CEO Tập đoàn Phúc Sơn: Từ cậu bé chăn vịt đến "đại gia" nghìn tỉ

CEO Tập đoàn Phúc Sơn Nguyễn Văn Hậu có một tuổi thơ đầy vất vả, từng phải đi chăn vịt để phụ giúp gia đình và trước khi bước vào thương trường còn có nghề chạy xe ngựa. Nhưng giờ đây, Hậu "chăn vịt" đã trở thành "đại gia" giàu nhất, nhì tỉnh Vĩnh Phúc.

Không được sinh ra trong một gia đình giàu có như bao doanh nhân khác, chàng trai Nguyễn Văn Hậu (sinh năm 1981, quê huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) phải "tự lực cánh sinh" xây dựng cho mình một sự nghiệp vững chắc và trở thành ông chủ Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn (Tập đoàn Phúc Sơn) khi tuổi đời mới chỉ ngoài 30.

Theo người dân huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), Nguyễn Văn Hậu có tuổi thơ đầy vất vả, từng phải chăn vịt để phụ giúp gia đình.

Trước khi bước vào thương trường, ông chủ Tập đoàn Phúc Sơn còn có nghề chạy xe ngựa. Bằng nghị lực thoát nghèo, quyết "thoát khỏi luỹ tre làng" vươn lên từ hai bàn tay trắng, Hậu "chăn vịt" thành lập Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn vào những ngày đầu năm 2004 (tiền thân là Công ty TNHH Thương Mại và Xây Dựng Phúc Sơn), có trụ sở chính tại xã Tam Phúc (huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, xây dựng. Và cũng từ đây, cái tên Hậu "pháo" hay Hậu "nổ" được giới bất động sản đặt cho doanh nhân trẻ quê Vĩnh Phúc này.

Mặc dù là doanh nghiệp non trẻ, nhưng hiện giờ Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn đang là chủ, nhà thầu của loạt dự án có tổng mức đầu tư lên tới hàng nghìn tỉ đồng trải dài khắp đất nước. Những dự án mà tập đoàn này đang sở hữu là dự án Khu Trung tâm thương mại và Nhà ở Phúc Sơn (Vĩnh Tường) với quy mô 130 ha; khu nhà ở cho người có thu nhập thập 15 tầng (Vĩnh Yên); khu đô thị hai bên đường Phù Đổng (Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) với quy mô 149 ha.

Với tham vọng xây dựng Phúc Sơn trở thành một trong những tập đoàn hàng đầu Việt Nam, Hậu "pháo" đã "bành trướng" địa bàn hoạt động của mình bằng cách đấu thầu thành công nhiều dự án lớn, nhỏ ở các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Hà Nội... và đặc biệt là TP Nha Trang (Khánh Hòa).

CEO Tập đoàn Phúc Sơn: Từ cậu bé chăn vịt đến "đại gia" nghìn tỉ - Ảnh 1
Tập đoàn Phúc Sơn "hô biến" khu đất sân bay Nha Trang cũ thành dự án bất động sản nghìn tỉ kiếm lời.

Tại Nha Trang, cái tên Phúc Sơn không còn xa lạ khi liên tục là nhà đầu tư hàng loạt dự án lớn với tổng vốn lên đến hàng chục nghìn tỉ đồng. Dự án lớn nhất của tập đoàn này là Khu Trung tâm đô thị Thương mại - Dịch vụ - Tài chính - Du lịch Nha Trang xây trên khu đất sân bay Nha Trang cũ.

Siêu dự án được chia thành 1.300 lô đất nhà ở và hàng trăm căn biệt thự đơn lập với số vốn lên tới 10.000 tỉ đồng. Đây cũng chính là dự án gây nhiều tai tiếng và vừa bị UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị cơ quan công an vào cuộc điều tra việc mua bán bất động sản khi chưa đủ điều kiện.

Trong năm 2017, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng phê duyệt Quy hoạch chi tiết 1/500 đối với 2 khu đô thị là Phúc Khánh 1 và Phúc Khánh 2 do Tập đoàn Phúc Sơn làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư của 2 dự án trên 1.000 tỉ đồng.

Ngoài lĩnh vực bất động sản, Tập đoàn Phúc Sơn còn tham gia một số dự án lớn ở lĩnh vực nhà thầu xây dựng. Dự án xây dựng lớn nhất mà Phúc Sơn từng là doanh nghiệp thi công là dự án đường bờ Nam sông Trà Khúc (Quảng Ngãi) với số vốn hơn 999 tỉ đồng. Dự án này được UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt vào tháng 5/2012, thời gian thực hiện từ 2012-2015. Theo đó, tuyến đường được thi công xây dựng có chiều dài 8.783m (từ cầu Trà Khúc II đến giáp đường ven biển Dung Quất-Sa Huỳnh), xây dựng theo tiêu chuẩn đường phố chính cấp 2.

UBND tỉnh Khánh Hòa giao cho Tập đoàn Phúc Sơn làm chủ đầu tư 3 dự án BT hạ tầng, gồm: dự án nút giao thông Ngọc Hội; dự án đường vành đai kết nối nút giao thông Ngọc Hội (còn gọi là đường Vành đai 2); dự án nút giao thông kết nối khu sân bay Nha Trang.

Tập đoàn Phúc Sơn được đối ứng bằng khu đất sân bay Nha Trang với tổng giá trị đất tạm tính là 3.264 tỉ đồng. Các dự án BT hiện đang gặp vướng mắc trong giải toả mặt bằng, bị chậm tiến độ, thi công dở dang… Mặc dù dự án BT còn chưa hoàn thành, nhà đầu tư đã phân lô, bán nền đất tại sân bay Nha Trang cũ.

Theo quyết định điều chỉnh, bổ sung Quyết định 2139/QĐ-UBND của UBND tỉnh Khánh Hòa ngày 1/2/2018, có nội dung: "Nhà đầu tư không được phép chuyển nhượng, kinh doanh khi chưa đủ điều kiện theo quy định Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở…".

Liệu rằng các cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hoà có tiếp tục "làm ngơ" để Tập đoàn Phúc Sơn không thực hiện đầy đủ cam kết hợp đồng BT, coi thường pháp luật hay không? Hơn nữa, dự án sân bay Nha Trang cũ là một trong 35 dự án ở tỉnh Khánh Hòa bị Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra và đang chờ kết luận thanh tra.

 

Theo Đức Phú/Kinhtemoitruong.vn