Chuyên gia nói gì về biến động của thị trường địa ốc trong năm nay?
Trước những khó khăn trong năm 2022, liệu rằng thị trường địa ốc trong năm nay sẽ phục hồi hay tiếp tục rơi vào trầm lắng?
Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, bất động sản lên hay không phụ thuộc bối cảnh kinh tế chung. Chúng ta đang gặp hai cơn gió ngược: Suy thoái kinh tế thế giới, tổng cầu giảm, đơn đặt hàng nhiều mặt hàng giảm, rõ nhất là xuất khẩu.
Cơn gió ngược thứ hai là các điều kiện tài chính, tiền tệ ngặt nghèo. Tuy nhiên có điểm tích cực một chút là có thể sự ngặt nghèo về tài chính giảm dần do lạm phát thế giới qua đỉnh, mức tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn về cường độ, tần suất không như năm 2022 nữa. Do đó, áp lực đối với kinh tế vĩ mô của ta đỡ hơn. Chưa kể năm nay nước ta đặt mục tiêu lạm phát cao hơn thì cũng có dư địa ít nhiều cho chính sách tiền tệ linh hoạt hơn, bên cạnh phối hợp chính sách tài khóa.
Khó khăn như vậy, mà chúng ta muốn thực hiện được mục tiêu thì có một điểm chốt mà năm 2022 chúng ta làm chưa tốt, liên quan đến phát triển ngành xây dựng và thị trường bất động sản. Đó là năm nay tập trung đẩy mạnh đầu tư công, kết cấu hạ tầng hơn 700 nghìn tỷ. Cùng với đó là thực hiện tốt hơn chương trình phục hồi phát triển, trong đó có gói hạ tầng 113 nghìn tỷ. Những cái này làm cho bầu không khí chung và tăng trưởng kinh tế có thể giảm bớt khó khăn trong năm 2023 còn nhiều thách thức và khó khăn.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành. |
Cái thứ hai phụ thuộc vào 3 nhóm giải pháp. Một là liên quan tháo gỡ khó khăn về pháp lý và thủ tục hành chính; nhóm thứ hai là tài chính tiền tệ: Trái phiếu, tín dụng cho bất động sản trong room mới…
Hiện nay room mới khó có thể tăng mạnh, tăng cao, khác nhiều so với năm 2022 nhưng sẽ được điều hành uyển chuyển, linh hoạt hơn, cộng với một tỉ lệ nhất định sẽ giám sát. Có thể có những điều chỉnh về đánh giá rủi ro, không phải theo số tiền như trước đây mà theo phân khúc. Rất nhiều chuyên gia đề nghị giống như gói 30.000 tỷ, hiện nay đang đề nghị bên cạnh hỗ trợ lãi suất là gói 100.000 tỷ, đặt biệt cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Nhóm thứ ba là nhóm tái cấu trúc, trong đó có phần vĩ mô về mặt chính sách. Tức là lành mạnh hóa khu vực cao cấp hay đầu cơ, đầu tư; khu thứ hai là nhu cầu thực (nhà ở giá phải chăng, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân...). Cải tổ chính sách sẽ theo hướng đó, định hướng thị trường. Cái nữa là tái cấu trúc các doanh nghiệp, đặc biệt là nhiều tập đoàn và doanh nghiệp bất động sản lớn.
Với vĩ mô còn nhiều khó khăn và cũng có ít nhiều điểm tích cực như vậy, nếu làm quyết liệt đối với thị trường bất động sản, tôi hy vọng tháng Giêng này sẽ có quyết định triển khai luôn.
Nhiều hội nghị, hội thảo gần đây đều nói là đối với nền kinh tế chung và trong cả bất động sản, trong một thế giới bất định, chúng ta phải chuẩn bị rất nhiều kịch bản khác nhau. Nhưng nhiều khả năng là tình hình sẽ thuận hơn vào nửa cuối năm 2023. Thứ hai, hy vọng lòng tin thị trường người ta sẽ xuống tiền, cộng với những chính sách đó thì thị trường bất động sản và những vấn đề về thanh khoản, áp lực với tỉ giá, lãi suất, trong khoảng 3, 4, 5 tháng đầu năm sẽ được xử lý phần nào. Như vậy, trong khó khăn chúng ta vẫn hy vọng vào một năm mà Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi, giữ được sự ổn định, an toàn hệ thống bên cạnh đảm bảo an sinh xã hội.
Ông Lê Hoàng Châu cho hay, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cuối năm nay, các luật cơ bản như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sẽ được thông qua và có tính đồng bộ hơn, thống nhất hơn, tháo gỡ khó khăn lớn nhất về pháp lý.
Trong thời gian 18 tháng chờ Luật mới, tôi cũng rất mong ngay trong tháng 2, Chính phủ có thể ban hành sớm các nghị định xử lý tình huống. Với những khó khăn hiện nay của nền kinh tế thì vấn đề cùng nhau vượt qua là vấn đề quan trọng nhất. Rất cần sự đồng hành của cả hệ thống chính trị, các Bộ ngành, doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, người dân… cùng nhau tìm điểm cân bằng hài hoà lợi ích các bên có liên quan, cùng vượt qua khó khăn.
Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho biết, 2023 sẽ là một năm nhiều thách thức và khó khăn đối với thị trường bất động sản khi đứng trước các yếu tố bất khả kháng từ bên ngoài và những sự điều chỉnh cần thiết với thị trường vốn.
Theo Báo cáo thị trường gần đây nhất của Savills, có thể nói các phân khúc bất động sản như nhà ở, thương mại, công nghiệp, nghỉ dưỡng đều cho thấy sự phục hồi nhất định sau một thời gian dài chịu tác động của đại dịch.
Theo báo cáo, những chỉ số đáng lạc quan ở từng phân khúc cho thấy sự quan tâm mạnh mẽ của các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước cũng như tiềm năng tăng trưởng của lĩnh vực.
Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận thực tế rằng bức tranh hồi phục ấy không chỉ toàn những gam màu sáng, thị trường đối mặt với một số khó khăn chính như sau:
Vấn đề nguồn cung hạn chế, các sản phẩm mới trên thị trường chủ yếu có giá trị cao.
Về góc độ tài chính, bao gồm việc hệ thống ngân hàng thắt chặt tín dụng; Bộ Tài chính tăng cường kiểm soát trái phiếu doanh nghiệp; và lãi suất tăng cao.
Về góc độ phát triển dự án, tình trạng tắc nghẽn pháp lý diễn ra trong thời gian dài gây khó khăn cho nguồn cung thị trường, ảnh hưởng đến phương án tài chính của chủ đầu tư dẫn đến giá thành tăng.
Hiện nay quỹ đất phát triển dự án rất hạn chế, làm ảnh hưởng đến khả năng phát triển dự án mới của các chủ đầu tư
Nhìn chung, nhu cầu về nhà ở tại các đô thị lớn tại Việt Nam vẫn cao, đặc biệt từ nhóm khách hàng trong thế hệ Millennials, các gia đình trẻ.
Tuy nhiên, giá bán cao vượt mức chi trả của người dân và Chính phủ cũng như hệ thống tài chính vẫn chưa có cách thức linh hoạt để hỗ trợ những đối tượng này mua được nhà.
Ở thời điểm hiện nay, thị trường nhà ở đã trải qua giai đoạn mức giá được đẩy lên cao trên cả thị trường nhà ở thứ cấp và sơ cấp.
Đối với thị trường sơ cấp ở phân khúc căn hộ để bán thì mức giá được tăng hơn từ năm 2018 đến nay và liên tục tăng.
Đối với việc tăng giá thị trường sơ cấp, nguyên nhân là do chủ đầu tư muốn phát triển sản phẩm có sự cạnh tranh và phù hợp với xu hướng nguồn cầu về sản phẩm tốt, điều kiện bàn giao tốt và nhiều tiện ích; chưa kể đến chi phí đầu tư ban đầu của các chủ đầu tư cũng cao hơn.
Những chi phí này bao gồm chi phí đất, chi phí vốn, chi phí tài chính trong quá trình phát triển dự án do có những vấn đề phát sinh khiến chi phí cao hơn dự phòng.
Đơn cử như câu chuyện về tiến trình xin cấp phép, phê duyệt dự án kéo dài, khiến các chi phí đầu tư tăng lên, từ đó tác động đến giá thành của sản phẩm khiến giá bán cao hơn, thậm chí cao hơn so với dự án cùng phân khúc và cùng vị trí.
Đối với thị trường thứ cấp, khi giá nhà tại dự án bị đẩy lên cao, thậm chí có những dự án giá tăng tới vài chục phần trăm chỉ từ giai đoạn quý 3/2021 đến đầy năm 2023. Do đó, các nhà đầu tư sẽ có kỳ vọng về giá lớn, đặc biệt với những nhà đầu tư không chịu sức ép từ đòn bảy tài chính thì kỳ vọng ấy sẽ neo ở mức cao để họ có thể đạt lợi nhuận như mong muốn.