Cơ sở nào cho kế hoạch lợi nhuận 2024 đầy tham vọng của HBC?
Trong bối cảnh ngành xây dựng 2024 được dự báo là vẫn chìm đắm trong khó khăn, bản thân doanh thu dự kiến của HBC cũng đi lùi, thì việc tập đoàn này đặt kế hoạch lợi nhuận lên tới 433 tỷ đồng là một bất ngờ. Vậy, HBC có thể dựa vào đâu để đạt được con số tham vọng này?
Mục tiêu tham vọng
Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (HoSE: HBC) vừa công bố nghị quyết về kế hoạch kinh doanh năm 2024. Theo đó, HBC đặt mục tiêu doanh thu 10.800 tỷ đồng, giảm 13,6% so với kế hoạch năm 2023.
Đáng chú ý, trong khi doanh thu đi lùi thì doanh nghiệp lại đưa ra kế hoạch lợi nhuận sau thuế 433 tỷ đồng, tăng mạnh 3,5 lần so với kế hoạch năm 2023. Mức lợi nhuận này tương đương với kết quả HBC đạt được năm 2019 - thời điểm các doanh nghiệp xây dựng chưa phải đối mặt với dịch bệnh COVID-19 cùng sự suy thoái của thị trường bất động sản. Để đạt hơn 400 tỷ lợi nhuận, năm 2019, doanh thu của HBC lên tới 18.609 tỷ đồng - cao nhất trong lịch sử hoạt động.
Bởi vậy, mục tiêu lợi nhuận năm 2024 là điều không khỏi khiến nhà đầu tư bất ngờ bởi HBC vẫn đang đắm chìm trong cơn khủng hoảng nặng nề nhất một thập niên qua. Cụ thể, luỹ kế 9 tháng năm 2023, doanh thu thuần của HBC chỉ đạt 5.356 tỷ đồng, giảm 51%; lợi nhuận gộp đạt 227 tỷ đồng, giảm 67% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng biên lợi nhuận gộp 4,23%.
Chi phí tài chính và chi phí quản lý là hai “cơn sóng” lớn trong 9 tháng, với mức tăng lần lượt 17% và 59%, đã cuốn phăng toàn bộ thu nhập của HBC, khiến công ty lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 872 tỷ đồng.
Kết thúc 9 tháng, HBC lỗ trước thuế 866 tỷ đồng, lỗ sau thuế 883 tỷ đồng. Khoản lỗ này đã nâng tổng lỗ lũy kế của công ty lên mức 2.980 tỷ đồng, vượt mức vốn điều lệ 2.741 tỷ đồng. Sang quý IV, khả năng tình hình kinh doanh của công ty chưa thể cải thiện bởi ngành xây dựng vẫn đang hết sức khó khăn.
Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường cuối tháng 10 vừa qua, ông Lê Viết Hiếu - Phó Chủ tịch HBC đánh giá khả năng thực hiện kế hoạch kinh doanh năm nay (doanh thu 12.500 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 125 tỷ đồng) là một “thách thức đích thực”. Khả năng công ty đạt được kế hoạch kinh doanh năm 2023 là rất khó khăn.
Theo giới quan sát, triển vọng của thị trường bất động sản năm 2024 vẫn rất xấu, đồng nghĩa với thị trường xây dựng cũng chưa có nhiều biến chuyển đáng kể. Thêm nữa, ngành xây dựng đang trong “cuộc đua xuống đáy” về giá vì khan hiếm đơn hàng, việc đạt biên lợi nhuận cao là điều không dễ dàng, ngay cả với các nhà thầu lớn đang có lợi nhuận tốt như Coteccons, Ricons, Newtecons…
Trong tình thế như vậy, việc HBC kinh doanh có lãi là điều khó khăn, đừng nói đến mục tiêu lãi cao.
Cơ sở nào cho kế hoạch lợi nhuận?
Tuy vậy, HBC vẫn có “cửa” để hiện thực hoá kế hoạch lợi nhuận trên. Nhiều khả năng, doanh nghiệp sẽ dùng tới việc bán công ty con, bán tài sản để đạt mục tiêu lợi nhuận cho năm 2024.
Nhắc lại, HBC từng ghi nhận lãi sau thuế 546 tỷ đồng trong báo cáo tự lập quý II/2023 (sau đó, kiểm toán đã “xoá sạch” khoản lãi này). Khoản này tự lập này là việc thanh lý tài sản của Công ty Matec, được kỳ vọng là “cứu tinh” lợi nhuận quý III song vẫn chưa thành công do đối tác gặp khó khăn trong vấn đề xoay sở tài chính.
Còn nhớ tại đại hội cổ đông bất thường vừa qua, ông Lê Viết Hiếu nói rằng lợi nhuận năm 2023 dự kiến vẫn âm do chưa thực hiện được việc thanh lý tài sản. Như vậy, có thể khoản lãi này sẽ được ghi nhận trong năm 2024 - cơ sở để HBC tự tin cho mục tiêu lợi nhuận trên.
Về logic nhận thấy rằng năm 2024, HBC có cơ sở tự tin cho mục tiêu lợi nhuận hơn 400 tỷ đồng. Song, việc có được lợi nhuận từ thanh lý tài sản bản chất là tự thanh lý tài sản, không phải là lối thoát cho HBC./.