CTCK trước thềm ĐHCĐ: Thị trường khó lường, góc nhìn phân hóa
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán năm 2023 được dự báo còn nhiều diễn biến khó lường, kế hoạch kinh doanh của một số công ty chứng khoán cho thấy cả sự thận trọng lẫn lạc quan.
Phân hóa góc nhìn
Khởi động mùa ĐHCĐ năm 2023, nhiều công ty chứng khoán đã công bố kế hoạch kinh doanh cho năm nay. Các kế hoạch này đã thể hiện cái nhìn 2 chiều của khối công ty chứng khoán về thị trường năm 2023, thận trọng có, lạc quan có.
Cụ thể, về nhóm các công ty có kế hoạch thận trong cho năm 2023, Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT (HoSE: FTS) đặt mục tiêu doanh thu năm 2023 giảm 27%, đạt 770 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế giảm 34%, đạt 420 tỷ đồng. Ban lãnh đạo công ty dự báo thị trường chứng khoán năm 2023 kém hấp dẫn với thanh khoản giảm sút so với năm 2022 trong bối cảnh nền kinh tế không mấy sáng sủa, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thách thức. Thị trường dự kiến không có thêm sản phẩm mới và chỉ có ít cổ phiếu mới niêm yết/đăng ký giao dịch. Ngoài ra, cạnh tranh về phí giao dịch giữa các công ty chứng khoán khốc liệt hơn.
Trong khi đó, Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC, HoSE: VCI) lên kế hoạch doanh thu hoạt động năm 2023 đạt 3.246 tỷ đồng, tăng 2,8% so với mức thực hiện năm 2022. Tuy nhiên, tổng chi phí dự kiến tăng 7,1%, tương đương đạt 2.246 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận trước thuế mục tiêu đạt 1.000 tỷ đồng, giảm 5,6% so với mức thực hiện năm 2022.
Ban lãnh đạo VCI cho biết, lĩnh vực môi giới chứng khoán vẫn sẽ khó khăn trong năm 2023 với sự cạnh tranh gay gắt từ các công ty chứng khoán với chiến lược cho vay ký quỹ cao, áp dụng chính sách miễn/giảm phí giao dịch cùng với việc đầu tư rất nhiều cho đội ngũ môi giới, trả hoa hồng cao để đội ngũ này chào mời nhà đầu tư mới và nhà đầu tư có thâm niên đang giao dịch tại những công ty khác qua nhiều kênh.
Công ty Cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (UPCoM: CSI) mới đây cũng đã công bố kế hoạch doanh thu hoạt động năm 2023 đạt 23,5 tỷ đồng, giảm 38% so với mức thực hiện năm 2022. Trong đó, doanh thu từ nghiệp vụ tự doanh giảm một nửa còn 12 tỷ đồng, từ nghiệp vụ môi giới giảm tương đương còn 3,5 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế năm 2023 dự kiến giảm 5,5%, đạt 12 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, với cái nhìn tích cực hơn, Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (HNX: MBS) mới đây đã thông qua kế hoạch tổng doanh thu năm 2023 đạt 2.700 tỷ đồng, tăng 37% so với mức thực hiện năm 2022. Tổng chi phí dự kiến tăng tương đương, đạt 1.800 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế mục tiêu đạt 900 tỷ đồng, tăng trưởng ở mức 36%. MBS cho rằng thị trường chứng khoán dự kiến hồi phục trở lại vào quý II/2023, tuy nhiên quy mô giao dịch có thể giảm so với năm 2022 với giá trị giao dịch bình quân từ 15.000 – 18.000 tỷ đồng, VN-Index dao động trong vùng 900 – 1.200 điểm.
Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (UPCoM: PHS) cũng cho thấy góc nhìn lạc quan khi công bố kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu đạt 788 tỷ đồng, tổng chi phí đạt 643 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến tăng gần gấp đôi ở mức 116 tỷ đồng. PHS cho rằng vùng định giá hợp lý cho VN-Index năm 2023 là khoảng 1.535 điểm, tương đương mức P/E mục tiêu là 12 lần.
Hay như Công ty Cổ phần Chứng khoán Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (HNX: VIG), kế hoạch kinh doanh năm 2023 được đề ra với doanh thu mục tiêu đạt 118,8 tỷ đồng, tăng 65% so với mức thực hiện năm 2022. Trong đó, doanh thu tự doanh dự kiến tăng 39%, doanh thu cho vay margin dự kiến tăng gấp gần 70 lần, doanh thu từ môi giới chứng khoán dự kiến tăng gấp 3 lần. VIG đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế cao gấp 19 lần mức thực hiện năm 2022, đạt 50 tỷ đồng.
Theo VIG, P/E dự phóng cho năm 2023 ước tính đạt mức 9,7 lần, cho năm 2024 ước tính đạt mức 8,5 lần, là mức định giá thấp kỷ lục trong lịch sử của thị trường chứng khoán Việt Nam và rất hấp dẫn trong trung và dài hạn. VIG cho rằng điểm tích cực hiện tại là áp lực bán giải chấp đã giảm mạnh so với thời điểm cao nhất năm 2022. Nếu hệ thống giao dịch mới của KRX được đưa vào vận hành từ giữa năm 2023 sẽ giúp tăng thanh khoản cho thị trường.
Khó kỳ vọng gì nhiều trong nửa đầu năm
Phương án kinh doanh thận trọng hay lạc quan chỉ thể hiện cái nhìn của công ty tại thời điểm lập kế hoạch. Trong khi đó, thị trường lại tràn ngập những diễn biến khó lường theo cả mặt tốt lẫn mặt xấu. Thị trường chứng khoán năm 2022 là một điển hình. Nhiều công ty chứng khoán đã lên hẳn 2-3 kịch bản cho năm 2022, nhưng dự báo về thị trường lại khác xa với thực tế, dẫn đến việc nhiều công ty thậm chí không hoàn thành phân nửa kế hoạch đã đề ra, dù ở kịch bản tiêu cực nhất.
2023 dự kiến vẫn là một năm tương đối khó khăn đối với ngành chứng khoán nói chung. Các nguồn thu chính của công ty chứng khoán như tự doanh, thu từ cho vay, hoạt động môi giới đều cho thấy cánh cửa không quá sáng. Về tự doanh, hoạt động này phụ thuộc nhiều vào diễn biến thị trường. Trong ngắn và trung hạn, Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI (HoSE: SSI) nhận định thị trường vẫn còn rủi ro tiềm ẩn và chưa có kỳ vọng bứt phá bởi thách thức từ bối cảnh vĩ mô vẫn còn nhiều. Thị trường vẫn còn chịu áp lực biến động trong ngắn hạn do những phức tạp trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và biến số đến từ động thái của FED.
Một số công ty chứng khoán khác cũng cho rằng VN-Index trong nửa đầu năm sẽ giao dịch giằng co quanh mốc 1.000 điểm và triển vọng phục hồi sẽ đến vào cuối năm với các tín hiệu tích cực từ vĩ mô.
Về hoạt động cho vay, mặt bằng lãi suất cao sẽ ảnh hưởng đến hoạt động cho vay của công ty chứng khoán, nhu cầu sử dụng margin của nhà đầu tư sẽ thu hẹp. Các chuyên gia cho rằng công ty chứng khoán sẽ tiếp tục giảm quy mô cho vay ký quỹ trong năm 2023. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả từ hoạt động cho vay trong bối cảnh nhiều công ty đã gia tăng vốn điều lệ thêm hàng nghìn tỷ đồng trong những năm vừa qua để bổ sung vốn cho nghiệp vụ này.
Về hoạt động môi giới, việc nhà đầu tư cá nhân lặng lẽ quan sát hay thậm chí rút khỏi thị trường đã làm nguồn thu từ nghiệp vụ này của các công ty chứng khoán bị ảnh hưởng không nhỏ. Miếng bánh thị phần ngày càng thu hẹp hơn trước sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành như ban lãnh đạo VCI nhìn nhận. Trên thực tế, chỉ số ít các công ty chứng khoán giữ được tăng trưởng doanh thu từ môi giới trong năm 2022, còn lại đa phần là sụt giảm. Niềm tin của nhà đầu tư cá nhân vào thị trường vẫn chưa phục hồi dẫn đến cánh cửa không mấy sáng cho hoạt động môi giới chứng khoán trong năm 2023.