Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (16/9): POW, GAS và LHG
Theo Agriseco, động lực tăng trưởng trong dài hạn của POW đến từ các dự án điện khí LNG. Theo đó, POW gần đây đã ký kết hợp đồng tín dụng trị giá 1.500 tỷ đồng với Vietcombank cho dự án nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3, 4. Hai nhà máy này có tổng công suất 1.500MW với tổng mức đầu tư 1,4 tỷ USD, dự kiến đóng góp doanh thu của POW từ cuối năm 2024 và 2025.
POW: Agriseco khuyến nghị mua với giá mục tiêu 17.000 đồng/cổ phiếu
Tổng công ty Điện lực Dầu khí (HoSE: POW) ước doanh thu hợp nhất luỹ kế 8 tháng năm 2022 đạt 18,5 nghìn tỷ đồng, hoàn thành 76% kế hoạch cả năm. Sản lượng các nhà máy điện thủy điện và nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 2 thường xuyên vượt kế hoạch do tiêu thụ phục hồi, giá phát điện cao hơn cùng kì và điều kiện thời tiết thuận lợi.
Việc giá bán điện cao hơn so với cùng kỳ giúp doanh thu của doanh nghiệp giảm nhẹ so với cùng kỳ trong khi 1 tổ máy chính của nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 vẫn đang khắc phục sự cố.
Theo Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco), khu vực tiêu thụ điện khí chính của POW là Đông Nam Bộ được kì vọng sẽ ghi nhận tăng trưởng tiêu thụ điện cao trên mức nền thấp của nửa cuối năm 2021 và dòng vốn FDI thực hiện nửa đầu năm ghi nhận tăng trưởng cao nhất trong 5 năm, đạt 10%.
Agriseco ước tính tăng trưởng phụ tải trên cả nước có thể đạt tới 10% trong cả năm 2022, khi sản xuất đã hoàn toàn phục hồi so với cùng kì bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và giãn cách xã hội.
Theo công ty chứng khoán này, các khoản thu nhập phát sinh 1 lần của POW chưa được ghi nhận có thể kể đến như bảo hiểm hoạt động cho sự cố tại nhà máy điện Vũng Áng 1 với giá trị ước tính khoảng 300 tỷ, thoái vốn các khoản đầu tư vào các đơn vị khác như Công ty Cổ phần điện Việt Lào (trị giá 320 tỷ đồng) và Công ty Cổ phần EVN Quốc tế (UPCoM: EIC – giá vốn 28,8 tỷ đồng). Các khoản này được kì vọng có thể hỗ trợ lợi nhuận cho doanh nghiệp trong thời gian tới cho đến khi toàn bộ nhà máy Vũng Áng hoạt động bình thưởng trở lại vào năm 2023.
Động lực tăng trưởng trong dài hạn của POW đến từ các dự án điện khí LNG. Theo đó, POW gần đây đã ký kết hợp đồng tín dụng trị giá 1.500 tỷ đồng với Vietcombank cho dự án nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3, 4. Hai nhà máy này có tổng công suất 1.500MW với tổng mức đầu tư 1,4 tỷ USD, dự kiến đóng góp doanh thu của POW từ cuối năm 2024 và 2025.
Agriseco khuyến nghị mua đối với cổ phiếu POW với giá mục tiêu 17.000 đồng/cổ phiếu
GAS: ACBS khuyến nghị nắm giữ với giá mục tiêu 119.000 đồng/cổ phiếu
Tổng công ty Khí Việt Nam (HoSE: GAS) ghi nhận kết quả kinh doanh hợp nhất quý II/2022 với doanh thu đạt 27.553 tỷ đồng, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2021 và lợi nhuận sau thuế thuộc cổ đông công ty mẹ tăng mạnh lên mức 5.086 tỷ đồng, tăng124,8% so với cùng kỳ.
Theo Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), mặc dù sản lượng bán ra thay đổi không đáng kể, giá dầu Brent trung bình quý II tăng mạnh 65% so với cùng kỳ đã hỗ trợ tích cực cho giá khí bán ra cũng như doanh thu của GAS. Giá khí bán ra của GAS được neo theo giá dầu FO, trong khi giá FO có mối tương quan cao với giá dầu Brent. Biên lợi nhuận của GAS cũng nhờ đó mà tăng lên mức 25% cao hơn mức 16,6% cùng kỳ năm trước.
Với kết quả này, GAS ghi nhận doanh thu luỹ kế 6 tháng đầu năm 2022 đạt 54.342 tỷ đồng, tăng 34.9% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế thuộc cổ đông công ty mẹ đạt 8.515 tỷ đồng, tăng trưởng ở mức 98%. Kết quả này đã hoàn thành tương đương 68% kế hoạch về doanh thu và 121% kế hoạch về lợi nhuận cả năm của GAS.
Về triển vọng 6 tháng cuối năm 2022 và các năm tiếp theo, ACBS cho rằng gia dầu Brent dự kiến sẽ hạ nhiệt nhưng vẫn duy trì ở mức cao 85 – 95 USD/thùng trong nửa cuối năm khi mà cuộc chiến Nga - Ukraine chưa chấm dứt cùng các biện pháp trừng phạt xuất khẩu dầu khí của Nga. Đây vẫn là sự hỗ trợ tích cực cho giá khí bán ra của GAS, theo ACBS.
Cùng với đó, kho chứa LNG Thị Vải (giai đoạn 1) dự kiến vận hành từ năm 2023: cung cấp 1.4 tỷ m3 khí/ năm và sẽ hỗ trợ cho lợi nhuận của GAS từ giữa 2023 do mới đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, công ty chứng khoán này cho rằng giá khí LNG thế giới đang tăng mạnh sẽ tác động đến tốc độ nhập khẩu LNG cũng như việc triển khai xây dựng các nhà máy điện khí LNG có thể gặp nhiều khó khăn trong việc đàm phán hợp đồng mua bán điện.
Nguồn cung khí giá rẻ giảm dần cùng với sự tham gia của các nguồn cung năng lượng tái tạo sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của các nhà máy nhiệt điện khí trên thị trường bán điện cạnh tranh.
Nhìn chung, ACBS dự phóng giá dầu Brent trung bình ở mức 93 USD/thùng cũng như dự phóng kết quả kinh doanh năm 2022 của GAS với doanh thu đạt 102.644 tỷ đồng, tăng 30% so với mức thực hiện năm 2021 và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 13.595 tỷ đồng, tăng trưởng ở mức 56,7%.
Cùng với những rủi ro về giá dầu cũng như lo ngại về lạm phát và suy thoái kinh tế toàn cầu, ACBS khuyến nghị nắm giữ với giá mục tiêu là 119.000 đồng/cổ phiếu.
LHG: VCSC khuyến nghị mua với giá mục tiêu 61.900 đồng/cổ phiếu
Công ty Cổ phần Long Hậu (HoSE: LHG) ghi nhận doanh thu quý II đạt 233,36 tỷ đồng, giảm 58% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 40,85 tỷ đồng, giảm 81,3% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 54,1% về chỉ còn 24,8%.
Lũy kế trong 6 tháng đầu năm, LHG ghi nhận doanh thu đạt 347,7 tỷ đồng, giảm 47,8% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 89,52 tỷ đồng, giảm 64,4% so với cùng kỳ.
Theo Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), LHG hiện chỉ có khu công nghiệp Long Hậu 3.1 (LH3.1) đang trong giai đoạn bán đất. Công ty này đã giải phóng 91% tổng diện tích 124 ha của dự án LH3.1 và thanh toán phí thuê cho Chính phủ đối với 83% tổng diện tích của dự án tính đến cuối năm 2021.
VCSC ước tính LHG đã giải phóng mặt bằng và đền bù cho ít nhất 40ha đất khu công nghiệp tính đến hết quý II/2022. Ngoài diện tích đất khu công nghiệp lớn đã giải phóng mặt bằng có diện tích khoảng 40ha trị giá 2 nghìn tỷ đồng (VCSC ước tính giá bán trung bình là 220 USD/m2/kỳ hạn thuê), LHG có số dư tiền mặt ròng là 1,1 nghìn tỷ đồng vào cuối quý II/2022, tương đương khoảng 56% giá trị vốn hóa thị trường hiện tại của LHG.
Công ty chứng khoán này cũng cho biết, LHG có kế hoạch mở rộng với khu công nghiệp LH3.2 tại tỉnh Long An (tổng diện tích 90ha) và khu công nghiệp An Định tại tỉnh Vĩnh Long (tổng diện tích 200ha). Các dự án khu công nghiệp này đang chờ phê duyệt chính thức từ Thủ tướng trước khi bắt đầu phát triển.
VCSC kỳ vọng các dự án này sẽ nhận được phê duyệt trong năm 2022 và bắt đầu mở bán đất khu công nghiệp trong năm 2024.
Theo VCSC, mảng cho thuê nhà xưởng xây sẵn (RBF) và khu lưu trú của LHG sẽ mang lại dòng tiền ổn định. Thu nhập ròng ước tính từ hoạt động kinh doanh (NOI) mảng này sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) 8% trong giai đoạn 2021-2025 với NOI trung bình hàng năm đạt 115 tỷ đồng.
Với các yếu tố nêu trên, VCSC khuyến nghị mua đối với cổ phiếu LHG, giá mục tiêu là 61.900 đồng/cổ phiếu.