Cẩn thận với “chiêu trò làm giá” căn hộ
Việc tăng giá liên tục đã khiến giá đất bình quân tăng lên nhanh chóng, tạo ra áp lực rất lớn cho những người có nhu cầu mua nhà thật.
“Thổi giá” căn hộ
Tại những dự án mới đưa vào sử dụng, có vị trí đẹp, thuận tiện, giá nhà trên thị trường thứ cấp đang tăng rất nhanh.
Đơn cử, tại một dự án chung cư nằm trên đường Định Công (quận Hoàng Mai), dù mới chỉ mở bán vào đầu năm nay, thế nhưng, chỉ chưa đầy 1 tháng đã “cháy hàng”. Giá bán của chủ đầu tư đưa ra là 38 - 42 triệu đồng/m2, tùy từng vị trí.
Trong trường hợp khách hàng có nhu cầu mua căn hộ tại dự án mà sản phẩm đã hết, buộc phải mua sang nhượng từ chủ cũ. Trên thị trường thứ cấp, giá bán căn hộ tại dự án này đã tăng lên 40 - 43 triệu đồng/m2.
Hay như một dự án chung cư khác, nằm ngay mặt đường Quang Trung (quận Hà Đông), vào đầu năm 2021, khách hàng mua căn hộ sẽ phải trả 29 - 31 triệu đồng/m2. Thế nhưng, hiện nay, giá thứ cấp tại dự án này đã tăng lên 34 - 35 triệu đồng/m2.
Nhận định về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết: Về bản chất giai đoạn vừa rồi ở Hà Nội nguồn hàng khan hiếm các chủ đầu tư tận dụng tình trạng cầu cao, cung ít nâng giá lên và thông qua các đơn vị phân phối để bán sản phẩm. Hiện tượng này rất có thể là một chiêu trò của ngành sale bất động sản.
Ông Đính nhận định, tình trạng này này xuất hiện không mang lại lợi ích nào cho người mua, mà chỉ tạo ra sự hỗn loạn cho thị trường và thông tin trở nên "bát nháo". Tức là trên thị trường có nhiều giá bán như giá trần, giá làm hàng, giá chênh… từ đó tạo ra một thị trường không chuyên nghiệp, minh bạch.
Đồng quan điểm, chuyên gia bất động sản Nguyễn Văn Đính, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế khẳng định đây chỉ là chiêu trò "thổi giá" của chủ đầu tư để tối đa hóa lợi nhuận.
"Giá bán sơ cấp cao hơn nhiều lần so với giá thứ cấp, thì giới mua đi bán lại "ăn chênh lệch" thế nào. Rõ ràng, đây là một trường hợp rất lạ và không hợp lý so với quy luật của thị trường bất động sản", ông Thịnh nói.
Cũng theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, trong trường hợp này, cả người mua nhà thật, lẫn nhà đầu tư đều bị chịu thiệt. Chỉ có duy nhất chủ đầu tư được hưởng lợi từ việc giá nhà đất lên cao.
Để hiện tượng này không tiếp tục diễn ra, các chuyên gia bất động sản cho rằng, cần tính minh bạch trong giá bán các căn hộ trên thị trường. Đặc biệt là nhà nước, các cơ quan quản lý sớm cần xây dựng, ban hành chỉ số giá để cho các nhà đầu tư, khách hàng có cơ sở để so sánh, đối chiếu trong trường hợp mua bán hàng hoá trên thị trường, tránh rủi ro lớn nhất đến với người mua.
Chiêu trò cài “chim mồi”
Trước những cơn sốt đất “đổ bộ” các tỉnh, thành cả nước trong thời gian qua, bên cạnh câu chuyện những nhà đầu cơ lướt sóng dễ dàng kiếm tiền tỉ thì những người làm môi giới cũng không bỏ qua cơ hội kiếm tiền, thậm chí dùng đủ chiêu trò, mánh khóe tinh vi để móc túi từ người bán và người mua.
Quan sát thị trường bất động sản đất nền hiện nay ở các quận, huyện vùng ven Hà Nội, TPHCM, Quảng Ninh và các tỉnh thành khác không ít người liên tưởng tới thị trường lan đột biến.
Quy hoạch mới, nâng cấp từ huyện lên quận… cũng chưa bao giờ là điều quá đặc biệt. Các thửa đất chia lô, liền thổ… cũng là những sản phẩm bất động sản "xưa như trái đất" nhưng gần đây nó được đặc biệt hóa, biến hoá bởi những mạng lưới môi giới nhà đất dày đặc đan xen có chung một mục đích là kiếm lợi bằng cách khuấy đảo và thổi giá thị trường.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, khoảng 4 năm trở lại đây thị trường bất động sản lặp đi lặp lại nhiều đợt sốt đất, gây ra nhiều hệ quả tiêu cực.
Theo ông Châu, thủ phạm chính của các đợt sốt đất, sốt giá nhà, sốt giá đất nền là giới đầu nậu, cò “đất”, doanh nghiệp bất lương thực hiện các thủ đoạn tung tin đồn thổi, làm giá - thổi giá, lợi dụng tâm lý đám đông - hám lợi, cài “chim mồi” giao dịch mua bán giả tạo và thừa cơ hội “đục nước béo cò”, trục lợi bất chính và trong một số trường hợp đã có sự móc nối, tiếp tay, “chống lưng” của cán bộ cơ sở.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế PGS-TS Đinh Trọng Thịnh - giảng viên Học viện Tài chính cho rằng, giá đất tăng dựa trên thông tin chung thì không được nhìn nhận là nguyên nhân thật sự dẫn đến hiện tượng tăng giá. Đó là hiện tượng đầu cơ. Việc mua đi bán lại diễn ra lúc chờ tăng giá không phản ánh được nhu cầu thực chất của thị trường và sẽ bị dừng lại.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, cứ 10 người tham gia thị trường khi sốt đất diễn ra thì có đến 8 người chạy theo đám đông, đa phần là tay ngang, nhà đầu tư F0 mua tài sản lần đầu sập bẫy sốt đất (tương đương 80%). Có rất ít người đứng đằng sau các cơn sốt đất hưởng lợi từ sự tăng giá bất động sản phi mã, chiếm tỉ trọng 20%.
Ông Matthew Powell – giám đốc Savills Hà Nội cho rằng, nếu cơ hội trên thị trường xuất hiện sẽ sinh ra làn sóng tận dụng cơ hội để có lợi nhuận. Kinh nghiệm cho thấy, những khoản đầu tư được hứa hẹn gia tăng giá trị nhanh chóng và thu lợi dễ dàng, thì trong rất nhiều trường hợp, đây không phải sự thật.
Các nhà đầu tư cần ghi nhớ nguyên tắc này khi quyết định tham giá vào bất kỳ lĩnh vực nào của thị trường để tránh bị nhiễu, dao động do thiếu thông tin xác đáng. Khi đầu tư, giới hạn cũng là một yếu tố cần chú ý. Thông thường nhà đầu tư sẽ tiếp tục đầu tư khi thấy có lợi nhuận. Nhà đầu tư cần nắm được tiến trình đầu tư và chiến lược thoái vốn, liệu bản thân họ có đủ khả năng chi trả cho các khoản vay hay có lượng vốn sở hữu đủ lớn để tiếp tục đầu tư không?