Cổ phiếu DIG nhìn từ việc 2 cổ đông lớn Him Lam và Thiên Tân bán tháo, lãnh đạo doanh nghiệp đăng ký mua hờ
Việc DIG hành động chậm rãi trong chuỗi ngày giá cổ phiếu giảm sâu đồng thời lãnh đạo lại đăng ký mua mà chỉ mua hờ khiến nhiều nhà đầu tư bức xúc.
Thị trường chứng khoán thời gian vừa giảm mạnh, chỉ số VnIndex xuống dưới 1.200 điểm khiến các nhà đầu tư không khỏi lo ngại về những kịch bản xấu. Bên cạnh đó nhiều quyết định phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán được đưa ra đối với các doanh nghiệp và cá nhân. Các cơ quan chức năng cũng vào cuộc, ra nhiều quyết định thanh/kiểm tra nhằm thanh lọc thị trường, muốn tạo nên một sân chơi công bằng cho các nhà đầu tư.
Cũng trong thời điểm nhạy cảm này, nhà đầu tư kỳ vọng vào những động thái “cứu” thị trường. Trước đó năm 2020-2021 khi thị trường chứng khoán mấy lần rơi vào tình trạng giảm điểm mạnh do tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi các đợt bùng phát mạnh của dịch bệnh Covid-19, thì các doanh nghiệp, các lãnh đạo doanh nghiệp đã nhanh chóng “ném” các phao cứu sinh vào thị trường bằng “tiền tươi thóc thật” thông qua các kênh cổ tức, mua cổ phiếu quỹ, hay lãnh đạo chi tiền túi mua gom cổ phiếu.
Thị trường đang mong mỏi những chiếc phao cứu sinh và nhiều nỗ lực cứu giá cổ phiếu đã xuất hiện nhưng mới đây, việc 2 cổ đông lớn của DIG đồng loạt thoái vốn trong cảnh cổ phiếu giảm sâu trở thành tâm điểm chú ý của các nhà đầu tư.
Từ sự “bán tháo” cổ phiếu DIG của 2 cổ đông lớn Him Lam và Thiên Tân
Cổ phiếu DIG từ đầu năm 2022 đến nay đã giảm mạnh, nhịp giảm đầu tiên từ vùng đỉnh 119.800 đồng/cổ phiếu xuống gần một nửa, về dưới 64.000 đồng/cổ phiếu chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng. Đó cũng là thời điểm cổ đông lớn Him Lam liên tục bán vốn. Từ gần 67,7 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 13,54%) nắm giữ đến thời điểm đầu năm 2022, Him Lam liên tục bán ra lượng lớn cổ phiếu và không còn là cổ đông lớn. 25 triệu cổ phiếu còn lại bán hay giữ không còn thuộc nghĩa vụ phải công bố thông tin của Him Lam.
Cùng với áp lực bán mạnh từ Him Lam, cổ phiếu DIG lao dốc, các lãnh đạo cấp cao của DIC Corp phải liên hệ với Him Lam, đề nghị không bán ra nữa. Tuy nhiên yêu cầu có thể quá muộn, lượng lớn cổ phiếu DIG đã bị bán tháo ra thị trường là một trong những nguyên nhân gây ra chuỗi dài giảm giá cổ phiếu này.
Không chỉ Him Lam, một cổ đông lớn khác là Thiên Tân cũng mạnh tay bán ra lượng lớn cổ phiếu DIG, làm gia tăng áp lực lên thị trường. Cổ phiếu DIG đã giảm sâu, mất đi khoảng 66% giá trị từ đầu năm 2022 đến nay, trong đó có những chuỗi nhiều phiên giảm sàn liên tiếp. DIG đóng cửa phiên giao dịch ngày 21/6/2022 ở mức sàn 31.500 đồng/cổ phiếu, còn so với mức đỉnh lịch sử 119.800 đồng/cổ phiếu thì DIG đã từng mất đi khoảng 75% giá trị.
Đến các động thái từ DIC Corp
Khi DIG rơi vào chuỗi giảm sâu từ đầu năm 2022, các nhà đầu tư mong chờ các động thái “cứu” giá cổ phiếu từ doanh nghiệp. Tuy nhiên có vẻ DIC Corp nhập cuộc chậm chân so với các nhịp điều chỉnh. Nhìn lại, khi Him Lam đã giảm đáng kể tỷ lệ sở hữu, từ hơn 67,7 triệu cổ phiếu xuống còn gần 25 triệu cổ phiếu thì phía lãnh đạo DIC Corp mới ra thông báo đã liên hệ với Him Lam đề nghị ngưng bán ra.
Một lần nữa khi DIG giảm sàn nhiều phiên liên tiếp về vùng đáy của khoảng 1 năm trở lại đây, ông Nguyễn Thiện Tuấn mới gửi thư cho cổ đông nhằm trấn an, cho rằng tiềm lực của công ty chưa phản ánh đúng vào giá cổ phiếu DIG. Tuy vậy nhà đầu tư vẫn đang nhìn vào các động thái tích cực hơn của doanh nghiệp.
Liệu nhà đầu tư còn tin động thái "gom" cổ phiếu DIG của lãnh đạo công ty?
Một động thái khác, hồi đầu năm 2022 khi Him Lam liên tục xả hàng và cổ phiếu DIG lao dốc, ông Nguyễn Hùng Cường, Phó Chủ tịch HĐQT công ty đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu giai đoạn từ 18/1 đến 18/2/2022. Tuy vậy nhà đầu tư đã nhanh chóng thất vọng khi ông Cường chỉ mua được 145.000 cổ phiếu trong tổng số 5 triệu cổ phiếu đăng ký mua, chiếm chưa đến 3% số cổ phiếu đăng ký. Nguyên nhân không mua đủ số được cho là do “diễn biến giá cổ phiếu không phù hợp”.
Do vậy lần này, khi DIG tiếp tục giảm sâu, ông Nguyễn Hùng Cường lại tiếp tục đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu nhằm nâng tỷ lệ sở hữu. Liệu các nhà đầu tư còn tin lần gom hàng này của lãnh đạo DIC Corp? Trên nhiều diễn đàn chứng khoán, các nhà đầu tư đang đặt nghi vấn về lần đăng ký mua này, liệu ông Nguyễn Hùng Cường có thật sự chi 3-400 tỷ đồng để mua đủ 10 triệu cổ phiếu? Trước đó nhờ tác động kép của động thái đăng ký mua lượng lớn cổ phiếu của ông Cường và bức tâm thư của Chủ tịch, cổ phiếu DIG đã có phiên giao dịch ngày 22/6 tăng trần. Phiên sáng nay 23/6 cũng đã tăng trần 2 phiên liên tiếp, lên mức 36.050 đồng/cổ phiếu.
Tình hình kinh doanh của DIC Corp
Kết thúc quý 1/2022 tiền và các khoản tương đương tiền của DIC Corp đạt gần 1.600 tỷ đồng, tăng gần 600 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, trong đó tương đương tiền là các khoản tiền gửi không kỳ hạn tại ngân hàng, gấp đôi đầu năm, lên gần 1.300 tỷ đồng. Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn đạt hơn 1.400 tỷ đồng, giảm 1.300 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm – là các khoản tiền gửi kỳ hạn dài hơn tại ngân hàng. So với thời điểm đầu năm 2022 DIC Corp đã không còn nắm giữ số trái phiếu trị giá gần 1.200 tỷ đồng của Ngân hàng TMCP PT Thành phố Hồ Chí Minh – CN Vũng Tàu.
Trong khi đó tổng vay ngắn hạn đến 31/3/2022 tăng hơn 330 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, lên 944 tỷ đồng. Các khoản vay dài hạn đến 31/3/2022 hơn 1.000 tỷ đồng. Chủ nợ lớn nhất của DIC Corp là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam với 210 tỷ đồng dư vay nợ ngắn hạn và 562 tỷ đồng dư vay nợ dài hạn tại chi nhánh Bình Xuyên.
Ngoài ra DIC Corp còn khoản vay nợ trái phiếu với tổng giá trị trị gần 3.400 tỷ đồng. Đây là số trái phiếu huy động bằng việc phát hành trái phiếu thường, thời hạn 36 tháng, đáo hạn vào tháng 9/2023 (2.000 tỷ đồng) và tháng 11/2024. Khoản hu động này được đảm bảo bằng toàn bộ tài sản, quyền tài sản và các quyền, lợi ích hiện hữu phát sinh trong tương lai tại dự án “Khu đô thị du lịch Long Tân” và toàn bộ cổ tức, lợi tức phát sinh từ số lượng cổ phiếu thế chấp tại HDBank thuộc sở hữu của Tổng công ty.