‘Công khai thông tin đất đai không rõ ràng là môi trường màu mỡ cho tham nhũng’

Theo đại biểu quốc hội Nguyễn Anh Trí, đoàn ĐBQH Hà nội, nếu chậm trễ trong việc công khai về đất đai là nhân dân rất khổ; nếu công khai không rõ ràng thì lại là môi trường màu mỡ để nhũng nhiễu, tiêu cực, tham ô, tham nhũng phát triển.

Đại biểu quốc hội Nguyễn Anh Trí.
Đại biểu quốc hội Nguyễn Anh Trí.

Ngày 7/9, Hội nghị Đại biểu quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) và dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Điều 11, khoản 3 của dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở quy định về việc công khai các thông tin liên quan đến đất đai như: thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Góp ý cho nội dung này, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng cần có quy định để công khai rõ ràng, cập nhật kịp thời.

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, nếu để chậm trễ trong việc công khai về đất đai là nhân dân rất khổ; và nếu công khai không rõ ràng thì đó lại là môi trường rất tốt, màu mỡ để nhũng nhiễu, tiêu cực, tham ô, tham nhũng phát triển. Cho nên, ông Trí cho rằng cần có quyết định để đảm bảo được việc công khai về lĩnh vực đất đai.

Cũng cho ý kiến về các nội dung của dự thảo luật, đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị xem xét các nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ban thanh tra nhân dân tại các cơ quan, đơn vị.

Ví dụ như khoản 3, điều 60 có nêu nếu trong nhiệm kỳ quyết thành viên hoặc thành viên ban thanh tra nhân dân không hoàn thành nhiệm vụ, không được tín nhiệm thì ban chấp hành công đoàn cơ quan, đơn vị đề nghị hội nghị cán bộ, công chức, viên chức; hội nghị dân chủ người lao động cho thôi nhiệm vụ hoặc bầu thay thế khác.

Tuy nhiên, các điều khoản liên quan trước thì lại không làm rõ điều này và các điều 61, 62, 63 về hoạt động của ban thanh tra nhân dân, và các điều 61, 62 không hợp lý với điều 63 về các quyền và nghĩa nghĩa vụ liên quan giữa các bên có trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

Từ những nội dung liên quan, đại biểu Huỳnh Thị Phúc cho rằng, với chức năng hiện tại, ban thanh tra nhân dân ở các cơ quan, đơn vị đã không thực hiện hết nhiệm vụ của mình, bày tỏ băn khoăn về tính hiệu quả của ban thanh tra nhân dân ở những nơi này.

Ngoài ra, dự án luật hiện nay lại bổ sung chức năng kiểm tra, liệu có trùng với chức năng kiểm tra của ủy ban kiểm tra công đoàn và của bộ phận kiểm tra các quỹ hay không? Về vấn đề này, đại biểu Phúc đề nghị ban soạn thảo cũng như cơ quan thẩm tra nên cân nhắc, nghiên cứu lại để đúng, phù hợp với vị thế của ban thanh tra nhân dân ở các cơ quan, đơn vị để có thể phát huy được hiệu quả, tránh hình thức.

Theo bà Phúc, để đánh giá rõ hơn về hiệu quả của ban thanh tra nhân dân tại các cơ quan, đơn vị thì các cơ quan chức năng có liên quan nên bổ sung làm rõ hơn việc duy trì hay duy không duy trì ban thanh tra nhân dân tại các đơn vị này.

Theo đó, ban thẩm tra nên đề nghị Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động; phối hợp với cơ quan thẩm tra soạn thảo dự thảo luật có báo cáo rõ hơn về hiệu quả của ban thanh tra nhân dân trong các tổ chức, cơ quan, đơn vị để các đại biểu quốc hội có thông tin khi xem xét và quyết định.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng cần có ban thanh tra nhân dân ở cấp xã-phường nhưng phải có hình thức tổ chức, cơ chế hoạt động thực chất, hiệu quả. Ngoài ra, cần có cơ chế để ban thanh tra nhân dân không hoạt động một cách bè phái hoặc đưa quá nhiều người thân, họ hàng vào làm việc.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu, đoạn đại biểu Thừa Thiên-Huế cho hay, về nhiệm vụ, quyền hạn của ban giám sát đầu tư của cộng đồng, quy định tại điều 43 cần điều chỉnh một số nội dung.

Cụ thể, tại điểm a, khoản 1 như dự thảo là chưa phù hợp với thẩm quyền, có thể dẫn đến chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, vì khi ban hành quyết định chủ trương đầu tư, các ban của hội đồng nhân dân phải tiến hành kiểm tra và hoàn thiện các quy trình, thủ tục theo quy định.

Ngoài ra, việc giám sát hoạt động của hội đồng nhân dân đã có cử tri, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và cơ quan nhà nước.

Thêm nữa, tại khoản 2 điều 43 quy định: yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cung cấp các thông tin về quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, các quy hoạch khác liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai.

Dự thảo luật cũng quy định yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trả lời những vấn đề thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật.

Theo đại biểu Sửu, việc giao quyền cho ban giám sát đầu tư của cộng đồng như dự thảo là quá lớn, trong khi đây chỉ là một tổ chức phục vụ cho việc theo dõi, giám sát theo từng chương trình, dự án trên địa bàn cấp xã, thôn, tổ. Hơn nữa, năng lực chuyên môn của ban không đủ, mà cũng không thể đáp ứng.

Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Sửu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh quy định này cho phù hợp với quy mô, tổ chức và trình độ năng lực của ban giám sát đầu tư của cộng đồng.

Kỳ Thư

Theo VietnamFinance