Chống rửa tiền qua BĐS: TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo nóng

TP. HCM là địa phương đầu tiên hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị, doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản thực hiện phòng chống rửa tiền.

Ngày 28/8, Sở Xây dựng TP. HCM đã có văn bản gửi các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quản lý bất động sản, các sàn giao dịch và môi giới bất động sản trên địa bàn về việc thực hiện công tác phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

Cụ thể, Sở yêu cầu các doanh nghiệp rà soát, cập nhật quy định nội bộ về phòng chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố nếu đã ban hành hoặc gửi quy định ban hành mới hoặc bản cập nhật về Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) và Cục Phòng chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước) trước ngày 15/9/2019 để thống kê, theo dõi, phục vụ công tác thanh tra, giám sát.

Sở Xây dựng TP.HCM cũng yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện các quy định về nhận biết khách hàng, cập nhật thông tin khách hàng, rà soát các giao dịch, khách hàng, áp dụng biện pháp tăng cường đối với khách hàng có rủi ro cao, phân công cán bộ thực hiện phòng, chống rửa tiền.

Các doanh nghiệp cần lập và gửi báo cáo các giao dịch đáng ngờ, báo cáo các giao dịch tiền mặt có giá trị lớn từ 300 triệu đồng trở lên về Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản và Cục Phòng chống rửa tiền theo đúng quy định của pháp luật phòng chống rửa tiền.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phải thực hiện đánh giá rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố tại chính tổ chức mình về các giao dịch bất động sản. Kết quả đánh giá rủi ro của đơn vị gửi về Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản và Cục Phòng chống rửa tiền trước ngàu 15/9/2019 để thống kê, theo dõi, phục vụ công tác thanh tra, giám sát.

Doanh nghiệp liên hệ với Cục Phòng chống rửa tiền để có thông tin và hướng dẫn về các danh sách đen, danh sách cảnh báo, danh sách cá nhân có ảnh hưởng chính trị theo quy định của pháp luật.

Đối với Thanh tra Sở Xây dựng, Sở Xây dựng yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền, trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quản lý bất động sản, môi giới, sàn giao dịch trên địa bàn thành phố và có báo cáo tổng hợp gửi về Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản trước ngày 15/9/2019.

Không khó để xử lý, nhưng...

Từng trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, TS Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, bất động sản là một thị trường mà các đối tượng có thể lợi dụng để rửa tiền bẩn, những nguồn tiền bất hợp pháp từ buôn lậu, tham nhũng... thành tiền sạch.

Theo nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, việc xác định hành vi rửa tiền qua giao dịch bất động sản không hề khó.

Trước đây Việt Nam chưa có văn bản quy phạm pháp luật, chưa có chế tài xử lý hoạt động này thì đã đành, nhưng những năm gần đây chúng ta đã có chế tài, có bộ máy, có định hướng rõ ràng, vấn đề là làm như thế nào. Điều này phụ thuộc vào chủ quan của chúng ta chứ không phải do khách quan hay ở đâu mang đến.

"Quan trọng là các cơ quan quản lý có muốn làm hay không, làm có mạnh mẽ, đúng tầm không, hay chỉ nói cho xong rồi đẩy trách nhiệm sang người khác, như thế thì không bao giờ có kết quả.

có rất nhiều lý do cộng hưởng lại khiến cho hoạt động rửa tiền diễn ra phổ biến trong lĩnh vực BĐS, trong đó nguyên nhân chính là việc vẫn cho phép giao dịch bằng tiền mặt và việc kê khai tài sản không minh bạch.

Ở các nước, việc thanh toán bằng tiền mặt được kiểm soát rất chặt chẽ, trong khi ở Việt Nam, người ta biếu xén, đút lót, chạy chọt dự án... toàn bằng tiền mặt. Chính thói quen thanh toán bằng tiền mặt đã khiến tình trạng rửa tiền thực chất sôi động hơn rất nhiều so với con số báo cáo.

Nhiều vụ án diễn ra thời gian qua cho thấy một người có thể sở hữu rất nhiều đất đai nhà cửa. Việc sở hữu số lượng bất động sản nhiều và lớn là do hầu hết các giao dịch mua bán đều bằng tiền mặt, hơn nữa tài sản lại được đứng tên bởi bất cứ ai mà không có ai theo dõi, không có người quản lý.

Thống kê cho thấy có tới gần 1 triệu báo cáo kê khai tài sản của các quan chức nhưng con số này gần như không có ý nghĩa, bởi thực tế cho thấy chúng ta gần như chưa phát hiện được vụ nào đáng ngờ hoặc sai sót, thậm chí nếu có phát hiện ra rồi cũng không không có biện pháp xử lý", TS.Kiêm nhấn mạnh.

 

Theo Ngọc Hà/Báo Đất Việt

Tin liên quan