'Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh chậm tiến độ do năng lực nhà thầu tư vấn còn hạn chế'

Đánh giá tiến độ triển khai dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh hiện còn rất chậm so với quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Cao Bằng cho biết một trong những nguyên nhân của việc này là do năng lực các nhà thầu tư vấn còn hạn chế, chưa lường trước được hết các tình huống có thể xảy ra trong quá trình triển khai dự án.

UBND tỉnh Cao Bằng vừa có báo cảo gửi Bộ Giao thông Vận tải về tình hình thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng).

Theo đó, công tác khảo sát lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án và lập khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được hoàn thành. Hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB của dự án cũng đã được hoàn thành trong tháng 8/2022. Trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, dự án cũng đã được giao kế hoạch vốn hơn 27 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, theo UBND tỉnh Cao Bằng, tiến độ triển khai dự án hiện còn rất chậm so với quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án của Thủ tướng Chính phủ.

Nguyên nhân chủ quan theo báo cáo của UBND tỉnh Cao Bằng là do năng lực các nhà thầu tư vấn còn hạn chế, chưa lường trước được hết các tình huống có thể xảy ra trong quá trình triển khai nên phải giải trình, bổ sung hồ sơ nhiều lần trong quá trình thẩm định.

Về khách quan, UBND tỉnh Cao Bằng cho biết tiến độ dự án bị ảnh hưởng do thay đổi của các quy định pháp luật có liên quan như Luật đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đầu tư công…

Để đảm bảo hoàn thành dự án vào năm 2025, UBND tỉnh Cao Bằng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương chuyển đổi mục đích rừng cho dự án.

Địa phương này cũng kiến nghị Chính phủ xem xét chấp thuận cho tỉnh được phê duyệt các khu vực khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đã có trong quy hoạch khoáng sản liên quan, đủ tiêu chuẩn và chỉ phục vụ thi công dự án đường cao tốc là khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

UBND tỉnh Cao Bằng cũng kiến nghị Chính phủ cho phép địa phương không phải thực hiện các thủ tục cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ thi công dự án. Nhà đầu tư, nhà thầu thi công có trách nhiệm thực hiện đánh giá tác động môi trường, chịu sự quản lý, giám sát đối với việc khai thác, sử dụng khoáng sản, nộp thuế, phí và thực hiện các nghĩa vụ bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, cho phép Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng và người có thẩm quyền tổ chức thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù GPMB và tái định cư.

Ngoài ra, UBND tỉnh Cao Bằng cũng kiến nghị Chính phủ cho phép tỉnh triển khai một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xác định các bãi đổ chất thải rắn xây dựng ngay sau khi chủ trương đầu tư điều chỉnh của dự án được phê duyệt, triển khai đồng thời các thủ tục để rút ngắn thời gian thực hiện công việc chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư.

Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), với tổng chiều dài hơn 121km. Trong đó, giai đoạn 1 đầu tư khoảng 93,55km và giai đoạn 2 sẽ đầu tư tiếp gần 28km còn lại.

Tổng mức đầu tư điều chỉnh khoảng 22.691 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 là 13.174 tỷ đồng và giai đoạn 2 là 9.516 tỷ đồng. Thời gian thực hiện giai đoạn 1 dự án dự kiến từ năm 2020 - 2025. Thời gian vận hành, thu phí hoàn vốn khoảng 23 năm (2026 - 2049). Giai đoạn 2 được đầu tư sau năm 2025.

Chí Bình

Theo VietnamFinance