Đã qua thời kỳ “sốt nóng” của đất nền vùng ven Hà Nội
Những ngày qua, các phiên đấu giá đất tại một số khu vực ven Hà Nội diễn ra tương đối nhiều nhưng theo khảo sát, giá trúng tại các phiên đấu giá lại không quá chênh so với giá khởi điểm. Điều này cho thấy, số lượng nhà đầu tư tham gia trả giá cũng như tính cạnh tranh đã không còn mạnh mẽ như trước.
Đấu giá đất “ảm đạm”
Trong thời gian qua, công tác đấu giá quyền sử dụng đất tại Hà Nội gặp nhiều khó khăn do thị trường bất động sản “đóng băng” dẫn đến thu tiền đấu giá quyền sử dụng đất đạt thấp so với kế hoạch, ảnh hưởng đến chỉ tiêu thu ngân sách, đặc biệt ở cấp huyện và thị xã. Nhiều khu đất phải đăng thông báo đấu giá đến hai, ba lần.
Còn nhớ thời điểm cuối tháng 7/2023, Công ty Đấu giá Hợp danh Lạc Việt và Công ty đấu giá Hợp Danh Đấu giá Việt Nam đồng loạt đăng tải thông báo tạm dừng đấu giá quyền sử dụng đất đối với 28 thửa đất trong ô đất LK1 và 20 thửa đất trong ô LK3 thuộc dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá quyền sử dụng đất tại xã Vân Hà, huyện Đông Anh.
Trước đó, 28 thửa đất tại ô LK1 được thông báo đấu giá vào ngày 22/7 có diện tích từ 130,8 - 276,65m2 được chào đấu giá với mức khởi điểm từ 29,7 - 34,4 triệu đồng/m2. Như vậy, cuộc đấu giá bất ngờ bị tạm dừng trước thời điểm chính thức diễn ra như thông báo trước đó đúng 1 ngày.
Còn 20 thửa đất thuộc ô LK3 được thông báo đấu giá vào ngày 29/7 với diện tích từ 126 - 270 m2/thửa và giá khởi điểm từ 29,7 - 34,4 triệu đồng/m2.
Hay như thời điểm cuối tháng 4 vừa qua, huyện Đông Anh cũng thông báo tạm dừng tổ chức đấu giá đất đối với 44 thửa đất tại khu đất X6 thôn Hà Lỗ, xã Liên Hà.
Trước đó, các thửa đất trong số 44 thửa đất tạm dừng đấu giá đất đã được thông báo tổ chức đấu giá trước đó vào ngày 18/3. Tuy nhiên, những thửa đất lại được thông báo tổ chức đấu giá tiếp vào giai đoạn cuối tháng 4 và đầu tháng 5 rồi lại tiếp tục thông báo tạm dừng.
Cũng tại huyện Đông Anh, mới đây Công ty Đấu giá Hợp danh đấu giá Việt Nam vừa ra thông báo đấu giá tài sản. Cụ thể là quyền sử dụng đất đối với 36 thửa đất trong các ô đất LK7 và LK8 thuộc dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất đấu giá phía tây đường Đản Dị, xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, TP Hà Nội (đợt 2). Các thửa đất có diện tích từ 100 đến 138,6 m2/thửa với giá khởi điểm từ 42 đến 50 triệu đồng/m2.
Buổi đấu giá dự kiến được tổ chức vào 8h30 ngày 18/11 tại hội trường Trung tâm chính trị huyện Đông Anh (địa chỉ thôn Đản Dị, xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, TP Hà Nội).
Trong khi đó, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thanh Trì cùng Công ty đấu giá hợp danh Lạc Việt cũng đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để xây dựng nhà ở tại khu đấu giá đất số 1, xã Tam Hiệp (thôn Huỳnh Cung), huyện Thanh Trì, TP Hà Nội.
Tổng cộng 30 thửa đất được đấu giá, bao gồm 8 thửa ở lô đất TT1 và 22 thửa đất thuộc lô đất TT3. Các thửa đất này có diện tích 77,7 - 98,7 m2 với giá khởi điểm 57,1 - 65,4 triệu đồng/m2. Nhìn chung mặt bằng giá trúng của các thửa đất đều không quá cao so với giá khởi điểm, phổ giá trúng chủ yếu dao động trong khoảng 57,2 - 76,7 triệu đồng/m2.
Đáng chú ý, có lô đất có giá trúng chỉ tăng 100.000 đồng/m2 so với giá khởi điểm.
Đơn cử như thửa TT3-05, TT3-09, TT3-12, TT3-13 đều có diện tích 78,6 m2, giá khởi điểm 57,1 triệu đồng/m2. Các thửa này cùng được đấu trúng ở mức 57,2 triệu đồng/m2, tức gần 4,5 tỷ đồng. Trong khi đó, thửa đất TT3-02 được đấu trúng với giá 57,3 triệu/m2, tăng 200.000 đồng so với giá khởi điểm.
Đất nền vùng ven đã qua thời kỳ sốt nóng
Còn nhớ, giai đoạn 2017-2021, đất nền vùng ven ghi nhận tốc độ tăng giá theo lần. Từ đất nền dự án, đất đấu giá, đất thổ cư… đều nhanh chóng tăng giá. Có thể kể đến như Hoài Đức, huyện nằm trong kế hoạch lên quận, giá đất cũng tăng trung bình 50-100% trong năm 2020.
Hay như tại Gia Lâm, Long Biên, nếu như ở giai đoạn 2017-2018, những lô đất thổ cư phân lô, nằm trong ngõ, diện tích 30-35m2 từng rao bán với giá 500-600 triệu đồng thì đến năm 2020, giá tăng lên tới 800 triệu đồng-1 tỷ đồng.
Một dữ liệu công bố của batdongsan.com.vn từng ghi nhận, ở thời điểm quý I/2021, đất nền cũng là phân khúc có sức bật tăng mạnh nhất.
Đơn cử như đất nền Đông Anh (Hà Nội) tăng 36%, đất nền Từ Sơn (Bắc Ninh) tăng 67%, đất nền Gia Lâm (Hà Nội) tăng 18%, đất nền Ba Vì (Hà Nội) tăng 33%, đất nền Quốc Oai (Hà Nội) tăng 32%, đất nền Văn Giang (Hưng Yên) tăng 13%, đất nền Thanh Trì (Hà Nội) tăng 8%, đất nền Bắc Từ Liêm và đất nền Nam Từ Liêm (Hà Nội) tăng 4%.
Tuy nhiên, kể từ thời điểm đầu năm 2022, thị trường đất nền vùng ven bắt đầu giảm nhiệt. Trước đó, thông tin về tạm dựng phân lô tách thửa cũng đã tác động mạnh đến thị trường đất nền vùng ven.
Dữ liệu từ Batdongsan.com.vn cũng đã cho thấy, so với quý IV/2021, lượng tin đăng tính đến hết quý II/2023 của đất nền Gia Lâm giảm 70%, mức độ quan tâm giảm 60%. Tương tự, lượng tin đăng của đất nền Hoài Đức giảm 60%, mức độ quan tâm giảm 40%. Lượng tin đăng của đất nền Hà Đông giảm 60%, mức độ quan tâm giảm 50%. Lượng tin đăng của đất nền Thanh Trì giảm 60%, mức độ quan tâm giảm 40%. Lượng tin đăng của đất nền Đông Anh giảm 60%, mức độ quan tâm giảm 30%.
Trong khi đó, giá rao bán phân khúc này cũng liên tục giảm. Đơn cử như đất nền Gia Lâm giảm từ mức giá trung bình cao nhất 50 triệu đồng/m2 còn 48 triệu đồng/m2 ở thời điểm hiện tại. Tương tự, đất nền Hoài Đức cũng giảm về mức 53 triệu đồng/m2, đất nền Hà Đông giảm về 86 triệu đồng/m2, đất nền Thanh Trì cũng tụt giá khi rao bán ở mức phổ biến là 43 triệu đồng, đất nền Đông Anh về mức 40 triệu đồng/m2.
Giá đất hạ nhiệt nhanh chóng, thanh khoản giảm là lý do khiến đất nền ven đô không còn kênh đầu tư ưu tiên trong cơ cấu danh mục xuống tiền của các nhà đầu tư hiện tại.