Chân dung Apec Group: ‘Đại gia’ bất động sản dồn dập phát hành trái phiếu với lãi suất ‘khủng’
Thị trường trái phiếu vẫn được coi là nơi huy động vốn quan trọng của Công ty cổ phần Tập đoàn Apec Group (Apec Group). Mới đây, doanh nghiệp tiếp tục thu về 49,87 tỷ đồng từ việc phát hành thành công lô trái phiếu vào ngày 29/3/2022.
Theo thông tin của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), cùng ngày 29/3/2022, Apec Group đã huy động thành công hai lô trái phiếu với các mã lần lượt là APGCH2225005 và APGCH2225006. Đây cũng là hai lô trái phiếu gần nhất được Apec Group phát hành thành công, giúp doanh nghiệp thu về 84,5 tỷ đồng.
Hai lô trái phiếu này đều có kỳ hạn 3 năm, đáo hạn vào ngày 29/3/2025 với mệnh giá 100.000 VNĐ/trái phiếu.
Kể từ thời điểm tháng 10/2021 đến tháng 1/2022, Apec Group đã trải qua 8 đợt phát hành trái phiếu với các mã lần lượt là APGCH2124001 phát hành vào ngày 26/10/2021, APGCH2124002 phát hành vào ngày APGCH2124002, APGCH2124004, APGCH2126011 phát hành vào ngày 09/12/2021, các mã APGCH2123008, APGCH2126012, APGCH2126006, APGCH2126010 đều được phát hành vào ngày 10/01/2022.
Thực tế, mặc dù cực kỳ tích cực gọi vốn thông qua các đợt phát hành trái phiếu, tuy nhiên giường như những lô trái phiếu của Apec Group lại không hề thu hút nhà đầu tư. Chứng tỏ, các nhà đầu tư vẫn rất thận trọng, cân nhắc với các lô trái phiếu do Apec phát hành. Thậm trí, những thông tin khác như tài sản đảm bảo, đơn vị bảo lãnh thanh toán đều không rõ rang, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Kéo theo, nhiều lô trái phiếu của doanh nghiệp này rơi vào tính trạng ‘ế ẩm’, không huy động được số tiền như nhà phát hành mong muốn, có khi huy động thành công thì cũng chỉ giao động từ vài tỷ đến vài chục tỷ, thậm chí dưới 1 tỷ đồng.
Apec Group bắt đầu cuộc chơi của mình trên thị trường trái phiếu kể từ năm 2018. Thời điểm đó, Apec liên tục tung trái phiếu ra thị trường với lãi suất từ 8% – 13%/năm. Đây được coi là mức lãi suất cao hàng đầu so với mặt bằng chung lãi suất trái phiếu của nhiều doanh nghiệp khác. Thậm trí, con số này còn lên đến 18%/năm vào thời điểm năm 2020.
Từng bị xử phạt 600 triệu vì phát hành ‘chui’ trái phiếu
Trở lại với thời điểm cuối năm 2021, Tập đoàn Apec Group đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) phạt 600 triệu đồng vì phát hành trái phiếu “chui”.
Cụ thể, theo thông tin được UBCKNN công bố, Apec Group đã tiến hành chào bán trái phiếu Happybond.H.20.25.001 với trị giá 8,1 tỉ đồng trong năm 2020. Đồng thời từ giai đoạn từ ngày 18.1.2021 đến 6.8.2021, công ty phát hành hàng loạt trái phiếu khác với tổng giá trị 499,707 tỉ đồng ra công chúng thông qua phương tiện thông tin đại chúng và cho các nhà đầu tư không xác định nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo quy định.
Ngoài ra, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thu hồi chứng khoán đã chào bán; hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cộng thêm tiền lãi tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng mà tổ chức, cá nhân vi phạm mở tài khoản thu tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc tại thời điểm quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành, trong thời hạn tối đa 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của nhà đầu tư.
Được biết, trước đó vào tháng 11/2021 UBCKNN cũng đã ra Quyết định số 806 về việc xử phạt hành chính Công ty cổ phần Đầu tư BG Group (tiền thân của Apec Group) với số tiền 90.000.000 đồng. Nguyên nhân là công ty này đã không báo cáo về việc dự kiến giao dịch (Công ty cổ phần Đầu tư BG Group, tổ chức có liên quan của ông Nguyễn Hoàng Linh – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư IDJ Việt Nam (mã chứng khoán: IDJ) đã thực hiện giao dịch mua 1.660.300 cổ phiếu IDJ từ ngày 26/7/2019 đến ngày 15/8/2019 nhưng không báo cáo Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội về việc dự kiến giao dịch).
Tiền lực của Apec Group thế nào?
Trên thị trường bất động sản, Tập đoàn Apec Group gây chú ý với nhiều dự án lớn với hàng loạt dự án khách sạn 5 sao trên cả nước như: Apec Mandala Wyndham Mũi Né, Apec Diamond Park Lạng Sơn, Apec Golden Palace Lạng Sơn, Apec Mandala Wyndham Huế, Apec Mandala Wyndham Phú Yên, Apec Mandala Wyndham Hải Dương, Apec Mandala Sky Villas Kim Bôi, Apec Aqua Park Bắc Giang, Apec Golden Valley Mường Lò, Apec Aqua Park Bắc Giang, Điềm Thuỵ Center Point, Cụm công nghiệp Apec Đa Hội, Apec Dubai Ninh Thuận.
Đáng chú ý là dự án Apec Mandala Wyndham Mũi Né với gần 3.000 phòng và tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng.
Ngoài các dự án đang được triển khai, Apec Group cũng chủ động phát triển quỹ đất và triển khai hoạt động M&A như: khu đô thị sinh thái 64ha tại Cao Lộc – Lạng Sơn, khu đô thị sinh thái 85ha tại Tứ Kỳ, Hải Dương; khu đô thị nhà ở xã hội 9ha tại Hải Dương; khu công nghiệp Nam Sách, Hải Dương; khu đô thị 100ha tại Vĩnh Tiến, Kim Bôi; quần thể di lịch nghỉ dưỡng Kim Bôi quy mô 485ha hay đại đô thị du lịch nghỉ dưỡng tại cao nguyên Mù Là, Bắc Kạn 4000ha…
Được biết, Apec Group có mối liên hệ mật thiết với nhiều doanh nghiệp đang niêm yết như Công ty CP Đầu tư IDJ Việt Nam (HNX:JDJ); Công ty CP Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (HNX: APS), Công ty CP Đầu tư Châu Á–TBD (API).
Cụ thể, Chủ tịch HĐQT Apec Group là ông Nguyễn Đỗ Lăng; cũng là thành viên HĐQT của JDJ; Tổng giám đốc APS, Thành viên HĐQT API…Trong đó, API chính là đơn vị phát hành trái phiếu cho Apec Group trong phần lớn quá trình huy động.
Về tình hình kinh doanh của nhóm doanh nghiệp liên quan đến Apec Group thì không thực sự ổn định.
Đối với API, dòng tiền kinh doanh trong năm 2021 ghi nhận âm 215 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ âm gần 66 tỷ đồng. Đồng thời, dòng tiền đầu tư của doanh nghiệp cũng chuyển từ dương sang âm 25 tỷ đồng. Bước sang quý I/2022, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của API đã có sự khởi sắc trở lại khi con số này này là 38 tỷ đồng.
Đối với IDJ, năm 2021 doanh nghiệp ghi nhận doanh thu tăng 2,2 lần lên mức 893 tỷ đồng. Tuy nhiên dòng tiền kinh doanh IDJ âm đến 217 tỷ đồng. Tính đến hết quý I/2022, dòng tiền kinh doanh của IDJ tiếp tục ghi nhận âm hơn 247 tỷ đồng.
Trong khi đó, APS có sự tăng trưởng ấn tượng khi đạt 747 tỷ đồng doanh thu hoạt động trong năm 2021, gấp 4,7 lần năm 2020. Lợi nhuận sau thuế đạt 563 tỷ đồng, gấp 10 lần cùng kỳ. Tuy nhiên, sang đến năm 2022 APS đặt mục lãi sau thuế giảm 11,13% về mức 500 tỷ đồng.
Có thể thấy, nhà đầu tư sẽ nhìn vào danh sách các dự án, quỹ đất mà doanh nghiệp công bố để đặt niềm tin vào trái phiếu của Apec Group khi các lô trái phiếu của Apec đều không có tài sản đảm bảo. Đáng chú ý, chính mối quan hệ giữa những pháp nhân đã là đại chúng niêm yết, một bên không, khiến nhà đầu tư không phân định được “thực lực” chính xác của doanh nghiệp để ra quyết định góp vốn, để tin tưởng vào trái phiếu HappyBond.