Chuyên gia: Vướng mắc pháp lý vẫn là khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp bất động sản

Theo đánh giá của các chuyên gia, khó khăn chủ yếu đang bủa vây các doanh nghiệp địa ốc chính là vướng mắc về pháp lý do thiếu đồng bộ, chồng chéo, xung đột của hệ thống văn bản pháp luật.

 

Chuyên gia: Vướng mắc pháp lý vẫn là khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp bất động sản - Ảnh 1

Mặc dù thời điểm này, những áp lực đối với các doanh nghiệp bất động sản đã có phần “dịu” hơn. Tuy nhiên, ở góc độ người trong cuộc, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng sức khỏe của nhiều doanh nghiệp địa ốc vẫn đang bị suy yếu do tính thanh khoản của thị trường cũng như việc tiếp cận nguồn vốn. Mà nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này chính là những bất cập về pháp lý.

Theo đó, hệ lụy để lại sẽ là những doanh nghiệp rời bỏ thị trường nếu như vấn đề này không được giải quyết. Từ những doanh nghiệp đầu tư, phát triển bất động sản đến doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản và môi giới bất động sản.

Việc thị trường bất động sản ảm đạm không chỉ tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp trong ngành mà đối với những doanh nghiệp khác hoạt động kinh tế liên quan cũng rất khó khăn.

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc GP.Invest, hiện nay, bất động sản đang chững lại kéo theo các chuyên ngành kinh tế liên quan cũng rất khó khăn. 6 tháng đầu năm nay, theo Hiệp hội Thép, tiêu thụ thép giảm 20%, xi măng giảm 10%,…Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách đang sụt giảm, nhất là trong lĩnh vực bất động sản.

Nguyên nhân của tình trạng này, theo đánh giá của các chuyên gia, chủ yếu là pháp lý vướng mắc không được giải quyết được do thiếu đồng bộ, chồng chéo, xung đột của hệ thống văn bản pháp luật. Bất cập này chưa có giải pháp khắc phục triệt để.

Chuyên gia: Vướng mắc pháp lý vẫn là khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp bất động sản - Ảnh 2
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc GP.Invest.

“Cần có một cơ quan chuyên trách đủ chuyên sâu của Quốc hội rà soát văn bản pháp lý trước khi trình Quốc hội để gạt bỏ những chồng chéo xung đột trong các luật, nhất là giữa Luật Đất đai và các luật khác đang chuẩn bị sửa đổi trong dịp này. Ngoài ra, các cơ quan soạn thảo cần lắng nghe, tiếp thu các đề đạt, kiến nghị, thắc mắc của các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp trong quá trình xây dựng luật để hoàn chỉnh khung pháp lý, thúc đẩy, động viên các nguồn lực xã hội vào đầu tư phát triển, tạo công ăn việc làm và tăng trưởng kinh tế”, ông Hiệp đề xuất.

Bên cạnh đó, Chủ tịch GP.Invest cũng đề xuất, chính sách cơ chế để khuyến khích kích cầu hợp lý cho toàn bộ nền kinh tế. Thực tế, thời gian qua, Chính phủ đã rất quyết liệt điều hành, chỉ đạo hạ lãi suất cho vay và giảm thuế VAT 2%,… nhưng ông Hiệp cho rằng, cần có thêm những giải pháp cụ thể về miễn giảm, giãn hoãn một số loại thuế phí, nới lỏng chính sách tài khoá, kích cầu tiêu dùng mạnh hơn nữa để củng cố tâm lý trên thị trường.

Đồng quan điểm, ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản EZ (EZ Property) cho rằng, các doanh nghiệp đang khó khăn muôn trùng mà khó khăn lớn nhất không phải là vấn đề tài chính, mà là từ pháp lý.

“Thị trường bất động sản đang gặp một vấn đề rất “oái oăm” là nguồn cung thì không có, giá vẫn rất cao và không có người mua. Bây giờ lãi suất có giảm xuống nữa thì cũng chưa chắc đã có nhiều nhà đầu tư xuống tiền bởi vì đây là giai đoạn rất nhạy cảm”, ông Toản nói.

Trong khi đó, những người có tiền hiện nay đang phần vẫn giữ bài toán an toàn, một là gửi ngân hàng, hai là đầu tư vào một tài sản khác có tính ổn định và tính thanh khoản cao. Hiện tại vẫn khó xác định thị trường thời gian tới sẽ đi lên hay tiếp tục đi xuống.

“Nếu lãi suất giảm, thị trường có thể phục hồi một phần bởi vì điều này sẽ tác động đến quyết định mua của một số người có nhu cầu ở thật. Còn với những nhà đầu tư, trừ khi có sản phẩm thật sự tốt thì họ mới đầu tư, còn không thì họ vẫn giữ trạng thái nghe ngóng”, CEO EZ Property nhấn mạnh.

Đưa ra dự báo, ông Toản cho rằng, sang năm 2024, diễn biến của thị trường còn phụ thuộc vào tình hình kinh tế vĩ mô, bởi khó khăn hiện nay đã lan đến cả sản xuất, xuất nhập khẩu, thương mai dịch vụ, du lịch,… Hầu hết các ngành kinh tế đều khó khăn thì tất nhiên cũng không có nguồn tiền đổ vào bất động sản. Bởi vì tiền đầu tư vào bất động sản phải chảy từ các ngành khác sang.

Trong khi đó, chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 diễn ra mới đây, ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn C.E.O (CEO Group) cho rằng, thị trường bất động sản từ giữa năm 2022 đến nay có thể nói là rất ảm đạm và có thanh khoản rất kém.

Mặc dù Chính phủ cũng đã vào cuộc tháo gỡ khó khăn về thanh khoản cho thị trường, chỉ đạo giảm lãi suất, hoàn thiện thể chế,… Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm thị trường bất động sản dự báo vẫn còn rất khó khăn và khó khăn này có thể còn kéo dài sang năm 2024 ở một mức độ nhất định.

Trong năm 2023 mọi thứ vẫn còn khó khăn. Tuy nhiên, nếu thể chế cởi mở hơn (chính sách miễn thị thực) cùng với những thay đổi của nội tại doanh nghiệp (tái cấu trúc, cắt giảm chi phí, đưa ra các sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường,…), hy vọng từ đầu năm 2024, ngành du lịch nói chung và thị trường bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng sẽ có những khởi sắc”, chủ tịch CEO Group nhận định.

An Nhiên

Theo Kinh doanh và Phát triển