Căn hộ dưới 25 triệu/m2 gần như "tuyệt chủng", người trẻ vỡ mộng mua nhà

Ước mơ tìm được chốn an cư đang ngày một xa vời, nhất là với những người trẻ có nguồn thu nhập trung bình khi nguồn cung eo hẹp cùng nỗi lo lạm phát và giá nhà ngày càng vượt quá khả năng.

Quỹ đất tại khu vực trung tâm ngày càng khan hiếm; Tâm lý “ăn chắc” mùa COVID, đổ dồn chọn bất động sản làm kênh đầu tư; Nguồn cung nhà ở giảm, thậm chí không có dự án mới gia nhập thị trường, do hạn chế phê duyệt,… là những nguyên nhân đẩy giá nhà tăng cao. Cũng theo đó, những căn hộ dưới 2 tỷ gần như “tuyệt chủng”, người trẻ càng khó chạm tới giấc mơ sở hữu tổ ấm cho riêng mình.

Căn hộ dưới 25 triệu/m2 “tuyệt chủng” – Giấc mơ an cư ngoài tầm tay 

Một trong những vấn đề của thị trường bất động sản hiện nay là giá nhà ở tăng cao so với thu nhập người dân. Qua tổng hợp của Bộ Xây dựng cho thấy, giá căn hộ chung cư tại các địa phương đều có xu hướng tăng, bình quân khoảng 3% so với thời điểm cuối năm 2021. Giá nhà chung cư tại Hà Nội tăng khoảng 4-5% còn tại TP. Hồ Chí Minh tăng khoảng 1-2% so với cuối năm 2021.

Theo báo cáo công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản Quý I/2022 của Bộ Xây dựng cho biết, không có một căn hộ dưới 25 triệu đồng/m² nào được cung ứng ra thị trường trong năm 2021 tại khu vực trung tâm của các đô thị. Trong khi đó, căn hộ chung cư trung cấp (có mức giá khoảng 30 triệu - dưới 50 triệu đồng/m2) vẫn là sản phẩm chủ đạo trong thị trường căn hộ chung cư quý I, thậm chí giá căn hộ hạng C cũng đã lên đến 60 triệu đồng/m². Đặc biệt, tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, một số dự án có vị trí đặc biệt, thuộc trung tâm có mức giá quảng cáo, chào bán rất cao lên đến vài trăm triệu/m2.

Giá nhà tăng “chóng mặt”, giấc mơ an cư của người trẻ xa tầm tay   
Giá nhà tăng “chóng mặt”, giấc mơ an cư của người trẻ xa tầm tay   

Bài toán “lệch pha” cung – cầu

Tình trạng “tuyệt chủng” căn hộ bình dân có nhiều lý do như dự án kéo dài vì vướng các thủ tục pháp lý, thị trường thiếu vắng những nhà phát triển bất động sản cao cấp thực sự, và lâu lâu lại có một đại gia trong lĩnh vực khác bất động sản bỗng “xí” được một miếng đất vài héc ta, bán xong “bỏ chạy”.

Một vấn đề nữa là thị trường bất động sản tại các đô thị lớn đang mất cân đối, đặc biệt có dấu hiệu lệch pha cung - cầu, thừa cung trong phân khúc thị trường căn hộ cao cấp, nhưng thiếu căn hộ giá rẻ. Đặc biệt, trong 2 năm qua gần như không có dự án nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp nào được cấp phép mới, dù đây là một trong những phân khúc có nhu cầu rất lớn. Mặc dù chính quyền liên tục kêu gọi, ưu tiên cho các doanh nghiệp đầu tư vào nhà ở xã hội, tuy nhiên đối với phân khúc này lợi nhuận bị khống chế, yêu cầu lãi từ 10%-15% chưa kể nhiều vướng mắc chậm tháo gỡ nên thực tế là không mấy doanh nghiệp “mặn mà”.

Doanh nghiệp sợ đối mặt với "ma trận" thủ tục hồ sơ để thực hiện các dự án nhà ở giá rẻ  
Doanh nghiệp sợ đối mặt với "ma trận" thủ tục hồ sơ để thực hiện các dự án nhà ở giá rẻ  

Chấp nhận xa trung tâm để có nhà “vừa” túi tiền

Khó để tìm căn hộ ưng ý tại các quận nội thành, gần trung tâm với khoảng giá 25 triệu/m2, người trẻ ở các đô thị hiện có xu hướng “ngó” nhà xa hơn sang các khu vực vùng ven.

Chị Thu Thủy (27 tuổi) đang sinh sống tại quận Bình Thạnh, TP.HCM cho biết với công việc 8 tiếng/ngày cộng với tăng ca, mỗi tháng tổng thu nhập của hai vợ chồng khoảng hơn 30 triệu đồng nhưng vẫn không dám mơ đến việc mua nhà ở Sài Gòn.

“Với hàng loạt chi phí từ thuê nhà trọ, sinh hoạt phí thì mức lương như vậy dù có tiết kiệm tối đa cũng không dám nghĩ tới việc mua nhà ở Sài Gòn. Cuối năm ngoái, hai vợ chồng có thử tìm hiểu một dự án 2 phòng ngủ ở Bình Chánh chỉ vào khoảng 1,6 tỷ nhưng thời điểm này đã là 2 tỷ. Giá nhà chắc chắn còn tăng nữa nên hai vợ chồng chuyển hưởng tìm mua chung cư tại các dự án ở các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai,… có hỗ trợ tài chính và nhận nhà ngay” – tâm sự của chị Thủy cũng là nỗi lòng chung của nhiều bạn trẻ trước bài toán an cư còn bị bỏ ngỏ.

Để ước mơ an cư không còn là điều “xa xỉ” cần phải được sửa đổi trong các chiến lược về nhà ở, về thị trường bất động sản. Cơ quan quản lý và chính quyền địa phương cần nhìn vào các dự án ách tắc mà tìm ra những điểm nghẽn để khơi thông. Nếu nhà nước cởi trói và hỗ trợ được nhiều chính sách tốt hơn thì sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư, như vậy người có thu nhập thấp mới có thể tiếp cận được.

Theo Chất lượng và Cuộc sống