Chia sẻ doanh thu dự án PPP: Yêu cầu minh bạch

Yêu cầu đầu tiên với các dự án PPP giao thông là phải thực hiện thu phí tự động không dừng, có kết nối với cơ quan quản lý nhà nước.

Theo quy định tại Điều 82 Luật PPP, cơ chế chia sẻ doanh thu được áp dụng khi doanh thu thực tế cao hơn 125% doanh thu trong phương án tài chính, doanh nghiệp dự án chia sẻ nhà nước 50% số chênh lệch tăng vượt quá mức 125% này sau khi đã điều chỉnh mức giá phí dịch vụ (giảm), điều chỉnh thời gian hợp đồng (giảm) và được Kiểm toán nhà nước kiểm toán phần tăng doanh thu.

Khi doanh thu thực tế thấp hơn 75% mức doanh thu trong phương án tài chính, Nhà nước chia sẻ 50% phần chênh lệch giữa mức 75% này và doanh thu thực tế chỉ áp dụng: đối với hợp đồng BOT, BTO, BOO; lý do giảm doanh thu được xác định do quy hoạch, chính sách, pháp luật thay đổi; đã điều chỉnh tăng giá, phí, tăng thời gian hợp đồng song vẫn chưa đảm bảo đạt mức 75% doanh thu theo phương án tài chính; được Kiểm toán nhà nước kiểm toán phần giảm doanh thu.

Nguồn xử lý chia sẻ doanh thu của Nhà nước từ dự phòng ngân sách các cấp.

Đáng lưu ý, theo Dự thảo Nghị định quy định cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đang được Bộ Tài chính xin ý kiến các bộ, ngành liên quan, trình tự thực hiện cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu của nhà Nước tại các dự án PPP sẽ trải qua 4 bước với sự tham gia của Kiểm toán Nhà nước.

Trao đổi với Đất Việt, các chuyên gia đều khẳng định cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu trong dự án đối tác công-tư (PPP) là rất cần thiết.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), hợp đồng PPP là thỏa thuận giữa Nhà nước với chủ đầu tư tư nhân để thực hiện các dự án về hạ tầng, nên Nhà nước sẽ cùng với chủ đầu tư đánh giá hiệu quả của dự án, từ đó đưa ra mức thu phí, thời gian thu phí phù hợp và một số vấn đề khác có liên quan.  

"Trong kinh tế thị trường, đã là làm ăn thì lời ăn, lỗ chịu, nhưng đó là khi doanh nghiệp bỏ vốn tự quản lý, tự hạch toán. Còn ở đây là trong dự án có sự hợp tác giữa Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Luật PPP đã quy định rõ áp dụng cơ chế chia sẻ doanh thu trong trường hợp nào.

Tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng do Vidifi đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT. Ảnh: Báo Đầu tư  
Tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng do Vidifi đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT. Ảnh: Báo Đầu tư  
 

Đương nhiên, với mỗi dự án, chủ đầu tư phải là người chịu trách nhiệm chính, song Nhà nước cũng đã cùng chủ đầu tư xem xét, tính toán hiệu quả dự án. Chính vì thế, trong trường hợp vì lý do khách quan cơ chế, chính sách thay đổi... làm hiệu quả dự án không được như quy định thì đương nhiên cần xem xét đến các giải pháp hợp lý nhằm đảm bảo nguồn thu cũng như thời hạn thu hồi vốn, mà cơ chế chia sẻ doanh thu nêu trên là một phần. Dĩ nhiên, cái gì cũng có hai mặt của nó và khó tránh hết rủi ro, nhưng không thể để chủ đầu tư chịu thiệt quá, nếu không sẽ không ai chịu đầu tư", ông Thịnh nói.

Vị chuyên gia cũng trấn an những lo ngại tình trạng nhập nhèm doanh thu dự án có thể khiến ngân sách nhà nước chịu thiệt. Theo đó, đã có các quy định nhằm bịt các kẽ hở này.

Trước hết, việc thu phí tại các dự án PPP giao thông phải công khai, minh bạch. 100% trạm BOT phải lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng, có kết nối với cơ quan quản lý nhà nước. Với sự kết nối này, dự án thu bao nhiêu, chủ đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước đều nắm được, giảm thiểu tối đa những khuất tất trong việc thu phí.

Khi chủ đầu tư báo cáo doanh thu thực tế không được như doanh thu trong phương án tài chính, theo quy định, Kiểm toán Nhà nước sẽ vào cuộc để kiểm toán phần doanh thu thực tế của dự án.

Luật PPP cũng đã có giới hạn để chia sẻ doanh thu. Nếu doanh thu thực tế thấp hơn doanh thu trong phương án tài chính ở dưới mức quy định thì chủ đầu tư phải tự gánh chịu. Chỉ khi nào doanh thu thực tế thấp hơn 75% mức doanh thu trong phương án tài chính, vì những lý do khách quan thì lúc đó mới xem xét chia sẻ doanh thu.

Ngoài ra, vị chuyên gia lưu ý, để cơ chế chia sẻ doanh thu thực sự hiệu quả thì kết quả kiểm tra, kiểm toán phải được công khai, minh bạch và cần được giám sát một lần nữa, như qua Quốc hội.

Cũng ủng hộ việc chia sẻ doanh thu trong dự án PPP, song PGS.TS Nguyễn Đình Thám, nguyên trưởng Bộ môn Công nghệ và Xây dựng, Đại học Xây dựng cho rằng, để công bằng, việc chia sẻ này ở mức bao nhiêu nên theo tỉ lệ góp vốn của nhà nước với chủ đầu tư tư nhân.

"Nếu ủy thác cho doanh nghiệp thực hiện toàn bộ, tự hạch toán, quản lý, kinh doanh thì lợi hay thiệt, doanh nghiệp đều chịu hết.

Nhưng hợp đồng PPP là Nhà nước và tư nhân cùng góp vốn, thực hiện và hưởng lợi nên lời lỗ gì cũng nên chia theo tỉ lệ góp vốn của mỗi bên. Còn muốn biết doanh thu thực tế của dự án có đúng như báo cáo không, có hay không sự bắt tay để lấy tiền ngân sách thì đã có Kiểm toán Nhà nước vào cuộc", ông Thám nói.

Về trình tự thực hiện chia sẻ phần giảm doanh thu dự án PPP, dự thảo Nghị đề xuất thực hiện qua 4 bước.

Tại bước thứ 1, căn cứ doanh thu thực tế và các điều kiện quy định tại Điều 82 của Luật PPP, cơ quan ký kết hợp đồng đề nghị Kiểm toán nhà nước kiểm toán doanh thu thực tế.

Bước thứ 2, căn cứ báo cáo kiểm toán của Kiểm toán nhà nước và hợp đồng dự án, cơ quan ký kết hợp đồng xác định giá trị phần doanh thu chia sẻ, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.

Bước thứ 3, cơ quan có thẩm quyền gửi Bộ Tài chính hồ sơ đề nghị thực hiện cơ chế chia sẻ doạnh thu (đối với dự án do Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương quyết định chủ trương đầu tư); cơ quan ký kết hợp đồng gửi Sở Tài chính (đối với dự án do Hội đồng nhân dân quyết định chủ trương đầu tư)

Bước thứ 4, Bộ Tài chính chủ trì, tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ; Sở Tài chính trình UBND cấp tỉnh để xem xét quyết định sử dụng dự phòng ngân sách thanh toán phần chia sẻ doanh thu giảm.

Dự thảo Nghị định quy định Hồ sơ thanh toán cơ quan ký kết hợp đồng cần gửi kho bạc nhà nước: quyết định của cấp có thẩm quyền về sử dụng dự phòng NSNN để thanh toán; Giấy đề nghị thanh toán, Chứng từ chuyển tiền.

Thành Luân

Theo Báo Đất Việt