Cơ hội thu hút vốn từ kiều bào khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực
Quy định mới cho phép người Việt Nam ở nước ngoài mua và sở hữu nhà ở trong nước sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển.
Khoản 3 Điều 4 Luật Đất đai (sửa đổi) quy định, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam có đầy đủ quyền liên quan đến đất đai như công dân Việt Nam trong nước. Chính sách này có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Điều 28 của Luật Đất đai (sửa đổi) cũng quy định người gốc Việt định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được mua, thuê nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở, nhận quyền sử dụng đất ở trong dự án phát triển nhà ở; nhận thừa kế quyền sử dụng đất ở và các loại đất khác trong cùng thửa đất có nhà (luật hiện hành không có những quy định này).
Còn điều 41 và điều 46 của Luật Đất đai (sửa đổi) quy định, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được nhà nước cho thuê đất, được bán tài sản gắn liền với đất và quyền thuê trong hợp đồng thuê. Điều này kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy hoạt động sang nhượng thứ cấp, tạo cơ chế linh hoạt hơn cho thị trường địa ốc.
Bình đẳng mua nhà như công dân trong nước
Theo số liệu thống kê, thời gian qua, nhu cầu mua nhà ở của người nước ngoài và Việt kiều là rất lớn. Trước đây, người gốc Việt định cư ở nước ngoài khi mua nhà ở tại Việt Nam vẫn được xem là người nước ngoài. Các giao dịch chủ yếu thuộc trong các dự án bất động sản và được sở hữu theo một hạng mức nhất định như dự án chung cư là 30%, không quá 10% đối với nhà phố… Hoặc nhờ người thân đứng tên dẫn đến không minh bạch về pháp lý.
Do đó, Khi Luật Đất Đai 2024 có hiệu lực, người Việt Nam định cư ở nước ngoài (còn giữ quốc tịch Việt Nam) có quyền tiếp cận đất đai như công dân Việt Nam trong nước. Khi họ được mua nhà, có quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất như công dân trong nước sẽ khuyến khích việc chuyển tiền về đầu tư, mua nhà ở Việt Nam. Điều này phần nào giúp thị trường bất động sản trong nước có thêm nhu cầu lớn từ bà con Việt kiều, góp phần tạo đầu ra cho nguồn cung nhà ở cao cấp khi phân khúc này hiện “cung đang vượt cầu”.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, sự tiến bộ, cởi mở của Luật Đất đai năm 2024 tạo điều kiện cho người Việt Nam ở nước ngoài có môi trường thuận lợi để đầu tư, kinh doanh. Đồng thời, chính sách này đồng bộ với Luật Kinh doanh Bất động sản và Luật Nhà ở năm 2023 giúp tăng cơ hội tiếp cận, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, thu hút vốn từ kiều bào nước ngoài, đẩy mạnh nền kinh tế, nhất là thị trường bất động sản.
Thu hút kiều hối đầu tư bất động sản
Thông tin từ Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện có khoảng 6 triệu người Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, 80% là các nước phát triển. Lượng kiều hối gửi về nước tính từ năm 1993 (năm đầu tiên thống kê kiều hối) đến năm 2022 đạt trên 190 tỷ USD, gần bằng nguồn vốn FDI đã giải ngân trong cùng kỳ.
Ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) ước tính lượng kiều hối chảy về Việt Nam năm 2023 đạt khoảng 16 tỷ USD, tăng 32% so với năm 2022.
Thông tin từ Bộ Xây dựng cho biết hiện khoảng 4 triệu người bao gồm người nước ngoài và Việt kiều muốn mua nhà ở Việt Nam. Bên cạnh đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang đổ mạnh vào Việt Nam sẽ thu hút người nước ngoài đến sinh sống, làm việc lâu dài. Đó là cơ hội cho các chủ đầu tư BĐS phát triển hằng năm.
Theo các chuyên gia, Luật Đất đai sửa đổi sẽ góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, khi có thêm nguồn cầu và thu hút dòng vốn từ nước ngoài.
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận Phát triển Nhà ở CBRE Việt Nam cho biết, gần 10 năm qua CBRE đã thực hiện khoảng 5.000 giao dịch, trong đó 45% thuộc về khách hàng nước ngoài và Việt kiều. Ông Kiệt đánh giá, phân khúc nhà ở cao cấp chiếm tỷ trọng lớn trong những năm gần đây. Khi quy định mới trong Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, thị trường này sẽ được kích cầu mạnh.
Cùng với việc thuận lợi tiếp cận đất đai trong nước, chính sách này có thể tạo điều kiện thu hút lượng lớn trí thức, văn nghệ sĩ, doanh nhân, nhà khoa học, nhà quản lý người Việt Nam ở nước ngoài về nước đầu tư, sản xuất, kinh doanh, hướng về Tổ quốc và đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bên cạnh đó, dòng kiều hối còn góp phần tăng cung cấp vốn cho hoạt động đầu tư bất động sản mà không phải trả nợ nước ngoài. Đây là lợi ích lớn nhất của dòng tiền kiều hối vì giúp thị trường hạn chế sự phụ thuộc vào vốn vay nước ngoài. Nhờ đó, bất động sản trong nước sẽ không còn phải chịu rủi ro quá lớn trong tình hình biến động của thị trường tài chính quốc tế.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn G6 cho rằng, chính sách mới sẽ tạo sự bình đẳng giữa người dân trong nước và kiều bào trong việc sở hữu đất đai. “Khi họ được mua nhà, có quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất như công dân trong nước thì họ sẽ chuyển tiền về đầu tư, mua nhà ở Việt Nam”, ông Quê nói. Do đó, các cơ quan chức năng cần có hướng dẫn chi tiết về trình tự, thủ tục để Việt kiều có thể tiếp cận và đầu tư vào thị trưởng bất động sản trong nước một cách thuận tiện và hiệu quả.