Cảnh báo về nguy cơ bong bóng bất động sản trên toàn thế giới

Theo Bloomberg Economics, giá bất động sản trên khắp thế giới đang bùng lên làm dấy lên hồi chuông cảnh báo về bong bóng chưa từng thấy kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. New Zealand, Canada và Thụy Điển được xếp hạng là các thị trường nhà ở đắt giá nhất thế giới.

Theo Bloomberg Economics, giá bất động sản trên khắp thế giới đang bùng lên làm dấy lên hồi chuông cảnh báo về bong bóng chưa từng thấy kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. New Zealand, Canada và Thụy Điển được xếp hạng là các thị trường nhà ở đắt giá nhất thế giới, dựa trên các chỉ số chính được sử dụng trong bảng điều khiển Bloomberg Economics. Anh và Mỹ cũng ở gần đầu bảng xếp hạng rủi ro.

Nhà kinh tế học Niraj Shah viết trong báo cáo: “Một loạt các yếu tố đang đẩy giá nhà lên mức chưa từng có trên toàn thế giới. Lãi suất thấp kỷ lục, các gói kích thích tài khóa chưa từng có, tiết kiệm sẵn có trong giai đoạn bị phong tỏa do đại dịch, lượng nhà ở hạn chế và kỳ vọng về sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế toàn cầu đều đóng góp vào đà tăng phi mã của giá nhà”.

Trong đó, phân tích chủ yếu tập trung vào các nước thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Theo phân tích, những người làm việc tại nhà cần thêm không gian và các chính phủ ưu đãi thuế dành cho người mua nhà cũng đang thúc đẩy nhu cầu về nhà ở.

Các chỉ báo chính của Bloomberg Economics tổng hợp 5 chỉ số để ước tính “thứ hạng bong bóng” của một quốc gia, con số càng cao hơn cho thấy nguy cơ điều chỉnh cao hơn.

Trong số các chỉ số, tỷ lệ giá trên giá thuê (giá mua bất động sản chia cho giá thuê trong 1 năm) và tỷ lệ giá trên thu nhập (giá mua bất động sản chia cho thu nhập trong 1 năm) đã giúp đánh giá tính bền vững của việc tăng giá bất động sản.

Theo phân tích của Bloomberg Economics, đối với nhiều quốc gia trong OECD, tỷ lệ này đã cao hơn so với trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Theo phân tích, ngay cả khi các chỉ số rủi ro đó tăng lên, với lãi suất vẫn thấp, các tiêu chuẩn cho vay thường cao hơn so với trước đây và các chính sách an toàn vĩ mô được áp dụng, thì nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ là không rõ ràng. Nhà kinh tế Shah cho biết giai đoạn sắp tới nhiều khả năng sẽ được đặc trưng bởi sự đóng băng hơn là sụp đổ.

Tuy nhiên, rủi ro lớn hơn khi có sự bùng nổ đồng bộ về giá nhà như trường hợp của chu kỳ kinh tế hiện tại. “Khi chi phí đi vay bắt đầu tăng, thị trường bất động sản và các biện pháp rộng hơn được áp dụng để bảo vệ sự ổn định tài chính sẽ phải đối mặt với một bài kiểm tra quan trọng”, nhà kinh tế Shah cho biết.

Trong khi đó, thị trường bất động sản tại Việt Nam cũng đang xuất hiện những dấu hiệu bất thường sau cơn sốt đất mấy tháng trước đây đã qua đi. Theo báo cáo của Savills Việt Nam, với tình trạng an ninh thắt chặt, các nhà đầu tư trong và ngoài nước không có nhiều điều kiện thuận tiện trong việc đi lại, giao thương, thị trường BĐS thời gian gần đây chứng kiến sức mua giảm, các nhà đầu tư đều ở trong trạng thái dè chừng và thận trọng khi quyết định đầu tư BĐS.

Hiện kinh tế Việt Nam vẫn đang gồng mình gánh chịu thiệt hại do dịch bệnh. Bên cạnh đó, nguồn thu nhập hạn chế của đại đa số người dân trong thời điểm này khiến tình hình thị trường không có nhiều biến động.

Với tình hình hiện tại, theo đại diện Savills, khi nhiều người bị hạn chế về thu nhập, mất việc hoặc giảm lương, không có nhiều nguồn tích lũy, sức mua trên thị trường sẽ khiêm tốn hơn so với các năm trước, chủ yếu tập trung vào phân khúc nhà ở có giá trị vừa phải tại các đô thị lớn trên toàn quốc.

Theo các chuyên gia trong ngành, hiện khả năng hấp thụ của thị trường nói chung ở mức thấp, nhất là trong giai đoạn tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay. Chính vì vậy, nhiều nhà đầu tư cũng khá thận trọng với dòng tiền của mình.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn có cái nhìn lạc quan hơn, ngay sau khi Việt Nam đã hoàn thành việc chống dịch, mọi hoạt động trở lại bình thường, thị trường bất động sản sẽ sôi động trở lại, sóng địa ốc lại cuồn cuộn. Giới đầu tư có tiền tiếp tục rót vốn đầu tư. Nhiều người dân có dòng tiền nhàn rỗi cũng sẽ tiếp tục tham gia vào kênh đầu tư này. Bởi bất động sản là nơi đầu tư sinh lời tốt nhất và an tòan nhất trong các kênh bỏ vốn hiện nay. Tuy nhiên, nhà đầu tư sẽ cẩn trọng để tìm kiếm sản phẩm đầu tư tốt. Chắc chắn nơi nào có hàng hoá đặc biệt sẽ thu hút dòng tiền, sóng sẽ đổ dồn vào và nhà đầu tư cũng sẽ đi theo.

Minh Châu

Theo DNVN