Cắt cơn sốt đất, hết thời chụp giật ở Khánh Hòa
Cùng với các đợt thanh tra quyết liệt, bất động sản Khánh Hòa giảm hẳn sự sôi động từ nửa cuối năm 2018.
Biến động thị trường đang kéo theo nhiều khó khăn trước mắt, nhưng cũng là tiền đề cho sự phát triển bền vững về lâu dài.
Giảm giá 10 - 30% là cần thiết
Đánh giá về bất động sản Khánh Hòa, ông Văn Dũng Chinh, Tổng Giám đốc Cát Lợi Real, cho rằng, thị trường năm 2018 đã có bước chững lại, khi trải qua tăng trưởng nóng năm 2016, 2017. Chững lại về giao dịch, giảm giá từ 10 - 30% là sự cần thiết. Sang năm 2019, thị trường có giao dịch trở lại, nhưng đạt dấu mốc như 2017 là khó xảy ra.
“Đặc biệt, Khánh Hòa đang có sự vào cuộc quyết liệt, từ Trung ương đến địa phương, thanh tra về quy hoạch xây dựng, sử dụng đất công. Vì thế sản phẩm tung ra thị trường từ giữa 2018 đến nay không nhiều. Chỉ có vài dự án đáp ứng điều kiện và tung ra thị trường. Những sản phẩm này tập trung ở dòng sản phẩm trên dưới 1 tỷ, đây là nhu cầu thực của người tiêu dùng”, ông Chinh nhận định.
Chủ tịch hội Môi giới Bất động sản Khánh Hòa, ông Trần Đình Quý, cũng cho rằng, thị trường hạ nhiệt từ năm 2018 vì năm 2017 đã phát triển quá nóng.
“Chính quyền thấy được sự phát triển nóng sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy nên siết chặt từ chủ đầu tư đến môi giới. Muốn mua bán phải có đầy đủ pháp lý, dẫn đến thị trường tốt theo hướng chuyên nghiệp”, ông Quý nói.
Cũng theo người đứng đầu hội Môi giới Bất động sản Khánh Hòa, trong 1 tháng trở lại đây, nhiều địa phương trong cả nước có hiện tượng sốt đất ảo, cho thấy sự phát triển chụp giật. Trong năm qua Khánh Hòa siết chặt, nên không có tình trạng này.
“Khánh Hòa giờ đã qua thời kỳ sống chung với đất ảo, hướng tới là một thị trường bất động sản ổn định bền vững, ăn chắc mặc bền. Đây là thời điểm người mua được quyền chọn lựa, so kè giá, so kè chất lượng, quyền lợi người mua… Đây là giá trị tốt. Thị trường có thể khởi sắc nhưng không “hot” như trước”, ông Quý nhận định.
Cuộc chiến thanh lọc thị trường
Theo ông Văn Dũng Chinh, Tổng Giám đốc Cát Lợi Real, việc chủ đầu tư bán những dự án chưa đủ điều kiện, chưa quy hoạch chi tiết 1/500 đã bán, rất dễ xảy ra tranh chấp, ảnh hưởng xấu đến uy tín thị trường. Việc tỉnh Khánh Hòa siết chặt, dự án khi đưa ra thị trường phải đảm bảo pháp lý, giúp minh bạch thị trường bất động sản.
“Khi thị trường đúng chuẩn, những sàn chưa có sự chuẩn bị sẽ chịu ảnh hưởng. Tuy nhiên, điều này là cần thiết, vì không chấn chỉnh sẽ xảy ra những hệ lụy không tốt cho xã hội. Thị trường bất động sản Khánh Hòa mới, tỷ lệ thành viên môi giới có chứng chỉ hành nghề còn thấp. Vì phát triển nóng nên những ngành nghề khác chuyển qua nghề môi giới, tạo thị trường bùng nổ vào năm 2017”, ông Chinh nói.
Cũng theo ông Chinh, sự siết chặt, chuẩn hóa về pháp lý sẽ khó khăn bước đầu cho thị trường Khánh Hòa nhưng nó thuận lợi về lâu dài. Khi tìm đến địa phương này thì có chỉ số niềm tin, minh bạch, ít nhất là về chỉ số pháp lý để họ đầu tư. Vấn đề quan trọng nhất là phát triển quy hoạch của tỉnh phải kết nối hạ tầng. Hạ tầng phải đi trước thượng tầng.
“Bất động sản luôn là kênh đầu tư ưa thích trong vài chục năm tới. Khách hàng phải xem xét kỹ, khi đưa ra quyết định đầu tư. Đầu tư sớm thì lợi nhuận cao kèm theo rủi ro lớn. Tuy nhiên, phải tìm hiểu đảm bảo tính pháp lý, phù hợp quy hoạch. Việc mua theo tư duy đám đông, khó tránh khỏi thiệt hại, tiêu biểu là khu Bắc Vân Phong, ăn theo thông tin đặc khu”, ông Chinh khuyến cáo.
Nhìn nhận về tác động của thị trường đối với các đơn vị môi giới, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Tâm Real Nha Trang, cho rằng, góc độ nhà môi giới buộc phải học chứng chỉ ngành nghề. Ai không làm bài bản thì chịu trách nhiệm trước cơ quan chức năng. Trong bối cảnh thị trường hiện nay, những nhà môi giới tự phát (cò) dần dần rời khỏi nghề. Khi thị trường khó khăn, chính quyền siết chặt, thì những đơn vị làm tử tế có cơ hội khẳng định thương hiệu, trong khi những đơn vị chụp giật sẽ bị thanh lọc.
Theo Công Hưng/ VietNamNet