Condotel tiếp tục đóng băng, mất thanh khoản

Condotel xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2014 và phát triển bùng nổ ở giai đoạn 2015 - 2018, theo thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), đã có khoảng 30.000 sản phẩm condotel được tung ra thị trường tại nhiều địa bàn có lợi thế du lịch như Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang), Đà Nẵng... Tuy nhiên, khi thị trường khó khăn, loại hình này bắt đầu lắng xuống, đóng băng và mất thanh khoản.

 

Condotel tiếp tục đóng băng, mất thanh khoản - Ảnh 1

Condotel xuất hiện và nở rộ ở Việt Nam từ năm 2014, ở cái thời điểm mà thị trường bất động sản đang ở giai đoạn thăng hoa. Chính vì thế, nhà đầu tư cùng toàn thị trường đã đón nhận nó và đổ xô tìm kiếm dự án đầu tư. Đa số các nhà đầu tư đều ưa chuộng loại hình bất động sản mới này. Thế nhưng, để tồn tại ở thị trường bất động sản Việt Nam lại không hề dễ dàng khi condotel bắt đầu giai đoạn suy thoái.

Ở thời kỳ hưng thịnh, loại hình condotel được các chủ đầu tư quảng bá như một “con gà đẻ trứng vàng” khi đưa ra mức cam kết lợi nhuận cao từ 8-10%/năm, thậm chí có những dự án cam kết lợi nhuận lên đến 12%/năm.

Và tòa tháp Nha Trang Plaza được biết đến như là sản phẩm Condotel đầu tiên của Việt Nam. Tòa tháp này được hoàn thành vào năm 2009 trên khu đất rộng khoảng 35.000m2 với quy mô 40 tầng và 240 căn hộ đạt tiêu chuẩn 5 sao.

Sau Nha Trang Plaza, tại các trung tâm du lịch nổi tiếng của Việt Nam như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc,… đã có một số lượng lớn các dự án Condotel được triển khai xây dựng như CocoBay Đà Nẵng, Diamond Bay - Condotel Resort, Condotel Panorama Nha Trang, Ariyana Nha Trang, InterContinental Nha Trang, FHome Đà Nẵng, PremierVillage Villas Phú Quốc, Condotel Intercontinental Phú Quốc,…

Nhìn chung, các Condotel nêu trên có quy mô đầu tư xây dựng rất lớn, đạt tiêu chuẩn quốc tế 5 sao, với nhiều dịch vụ đi kèm.

Sau khoảng 3 năm khuấy đảo các thị trường du lịch nghỉ dưỡng, từ cuối năm 2018, thị trường condotel bắt đầu có xu hướng chững lại. Ở thời điểm nở rộ, tính pháp lý của loại hình này vẫn chưa được xác thực và sự sụp đổ của dự án Cocobay Đà Nẵng là một trong những điển hình nhất tại Việt Nam.

Một trong những điển hình nhất tại Việt Nam là dự án Cocobay Đà Nẵng. Nhiều chuyên gia dự báo, sự việc xảy ra ở Cocobay Đà Nẵng như một điều tất yếu bởi vấn đề khủng hoảng của dự án này không phải bây giờ mới xảy ra, mà nó đã âm ỉ cách đây 2 năm. Ngay sau thông báo dừng việc chi trả khoản lợi nhuận 12%/năm đã cam kết trong hợp đồng kể từ 1/1/2020, Ông Nguyễn Đức Thành, Chủ tịch HĐQT Empire Group (chủ đầu tư) đã thừa nhận với báo chí. Như một giọt nước tràn ly, việc thừa nhận vỡ trận của ông chủ Cocobay dường như đã được biết trước, và là chuyện đương nhiên xảy ra.

Số liệu từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs) cho biết, từ năm 2019 đến nay, giao dịch bất động sản phân khúc condotel bị chững lại. Nhiều địa phương như Đà Nẵng, Khánh Hòa hầu như không có giao dịch do khủng hoảng pháp lý của loại hình này. Đặc biệt, năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát kéo dài, các hoạt động du lịch ngưng trệ, từ đó đến nay, đầu tư vào condotel gần như "đóng băng".

Bên cạnh đó, lượng condotel bán trên thị trường sản phẩm chủ yếu là hàng tồn với hơn 18.000 sản phẩm. Gần như cả năm 2020, thị trường giao dịch condotel đóng băng. Đến quý IV/2020, thị trường bắt đầu có dấu hiệu phục hồi, một số dự án đã bắt đầu giao dịch, song lượng giao dịch không đáng kể, cả năm giao dịch chỉ khoảng 120 sản phẩm.

Sau thời gian khó khăn của thị trường và đại dịch COVID-19 càng khiến thị trường này trầm lắng hơn. Theo báo cáo phân tích của DKRA, sức cầu condotel 3 tháng đầu năm nay xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua, lượng tiêu thụ chỉ bằng 35% so với cùng kỳ. 90% dự án không ghi nhận phát sinh giao dịch trong quý, thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi trong ngắn hạn.

DKRA dự báo quý II/2024, sức cầu chung thị trường tiếp tục duy trì ở mức thấp, đà giảm có thể kéo dài đến hết năm 2024 và chưa có dấu hiệu cho thấy sự phục hồi trong ngắn hạn.

Mặt bằng giá bán sơ cấp duy trì ổn định, khó có những biến động mạnh về giá trong quý II/2024. Các chính sách chiết khấu, hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc, cam kết cho thuê... tiếp tục được áp dụng rộng rãi trong quý tiếp theo.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia "mùa đông condotel" sẽ tiếp tục kéo dài. Sức cầu chung tiếp tục giảm và chưa có dấu hiệu phục hồi trong ngắn hạn.

Nhiều chuyên gia nhận định, việc lên xuống của bất động sản nghỉ dưỡng là chu kỳ tất yếu. Nhìn nhận một cách tích cực, giai đoạn khó khăn vừa qua được coi là thời kỳ thanh lọc. Dưới quy luật đào thải của thị trường, những chủ đầu tư yếu tiềm lực, thiếu tầm nhìn rất khó có thể tồn tại. Cùng với đó là sự biến mất của tình trạng ảo giá, lướt sóng... Ngoài ra, ngành du lịch đang trên đà tăng trưởng cũng được kỳ vọng giúp bất động sản nghỉ dưỡng xoay chuyển tình thế theo hướng tích cực trong thời gian tới.

Hà Thu

Theo Chất lượng và cuộc sống