Chính sách liên quan đến thị trường bất động sản vẫn chưa được như kỳ vọng
Nhiều chuyên gia đánh giá, các chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản đã được Chính phủ ban hành thời gian qua là không thể phủ nhận, nhưng sự hiệu quả và tiến độ triển khai thì lại chưa được như kỳ vọng.
-
Kể từ thời điểm đầu năm 2023, điểm nhấn nổi bật nhất của thị trường bất động sản có lẽ là sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ trong việc hỗ trợ thị trường hồi phục. Kể từ đó hàng loạt các chính sách, nghị quyết đã được ban hành.
Đơn cử như ngày 11/3/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Trước khi Nghị quyết 33 ra đời, ngày 5/3/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08/NĐ-CP giúp giải tỏa áp lực thanh toán trái phiếu cho doanh nghiệp, phục hồi niềm tin cho nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu.
Đối với vướng mắc pháp lý của một số loại hình bất động sản đặc thù như bất động sản nghỉ dưỡng, condotel, officetel, đầu tháng 4 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 10/NĐ-CP, trong đó công nhận quyền sở hữu với người mua bất động sản nghỉ dưỡng. Điều này được kỳ vọng sẽ tháo gỡ điểm nghẽn pháp lý cho khoảng 83.000 căn hộ condotel trên cả nước, làm yên lòng những nhà đầu tư và đưa họ trở lại thị trường.
Đến ngày 23/4, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước ban hành thêm Thông tư số 02/TT-NHNN và Thông tư số 03/TT-NHNN liên quan tới các hoạt động của ngân hàng thương mại và trái phiếu doanh nghiệp nhằm giúp các doanh nghiệp có cơ hội cơ cấu các khoản nợ đến hạn.
Riêng phân khúc nhà ở xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 388/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”. Cùng với đó là giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì gói tín dụng 120.000 tỷ đồng của bốn ngân hàng thương mại dành cho chủ đầu tư và cá nhân vay mua nhà tại dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với lãi suất ưu đãi thấp hơn 1,5 - 2%...
Với vấn đề lãi suất tăng cao, chỉ trong vòng hơn 3 tháng, Ngân hàng Nhà nước đã có tới 4 lần hạ lãi suất điều hành để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và phục hồi tăng trưởng kinh tế. Đợt giảm lãi suất gần nhất có hiệu lực từ ngày 19/6/2023. Trước đó, từ trung tuần tháng 3 tới nay, Ngân hàng Nhà nước đã 03 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành các đợt ngày 14/3, 31/3 và 25/5.
Vào thời điểm cuối tháng 5, Phó Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện 469/CĐ-TTg về tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành hướng dẫn địa phương các quy định thuộc lĩnh vực mình phụ trách.
Mặc dù Chính phủ đã mạnh tay vào cuộc, nhưng nhìn chung những chính sách đã được ban hành chưa thực sự “ngấm” vào thị trường bất động sản. Có lẽ, vẫn cần thời gian để những chính sách này thực sự “ngấm”.
Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia kinh tế, TS. Bùi Trinh đã nhiều lần nhấn mạnh, chính sách của Chính phủ rất quyết liệt nhưng việc thực thi chính sách hoàn toàn chưa như kỳ vọng mà Chính phủ, doanh nghiệp và cả thị trường bất động sản đều đang trông chờ.
TS. Bùi Trinh cho rằng, các động thái, chính sách của Chính phủ có thể có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo ra tâm lý tích cực hơn đối với thị trường bất động sản nhưng chưa đủ mạnh để tạo ra nhiều chuyển biến cho thị trường này. Nhìn chung, mức độ thẩm thấu của các chính sách gần như bằng không nên thị trường hiện nay không ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực.
Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cũng đánh giá độ “ngấm” của chính sách vào thị trường đang quá kém. Trên cứ ban hành nhưng dưới không thực thi khiến các chính sách dù đúng, trúng nhưng cũng không giải quyết được vấn đề.
Ở góc độ doanh nghiệp, chủ một doanh nghiệp đang phát triển một dự án tại TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh khẳng định: “Hiệu quả là có, nhưng chưa đáng kể”.
“Giao dịch trở lại phần lớn là do doanh nghiệp khát vốn buộc phải tung ra những chính sách chiết khấu lên tới 30-50% tạo động lực để khách hàng xuống tiền. Đặc biệt, nhiều đơn vị có thanh khoản nhờ bán rẻ các dự án đang hoàn thiện. Cơ bản, thị trường vẫn đang ở vùng đáy”, chủ doanh nghiệp này nói.