi công xây dựng tại Thanh Hóa, Quảng Trị với quy mô 3.500 căn.
Masterise cũng công bố sẽ làm 25.000 căn trong thời gian 3-5 năm tới, Tập đoàn Hưng Thịnh có kế hoạch xây 150.000 căn, Tập đoàn Novaland cam kết xây khoảng 200.000 căn còn Him Lam cam kết xây 75.000 căn.
Tính đến nay, theo Bộ Xây dựng, trên cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân, quy mô xây dựng khoảng 156.000 căn, với tổng diện tích hơn 7,79 triệu m2; 401 dự án đang tiếp tục được triển khai, với quy mô xây dựng khoảng 455.000 căn, tổng diện tích xấp xỉ 22,718 triệu m2. Động lực chính khiến nhiều doanh nghiệp quay trở lại phân khúc nhà ở xã hội đến từ Nghị định 49/2021/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó bổ sung một số chính sách ưu đãi chưa từng có cho doanh nghiệp tham gia.
Theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc Bộ phận Nhà ở CBRE Việt Nam, việc tăng mạnh nguồn cung nhà ở xã hội những năm tới sẽ giải quyết nhu cầu nhà ở cho số đông người dân có thu nhập thấp ở đô thị, công nhân khu công nghiệp. Đây là một tín hiệu tốt về nguồn cung thị trường, nhắm đúng đối tượng có nhu cầu ở thật. Việc tăng thêm hàng triệu căn nhà ở xã hội sẽ giải quyết bài toán thị trường nhà ở hiện nay, vốn đang “thừa khúc trên, thiếu khúc dưới”.
Bất động sản công nghiệp hưởng lợi
Theo thống kê, tại các khu công nghiệp, khu kinh tế trên cả nước đang có gần 11.000 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đầu tư lên đến 230 tỷ USD... Bất động sản Khu công nghiệp được dự báo là điểm nóng của thị trường bất động sản trong những năm qua và xu thế này vẫn tiếp diễn trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Làn sóng đổ bộ của dòng vốn đầu tư nước ngoài, nhu cầu thương mại điện tử và các hiệp định thương mại tự do đang tạo động lực để loại hình bất động sản công nghiệp phát triển bùng nổ trong thời gian tới. Kết quả là nhiều thương hiệu bất động sản trong và ngoài nước đã và đang lập kế hoạch tham gia vào thị trường này thông qua các dự án quy mô. “Đây là kết quả của việc Chính phủ vừa kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, chặn đà suy giảm kinh tế. Hơn nữa, với những cơ hội từ các hiệp định thương mại đem lại, triển vọng tăng trưởng của Việt Nam vẫn được đánh giá cao”, báo cáo của World Bank nhận định.
Bà Trang Bùi, Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, cũng cho biết: “Đa phần các nhà đầu tư đều thích mở rộng và có thị phần cao hơn ở thị trường Việt Nam. Các nhà đầu tư mới cũng vậy, muốn triển khai nhanh, mở rộng thị trường, mở rộng danh mục trong giai đoạn này”. Việc tham gia nhiều Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), đẩy mạnh xuất khẩu giúp tăng cường vị thế cho Việt Nam như điểm đến hấp dẫn đối với các nhà sản xuất - là một phần trong chuỗi cung ứng, từ đó nhu cầu đối với bất động sản công nghiệp sẽ gia tăng.
Thu hút mạnh dòng vốn FDI
Việt Nam là điểm sáng hiếm hoi trong thu hút dòng vốn bất động sản của thế giới khi các chính sách thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng cởi mở hơn. Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) đã khởi công khu phức hợp gần 1 tỷ USD ở Khu Đô thị Thủ Thiêm, đánh dấu cột mốc quan trọng trong kế hoạch rút lui hoàn toàn khỏi thị trường Trung Quốc để dồn sức vào các thị trường giàu tiềm năng khác. Việt Nam được xem là điểm đến quan trọng của xu hướng dịch chuyển này.
CapitaLand (Singapore) cũng mua lại quỹ đất tiềm năng để xây dựng khu phức hợp tại thành phố Thủ Đức, TP.HCM với quy mô khoảng 8 ha, dự kiến cung cấp ra thị trường 1.100 căn hộ và shophouse cao cấp. Trước đó, nhà phát triển bất động sản đến từ Malaysia Gamuda Land khẳng định tham vọng lâu dài tại thị trường Việt Nam thông qua thương vụ nhận chuyển nhượng một dự án ở thành phố mới Bình Dương.
Trong nửa đầu năm 2022, bất động sản là lĩnh vực thu hút vốn FDI lớn thứ 2, với tổng vốn đầu tư lên đến 3,15 tỉ USD, chiếm 22,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. Theo Savills Việt Nam, không chỉ bất động sản công nghiệp, mà cả các phân khúc nhà ở, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe... cũng đang là thỏi nam châm thu hút dòng vốn của các nhà đầu tư ngoại. Trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn do đại dịch, dòng vốn ngoại thật sự trở thành một lực đẩy quan trọng hỗ trợ thị trường.
Kết quả của một cuộc khảo sát do CBRE thực hiện gần đây cho thấy, TP.HCM là thành phố lớn nhất Việt Nam giữ vị trí thứ 5 trong 10 thành phố được các nhà tư bất động sản châu Á - Thái Bình Dương quan tâm nhất.
Đầu tư mạnh mẽ vào các khu đô thị vệ tinh
Xu hướng hình thành các khu đô thị vệ tinh xung quanh TP.HCM, thành phố có quy mô dân số trên 10 triệu người, sẽ tiếp diễn trong năm 2023 và những năm tiếp theo, khi quỹ đất ở các khu trung tâm này ngày càng khan hiếm và đắt đỏ trước sức ép gia tăng dân số. Nhiều dự án có xu hướng chuyển dịch ta các khu vực vùng ven, sự dịch chuyển này cũng phù hợp với quy luật đa trung tâm hóa các đô thị hiện đại.
Còn tại Hà Nội, đồ án Quy hoạch lớn cho năm 2030, tầm nhìn năm 2050 của Hà Nội cũng nhấn mạnh đến sự phát triển về mặt không gian xoay quanh những cụm đô thị. Mô hình này bao gồm phần lõi đô thị bên cạnh các vệ tinh vừa và nhỏ, được gắn kết nhờ hệ thống đường vành đai, liên tỉnh, quốc lộ và đường sắt dày đặc.
Bên cạnh các dự án đang được phát triển như Nam Long Waterpoint ở Long An, Aqua City ở Đồng Nai, TP.HCM đang khẩn trương triển khai xây dựng quy hoạch chung đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Ở lần quy hoạch này, ngoài thành phố Thủ Đức, TP.HCM dự kiến xây dựng 4 khu đô thị mới bao gồm Khu Đô thị cảng Hiệp Phước, Khu Đô thị Tây Bắc, Khu Đô thị Bình Quới - Thanh Đa, Khu Đô thị du lịch biển Cần Giờ. Phát triển các khu đô thị vệ tinh là xu hướng tất yếu, khi các thành phố khác trong khu vực cũng đã hình thành những đô thị vệ tinh nhằm giảm áp lực cho khu trung tâm.
Đô thị sinh thái lên ngôi
Xu hướng đô thị sinh thái sẽ trở thành trào lưu quan trọng trong tương lai. Đặc biệt, tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu được tổ chức trong khuôn khổ COP26 vào tháng 11/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết của Việt Nam đối với nỗ lực chung của toàn cầu nhằm hướng đến mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ Trái đất ở ngưỡng 1,50C.
Để bảo vệ môi trường và cải thiện không gian sống, hướng đến phát triển bền vững, hiện nay, nhiều nhà đầu tư bất động sản khi triển khai các dự án chung cư, khu du lịch nghỉ dưỡng đã ý thức được vai trò lá phổi của cây xanh.
Novaland đã áp dụng hệ thống công trình xanh EDGE của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) trong thiết kế và thi công dự án Aqua City (Đồng Nai) với chỉ tiêu cây xanh ước tính hơn 15 m2⁄người. Hay bình quân cứ một cư dân ở Ecopark sẽ sở hữu riêng 120 cây xanh. Đặc biệt, ở dự án Masterise Homes còn tạo không gian xanh 3 lớp: công viên bên ngoài dự án, nội khu xanh mát và khu vườn xanh tại các căn hộ. Hay The Global City được kỳ vọng là “khu trung tâm mới” của TP.HCM, được phát triển theo tiêu chuẩn bền vững quốc tế, sử dụng công nghệ năng lượng mặt trời, quản lý nước sạch để tiết kiệm năng lượng và tài nguyên.
Sôi động phân khúc bất động sản hàng hiệu
Theo Savills, Việt Nam nằm trong Top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới về quy mô thị trường bất động sản hàng hiệu (Branded Residences). Nguồn cung bất động sản hàng hiệu tăng bình quân 11% từ năm 2017. Đến quý I/2021, Việt Nam có 24 dự án bất động sản hàng hiệu với hơn 2.200 căn hộ. Giống như các dự án trên thế giới, dòng sản phẩm này ở Việt Nam cũng có giá đắt đỏ. 2 dự án hàng hiệu có mức giá bán cao nhất tại Việt Nam cho tới thời điểm hiện tại là Grand Marina, Saigon tọa lạc tại trung tâm TP.HCM với mức giá chào bán từ 16.000 USD/m2 (khoảng 400 triệu đồng/m2); Khu căn hộ hàng hiệu Ritz-Carlton Residences, Hanoi có giá bán từ khoảng 35.000 USD/m2 (hơn 800 triệu đồng/m2).
Động lực cho thị trường này là kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển, kéo theo số người giàu, siêu giàu gia tăng. Dự kiến đến năm 2025, khi số người siêu giàu ở Việt Nam đạt đến 25.800 người, từ khoảng 19.500 người trong năm 2021, Việt Nam có thể chỉ đứng sau Thái Lan, Indonesia, Singapore về số người siêu giàu. Theo báo cáo của Knight Frank, lượng người có tài sản trên 30 triệu USD (hơn 700 tỉ đồng) sẽ vượt mốc 1.500 người vào năm 2026.
Ngày càng nhiều dự án bất động sản hàng hiệu xuất hiện như dự án bất động sản hàng hiệu Thảo Điền Green của chủ đầu tư SIC, dự án Dolce Penisola Quảng Bình của chủ đầu tư Onsen Fuji và hàng loạt dự án bất động sản mang thương hiệu các khách sạn danh tiếng được phát triển tại những khu nghỉ dưỡng dọc bờ biển Việt Nam. Các thành phố ven biển đang là điểm đến lý tưởng của nhiều thương hiệu quốc tế uy tín. Điển hình như Đà Nẵng với dự án hàng hiệu Le Méridien hay Fusion Resort & Villas. Không chỉ tập trung vào các thành phố lớn và địa điểm nghỉ dưỡng, nhiều thương hiệu cũng phát triển dự án ở các khu vực vệ tinh. Ví dụ như khu nghỉ dưỡng 5 sao tại Ba Vì do tập đoàn khách sạn Meliá quản lý.
Ngoài ra, các chuyên ra còn điểm mặt các xu hướng khác như hình thành và phát triển nhà thông minh, ứng dụng công nghệ vào bán hàng bất động sản và dự báo thị trường sẽ phát triển bền vững hơn, giá nhà tăng cũng có xu hướng tăng chậm lại.