CEO Cushman & Wakefield: Bất động sản thương mại tại Việt Nam nhiều tiềm năng
Theo ông Matthew Bouw, CEO Cushman & Wakefield khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam có chỉ số kinh tế tích cực, dân số trẻ, tầng lớp trung lưu đang phát triển và quá trình đô thị hóa nhanh chóng. Đồng thời, có tốc độ tăng trưởng GDP cao và ổn định. Đây chính là động lực cho sự phát triển của Bất động sản.
Diến biến về thị trường bất động sản thương mại toàn cầu
Theo đánh giá của ông Matthew Bouw, thị trường bất động sản thương mại trên toàn thế giới đã có một khởi đầu nhiều thử thách khi đối diện với những khó khăn từ những bất ổn của nền kinh tế.
Cụ thể, với khi lạm phát và lãi suất tăng đã khiến doanh số bán bất động sản thương mại suy giảm đáng kể. Mặc dù vẫn còn một nguồn vốn lớn đang tìm đường triển khai vào thị trường bất động sản thương mại, nhưng việc định giá đang trở thành vấn đề nan giải.
Đồng thời, các nhà đầu tư cũng đang trong tâm lý e ngại, chưa dám mua bất động sản thương mại trong bối cảnh chưa biết chắc được xu hướng của lạm phát và lãi suất sẽ như thế nào trong tương lai. Trừ khi giá có sự giảm mạnh thì người mua sẽ cân nhắc xuống tiền.
Ông Matthew Bouw, CEO Cushman & Wakefield khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. |
Với thị trường bất động sản toàn cầu hiện nay, rất khó để đoán được tốc độ phục hồi thị trường bởi vì động lực của các thị trường là khác nhau và tùy theo thị trường địa phương và theo loại tài sản. Ví dụ, thị trường văn phòng tại TP.HCM khác với thị trường văn phòng tại Hà Nội và hiệu quả hoạt động thường cũng sẽ có sự chênh lệch.
CEO Cushman & Wakefield khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cũng cho biết, mảng công nghiệp và hậu cần đang hoạt động tốt hơn hầu hết các loại tài sản khác do tác động của các yếu tố như sự phát triển của ngành giải trí trực tuyến, thương mại điện tử, ngân hàng trực tuyến, internet vạn vật, 5G... đang thúc đẩy nhu cầu về các tài sản như trung tâm dữ liệu, hậu cần chặng cuối và nhà kho. Do đó, công nghiệp và logisitics có vị thế tốt hơn để vượt qua khó khăn và phục hồi nhanh hơn trong tình hình kinh tế hiện nay.
Thị trường Việt Nam được các tổ chức đầu tư ưa thích
Hiện tại, thị trường Việt Nam đang trở thành một thị trường có nhiều tổ chức đầu tư hơn.
Vừa qua, tại trụ sở Cushman & Wakefield ở Singapore đã mở sự kiện chào đón 80 nhà đầu tư tổ chức lớn nhất thế giới, nhiều trong số đó là nhà đầu tư châu Á.
“Trong sự kiện này, chúng tôi thăm dò ý kiến của các lãnh đạo công ty về các thị trường đầu tư bất động sản ưa thích của họ và câu trả lời đa số gọi tên Nhật Bản, Úc và Việt Nam. Tâm lý tích cực dành cho Việt Nam là nhờ lĩnh vực sản xuất đang phát triển nhanh và các chỉ số cơ bản tiềm năng như dân số trẻ, tỷ lệ đô thị hóa nhanh và tầng lớp trung lưu đang trên đà tăng trưởng”, ông Matthew Bouw nói.
Thực tế thì các nhà đầu tư tổ chức sẽ luôn nhắm đến các thị trường ổn định và đáng tin cậy. Tại Việt Nam thời gian qua, hàng loạt các nghị định và quy định mới được ban hành nhằm thúc đẩy sự phục hồi và phát triển của thị trường bất động sản.
Đồng thời, Chính phủ đang thực hiện để cải thiện tính minh bạch, chấp hành pháp luật cũng như môi trường kinh doanh nói chung. Những sáng kiến này là một bước tích cực để Việt Nam trở thành một thị trường đầu tư hấp dẫn cho nhà đầu tư bất động sản thương mại.
Việc các tổ chức đầu tư nước ngoài đang quan tâm đến Việt Nam những năm qua được minh chứng khi nhiều công ty đa quốc gia lớn đang thành lập tại đây như Lego, Panasonic, Samsung, LG, Sharp,... Đây là một dấu hiệu thực sự tích cực cho các nhà đầu tư tổ chức vì khách thuê đi đâu, các nhà đầu tư tổ chức sẽ theo chân đến đó.
Tuy nhiên, CEO Cushman & Wakefield cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục khẳng định mình là một điểm đến tuyệt vời để đầu tư với các quy định và tuân thủ phù hợp cũng như cơ sở hạ tầng tốt, nơi các nhà đầu tư có thể xin giấy phép và triển khai dự án một cách nhanh chóng. Vẫn có rất nhiều cơ hội nằm trong lĩnh vực công nghiệp và hậu cần, sản xuất cao cấp và trung tâm dữ liệu đang phát triển.