Chung cư “chuồng cọp”: Nơi an cư trở thành hiểm nguy

Ở Hà Nội, những “song sắt” được dựng lên tại các khu chung cư tập thể đã tồn tại hàng chục năm qua được người dân đặt cho cái tên “chuồng cọp”, “lồng chim”. Đằng sau nơi gọi là “chốn an cư” đó tồn tại rất nhiều mối hiểm nguy “lơ lửng”, hay khi hỏa hoạn ập tới không lối thoát đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho nhiều người.

“Chuồng cọp” – “Di sản” kiến trúc chết người

Dạo một vòng quanh các khu tập thể trên đường Trung Kính, Nguyễn Trãi, Hoàng Mai,… trên địa bàn TP Hà Nội dễ dàng bắt gặp cảnh một số hộ dân đang cơi nới, làm “chuồng cọp” lồi lõm với mục đích chống trộm hoặc mở rộng thêm không gian cho căn hộ.

Dù ai cũng tường tận những nguy hiểm tiềm ẩn khi xảy ra sự cố nhưng vẫn cố chấp “đu trend”. Một phần vì hiệu ứng đám đông, khi xung quanh nhà nhà đều dựng thêm “chuồng cọp”, nhà nào không làm theo thì chịu “thiệt”. Mặc khác, trên thực tế người dân sinh sống tại các khu chung cư cũ này đều có thu nhập thấp và trung bình, nhiều thế hệ sống chung với nhau, thành viên đông nhưng diện tích nhà lại “có hạn”.

Đơn cử như câu chuyện của bà N.T.H sống tại khu tập thể Đống Đa, Hà Nội, để đủ chỗ cho gia đình 6 nhân khẩu, bà phải “cơi nới” ban công căn hộ của mình ra và quây tôn để làm phòng bếp.

“Biết là không nên nhưng đấy là cách duy nhất để đủ chỗ sinh hoạt cho cả gia đình. Nhiều người bảo nguy hiểm nhưng gia đình tôi ở đây hơn chục năm rồi vẫn chưa gặp vấn đề gì. Với lại ở khu này nhà nào cũng làm vậy, không nấu nướng thì cũng làm phòng ngủ, giờ có bớt đi gia đình tôi thì cũng không có ý nghĩa gì mấy”, bà N.T.H chia sẻ.

Việc mở rộng diện tích sinh hoạt của từng hộ gia đình tưởng chừng vô hại nhưng lại giống như “góp củi vào lửa”. Hầu hết các “chuồng cọp” đều được xây trên những công trình cũ, đã xuống cấp rất nhiều, giờ lại phải “gồng gánh” thêm những khung sắt nặng ký không bệ đỡ trên không, nguy cơ sập, lún có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Dây điện thì chằn chịt, “chuồng cọp” lại “dãi nắng dầm mưa” hàng ngày, chuyện chập điện, cháy nổ là khó tránh khỏi.

Do gia cố vật liệu kiên cố vào cửa sổ, ban công nhưng lại không có một thiết kế chuẩn, những nhà cao tầng và khu tập thể này không có lối thoát ngoại trừ cửa chính, vì thế rất nguy hiểm. Khi cháy nổ xảy ra thì căn hộ không khác nào “hộp sắt không cửa”, phương thức tối ưu nhất của lực lượng PCCC tiếp cận hiện trường để cứu người là phải cắt dỡ những lồng sắt để mở đường cứu nạn nhân ra ngoài. Tuy nhiên, trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, thời gian cắt các lồng sắt khá lâu dẫn tới những cái kết thương tâm.

Ngoài ra, những “chuồng cọp” được “sáng tạo” không giống nhau, mỗi cái một màu, có cái được dựng bằng song sắt, có cái được bịt lại bằng những tấm tôn, khiến hình ảnh Thủ đô trở nên nhếch nhác, mất mỹ quan.

Tuy nhiên, người dân vẫn “bám trụ” tại đây mặc cho những mối nguy hiểm luôn rình rập, bởi điều kiện không cho phép hay những thuận lợi về vị trí như gần trường học, chợ, bến xe buýt,... hoặc tâm lý “ở đâu quen đó” đối với nhiều người cao tuổi. Một số gia đình có điều kiện đã chuyển đi nơi khác thì đành bỏ trống căn nhà vì không thể bán cũng chẳng thể cho thuê.

Chung cư “chuồng cọp”: Nơi an cư trở thành hiểm nguy - Ảnh 1

Lực lượng cảnh sát PCCC cắt chuồng cọp đưa nạn nhân ra ngoài

Chung cư “chuồng cọp”: Nơi an cư trở thành hiểm nguy - Ảnh 2
“Chuồng cọp” nhô ra bên ngoài bên ngoài để tăng diện tích sử dụng cho các hộ dân
“Chuồng cọp” nhô ra bên ngoài bên ngoài để tăng diện tích sử dụng cho các hộ dân

Những bài học cảnh tỉnh nhưng không “chữa” được căn bệnh cố hữu

Không ít những vụ việc đau lòng, đáng tiếc xảy ra tại những chung cư “chuồng cọp”, điển hình nhất là vụ cháy xảy ra vào tháng 7/2017 trên địa quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã khiến 2 người chết cũng bởi ban công đã bị bịt bằng lồng sắt, không có cửa thoát hiểm; vụ cháy quán karaoke số 68 Trần Thái Tông (Cầu Giấy) vào năm 2016 làm 13 người thiệt mạng; cháy nhà ngõ 41 phố Vọng (Hai Bà Trưng) năm 2017 làm 2 người thiệt mạng; hay mới đây nhất là vụ cháy ở khu tập thể B9 Kim Liên (Đống Đa) vào ngày 21/4 làm 5 người thiệt mạng...

Đã có rất nhiều bài học thương tâm xảy ra do các vụ hỏa hoạn song “chuồng cọp” vẫn giăng khắp lối Thủ đô. Người dân thì vẫn mặc nhiên xem những “chuồng cọp, lồng chim” 10-12m2 là biện pháp tăng không gian sử dụng đất ở “hiếm khó khó tìm” giữa mảnh đất” thủ đô “đất chật người đông”. Nhiều người dân cũng có những lý giải khác cho hiện tượng này đó là làm “chuồng cọp” để chống trộm ở những hộ tầng thấp, còn những hộ tầng cao thì biện bạch làm để đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ.

Chuồng cọp” có nhiều tác động tiêu cực và Chính quyền, nhà quản lý ngành và nhà chuyên môn chưa bao giờ thừa nhận, ủng hộ giải pháp “chuồng cọp” trong các công trình nhà ở. Nhưng rất khó có một chế tài nào đủ mạnh mẽ, lại vừa linh hoạt để có thể xử lý thấu đáo được vấn đề này. Và có lẽ, trong tương lai, “chuồng cọp” vẫn hiện diện như một phần tất yếu của cuộc sống, và luôn trông chờ… giải pháp.

Nguyên Ngọc

Theo Chất lượng và cuộc sống