Cổ phiếu bất động sản trở lại “đường đua”, VN-Index tăng gần 30 điểm
Thị trường chứng khoán bứt phá trở lại trong phiên 21/1, hàng loạt cổ phiếu bất động sản đua nhau tăng giá và giao dịch vẫn diễn ra sôi động.
Thị trường chứng khoán phiên 21/1 biến động theo chiều hướng tích cực hơn và lấy lại đáng kể số điểm đã mất ở phiên 19/1. Thị trường khởi đầu phiên với sự thận trong đáng kể dù sắc xanh có phần chiếm ưu thế hơn, nhà đầu tư dường như còn e dè về sự hồi phục của thị trường trong khi áp lực bán vẫn lớn, cùng với đó là lo ngại về biến động lớn khi đây là phiên đáo hạn HĐTL phái sinh tháng 1.
Tuy nhiên, lực cầu dần trở nên mạnh hơn đã phần nào rũ bỏ tâm lý lo ngại của nhà đầu tư. Đà tăng lan rộng đến hầu hết các cổ phiếu vốn hóa lớn trên thị trường, trong đó, KDC được kéo lên mức giá trần với 41.600 đồng/cp. Bộ đôi cổ phiếu ngành thép là HSG và HPG đều tăng trên 6%. Các cổ phiếu ngân hàng như MBB, VPB, STB, TCB, VCB, CTG, VIB… cũng tăng giá rất mạnh và góp phần củng cố sắc xanh của các chỉ số.
Càng về cuối phiên giao dịch, lực cầu lại mạnh hơn trước và điều này giúp nới rộng sắc xanh của các chỉ số. VN-Index đóng cửa ở vùng giá cao nhất phiên và sau 2 phiên giao dịch, chỉ số này đã lấy lại được khoảng một nửa số điểm đã mất ở phiên 19/1.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 29,53 điểm (2,6%) lên 1.164,21 điểm. Toàn sàn có 425 mã tăng, 42 mã giảm và 41 mã đứng giá. HNX-Index tăng 7,01 điểm (3,01%) lên 240,27 điểm. Toàn sàn có 157 mã tăng, 62 mã giảm và 42 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 1,28 điểm (1,68%) lên 77,46 điểm.
Ở nhóm cổ phiếu bất động sản, các mã lớn như VIC, VHM, NVL, THD, BCM… đều có diễn biến tích cực, trong đó, VIC tăng 1,7% lên 105.100 đồng/cp và khớp lệnh 1,6 triệu cổ phiếu, VHM tăng 1,5% lên 99.000 đồng/cp và khớp lệnh 99.000 đồng/cp, NVL tăng 5,4% lên 75.900 đồng/cp và khớp lệnh 3,4 triệu cổ phiếu, THD tiếp tục tăng 6% lên 169.000 đồng/cp và là nhân tố quan trọng trong việc giữ vững đà tăng mạnh của HNX-Index.
Đà tăng cũng lan rộng đến hầu hết các cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ, trong đó, SIP, PFL, BII, CEO, IDJ, NRC, PVL, TCH, KBC, QCG, DXG, HQC, HDC, FLC… đều được kéo lên mức giá trần. Bên cạnh đó, PWA tăng 8,1%, VCR tăng 7,5%, SCR tăng 6,3%, ITA tăng 5,2%, AGG tăng 4,8%.
Trong khi đó, IDC, HPX, VRE hay IDV là số ít các cổ phiếu bất động sản giảm giá ở phiên 21/1.
Thanh khoản trên hai sàn niêm yết HoSE và HNX giảm so với phiên trước đó và thấp hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 17.804 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch 854 triệu cổ phiếu, trong đó giao dịch thỏa thuận chiếm 1.805 tỷ đồng. Nhóm bất động sản vẫn góp đến 4 cổ phiếu nằm trong top 10 về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường gồm HQC, FLC, DXG và ITA. Trong đó, HQC khớp lệnh được 29,2 triệu cổ phiếu, FLC khớp lệnh 22,3 triệu cổ phiếu còn DXG và ITA lần lượt là 14,7 triệu cổ phiếu và 14,6 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại không còn giữ được đà tích cực khi bán ròng trên cả 3 sàn giao dịch HoSE, HNX và UPCoM với tổng giá trị 276 tỷ đồng. VRE và VHM là 2 mã bất động sản nằm trong top 10 về giá trị bán ròng của khối ngoại, trong khi đó, NVL, KBC và TCH đều được khối ngoại mua ròng mạnh. NVL được mua ròng 67 tỷ đồng. KBC và TCH được mua ròng lần lượt 30 tỷ đồng và 12 tỷ đồng.
Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo thị trường sẽ tiếp tục có diễn biến khởi sắc trong một vài phiên nữa sau khi sự kiện đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 1 qua đi. VN-Index nhiều khả năng sẽ tiến đến thử thách vùng đỉnh cũ quanh 1.200 điểm trong ngắn hạn. Dù vậy, đà hồi phục tăng điểm của thị trường sẽ có thể sẽ chậm lại và đan xen các nhịp điều chỉnh trong những phiên kế tiếp. Các nhóm cổ phiếu sẽ có sự phân hoá rõ nét hơn theo kết quả kinh doanh quý IV/2020 của các doanh nghiệp niêm yết. Bên cạnh đó, hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ đầu tư theo các bộ chỉ số VN30, VNFINLEAD… sẽ tiếp tục diễn ra với cường độ tăng dần về cuối tháng 1. Hoạt động này dự kiến có thể khiến các cổ phiếu thành phần của các rổ chỉ số có biến động mạnh.