Chuyên gia: Hiến kế phát triển thị trường bất động sản nghỉ dưỡng
Theo các chuyên gia, đối với các loại hình bất động sản du lịch, nhất là bất động sản mới như condotel, biệt thự du lịch, officetel, shophouse đã phát triển, nên cần sớm được hoàn thiện pháp lý để phát triển.
Theo thống kê của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), từ đầu năm 2022 đến nay, số lượng dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng được triển khai, hoàn thành rất ít. Số lượng dự án được chấp thuận mới cũng không nhiều, chỉ có 5 dự án mới với 67 biệt thự du lịch và 220 văn phòng kết hợp lưu trú.
Trong năm 2021, cả nước cũng chỉ có 52 dự án với 13.600 căn hộ du lịch và căn hộ văn phòng lưu trú; gần 2.300 biệt thự du lịch được chấp thuận. Trong đó, số lượng dự án bất động sản nghỉ dưỡng tập trung nhiều nhất tại khu vực miền Trung với 42 dự án, tương ứng khoảng 13.300 căn hộ và hơn 1.900 biệt thự du lịch.
Không chỉ hạn chế số lượng dự án bất động sản nghỉ dưỡng, số liệu thống kê của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cũng cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2022, hàng tồn kho nhiều tập trung chủ yếu ở phân phúc bất động sản nghỉ dưỡng.
Chuyên gia pháp lý Nguyễn Văn Đỉnh cho rằng các loại hình bất động sản du lịch, nhất là bất động sản mới như condotel, biệt thự du lịch, officetel, shophouse đã phát triển, nên cần sớm được hoàn thiện pháp lý để phát triển.
Theo ông Đỉnh, thời gian qua, từng có nhiều ý kiến cho rằng cần quy định cụ thể khái niệm về tên công trình condotel, biệt thự du lịch, shophouse trong Luật Kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, thị trường biến đổi rất nhanh, có thể phát sinh ra các loại hình mới thì luật pháp lại trở nên lạc hậu, phát sinh nhu cầu sửa luật.
Vì thế, vị chuyên gia pháp lý đề xuất nên quy định “khung” là thuộc trường hợp công trình xây dựng trên đất thương mại dịch vụ và cần điều chỉnh theo quy định về đất thương mại dịch vụ là đúng bản chất, đảm bảo tính ổn định của pháp luật.
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cũng nêu quan điểm trong đầu tư bất động sản (bao gồm bất động sản du lịch) thì Luật Đất đai, Luật Đầu tư đóng vai trò cốt lõi. Do vậy, cần đưa nội dung pháp lý bất động sản nghỉ dưỡng như condotel, shophouse, biệt thự nghỉ dưỡng… vào nội dung dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để tạo điều kiện lấy ý kiến, hoàn thiện pháp lý.
Về tiềm năng của các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng trong thời gian tới, chuyên gia Nguyễn Thọ Tuyển - Chủ tịch BHS Group cũng cho hay, hiện nay khách hàng không chỉ có nhu cầu ở mà còn có nhu cầu nghỉ dưỡng. Sau 2 năm Covid-19, hành vi của người dân sống trong các trung tâm thành phố lớn đã thay đổi, họ không cần phải đến văn phòng làm việc mà hoàn toàn có thể làm việc tại nhà.
Liên quan đến hạ tầng, hệ thống giao thông đang dần hoàn thiện, hệ thống cao tốc kết nối các trung tâm thành phố lớn với các tỉnh thành lân cận – nơi có điều kiện tự nhiên tốt cho sức khoẻ, trải nghiệm, du lịch đang được đầu tư mạnh, giúp rút ngắn thời gian di chuyển của người dân, đưa họ tới gần hơn với các điểm đến du lịch.