Chuyên gia dự báo phân khúc sẽ bứt phá trong nửa cuối năm 2024
Ông Nguyễn Anh Quê, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn G6 dự báo xu hướng dòng tiền đầu tư sẽ chứng kiến sự dịch chuyển từ chung cư sang đất nền, từ trung tâm ra ngoại ô, từ phía Bắc vào phía Nam.
Nhờ “đòn bẩy” tổng lực đến từ lãi suất giảm, hành lang pháp lý hoàn thiện hơn, chính sách kích cầu chưa từng có tiền lệ của các chủ đầu tư dự án... thị trường bất động sản xuất hiện nhiều tín hiệu khả quan, mở ra một chu kỳ tăng trưởng mới.
Ông Nguyễn Anh Quê cho biết, sự đi lên của thị trường bất động sản thường theo sau sự phát triển của kinh tế, nhất là thương mại dịch vụ, xuất khẩu, thậm chí cả từ thị trường chứng khoán. Tâm lý chung là dư tiền từ sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu hoặc có lợi nhuận từ đầu tư chứng khoán thì mới đi mua bất động sản.
Bất động sản là lĩnh vực “ăn theo” nền kinh tế, nhưng chúng ta đang làm ngược lại, đó là dùng bất động sản để kích thích kinh tế. Bởi vậy, bất kỳ biến động nào về kinh tế - chính trị cũng khiến thị trường bị ảnh hưởng.
Điều khó khăn nhất hiện tại không nằm ở tốc độ tăng trưởng nền kinh tế, mà là lưu thông dòng tiền. Chúng ta chọn bất động sản để thúc đẩy dòng tiền, nhưng phải qua cả kênh du lịch, tiêu dùng, dịch vụ mới đạt hiệu quả cao hơn.
Chủ tịch Tập đoàn G6 cho biết, bản chất dòng tiền bất động sản là đi từ nhà đầu tư - chủ đầu tư - ngân hàng, một phần luân chuyển ra sản xuất, tiêu dùng, kinh doanh, du lịch. Nếu chúng ta kích thích được tiêu dùng, du lịch, dịch vụ… thì dòng tiền mới lưu thông trong nền kinh tế, trong thị trường bất động sản.
Thời gian qua, các phân khúc condotel, bất động sản nghỉ dưỡng khó khăn vì thu nhập của người dân giảm, du lịch giảm… Có một quy luật là khi kinh tế khó khăn thì người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, thắt chặt dịch vụ, du lịch, tiêu dùng… Thế nhưng, tiêu dùng của người này là thu nhập của người kia, nếu chúng ta kích thích du lịch, tiêu dùng và dịch vụ thì GDP tăng, thu nhập nền kinh tế, người dân tăng…, dòng tiền luân chuyển mới là gốc cho thị trường bất động sản phát triển.
Theo đó, nếu du lịch hồi phục mạnh như vài tháng gần đây, người dân đi lại, tiêu dùng nhiều, có dòng tiền thuê, có hiệu quả đầu tư…, với phân khúc nghỉ dưỡng chẳng hạn, thì nhà đầu tư chắc chắn sẽ xuống tiền mua sản phẩm này.
Trong 2 quý cuối năm, có nhiều yếu tố tác động tới thị trường: Các sắc luật mới điều chỉnh thị trường bất động sản nhiều khả năng có hiệu lực sớm từ ngày 1/8/2024, thay vì từ ngày 1/1/2025 như kế hoạch ban đầu; động thái hạ lãi suất của Fed được kỳ vọng sẽ diễn ra trong quý III/2024; chính sách nới lỏng tiền tệ và lãi suất thấp của Chính phủ sẽ duy trì ít nhất đến quý III/2025; tình hình địa chính trị thế giới tiếp tục diễn biến khó lường và tác động tới Việt Nam…
Từ các chỉ báo trên, ông Quê cho rằng, thị trường bất động sản chưa thể bứt phá trong ngắn hạn, mà chủ yếu đi ngang, trong đó một số phân khúc sẽ có sự bứt phá, cụ thể là phân khúc nhà ở xã hội sẽ tăng cả về nguồn cung và giao dịch khi các vướng mắc về pháp lý được gỡ vướng, thủ tục đầu tư được thuận lợi hơn, chính quyền địa phương cũng quyết tâm hơn.
Tiếp theo là đất nền. Đây sẽ là phân khúc hấp dẫn với nhà đầu tư, tập trung ở 2 khu vực ven các đô thị lớn và trung tâm các khu du lịch. Suất đầu tư phổ biến là dưới 2 tỷ đồng/suất vì phù hợp với số đông và nhà đầu tư chủ yếu dùng “tiền thịt”. Về xu hướng dòng tiền đầu tư, tôi cho rằng, thị trường sẽ chứng kiến sự dịch chuyển từ chung cư sang đất nền, từ trung tâm ra ngoại ô, từ phía Bắc vào phía Nam.
Về khu vực, đến hết quý I/2024, sau giai đoạn thị trường nhà đất trung tâm Hà Nội và TP.HCM tăng nóng, dòng tiền có xu hướng chuyển ra ngoại thành trong quý II này, sau đó tiếp tục dịch chuyển vào phía Nam.