Đạm Cà Mau 'tiền đầy túi': Thâu tóm KVF thu lợi trăm tỷ, hơn 10.000 tỷ gửi ngân hàng

Quý II/2024, Đạm Cà Mau báo lãi sau thuế 570 tỷ đồng, tăng 97% so với cùng kỳ, lên mức cao nhất 6 quý. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế đạt 915 tỷ đồng, vượt 16% kế hoạch năm.

Lợi đơn, lợi kép với thương vụ thâu tóm KVF

Mới đây, Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, HoSE: DCM) đã công bố báo cáo tài chính quý II/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

Đạm Cà Mau 'tiền đầy túi': Thâu tóm KVF thu lợi trăm tỷ, hơn 10.000 tỷ gửi ngân hàng - Ảnh 1

Cụ thể, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.863 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023. Giá vốn hàng bán tăng chậm hơn, ở mức 11%, dừng ở mức 3.253 tỷ đồng. Nhờ đó, Đạm Cà Mau lãi gộp 610 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ mức 11% lên mức 16%.

Trái lại, hoạt động tài chính của Đạm Cà Mau có phần sa sút khi doanh thu từ hoạt động này giảm 18%, xuống mức 120 tỷ đồng. Không còn được hoàn nhập như cùng kỳ, cộng thêm chi phí lãi vay tăng gần 2,5 lần, doanh nghiệp ghi nhận chi phí tài chính đạt xấp xỉ 16 tỷ đồng.

Đáng chú ý, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng vọt 212%, đạt 147 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí bán hàng chỉ giảm 2%, tiếp tục “neo cao” ở mức 145 tỷ đồng. Dù vậy, nhờ hoạt động kinh doanh cốt lõi hiệu quả, doanh nghiệp vẫn lãi thuần 422 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ.

Kết quả này thậm chí còn thêm phần rực rỡ khi Đạm Cà Mau ghi nhận khoản lợi nhuận khác lên tới 176 tỷ đồng, tăng đột biến 59 lần so với con số 3 tỷ đồng ít ỏi của cùng kỳ năm trước. Báo cáo tài chính của doanh nghiệp cho thấy, khoản lãi từ giao dịch mua giá rẻ “góp công” lớn khi mang về 167 tỷ đồng. Mặc dù không được thuyết minh chi tiết nhưng theo giới quan sát, khoản lãi này nhiều khả năng đến từ việc định giá lại thương vụ thâu tóm 100% vốn Công ty TNHH Phân bón Hàn - Việt (KVF) mà Đạm Cà Mau đã thực hiện hồi tháng 5.

Sau cùng, Đạm Cà Mau báo lãi ròng 570 tỷ đồng tỷ đồng, tăng 97% so với quý II/2023. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất trong vòng 6 quý trở lại đây của doanh nghiệp.

Đạm Cà Mau báo lãi cao nhất 6 quý  
Đạm Cà Mau báo lãi cao nhất 6 quý  

Giải trình về sự tăng trưởng lợi nhuận, Đạm Cà Mau cho hay, bên cạnh sự gia tăng doanh thu cao hơn so với giá vốn, doanh nghiệp còn có thêm lợi nhuận từ việc hợp nhất kinh doanh. Cần biết, đây cũng là quý đầu tiên Đạm Cà Mau hợp nhất kết quả kinh doanh với KVF. Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Tổng giám đốc Văn Tiến Thanh cũng tiết lộ về việc công ty con này đã bắt đầu có lãi và đem lại dòng tiền trở lại cho Đạm Cà Mau.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, Đạm Cà Mau ghi nhận doanh thu thuần đạt 6.607 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 915 tỷ đồng, tăng 69% so với cùng kỳ năm 2023.

So với mục tiêu mang về 11.900 tỷ đồng doanh thu và 795 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm 2024, kết thúc nửa đầu năm, Đạm Cà Mau đã thực hiện được 56% kế hoạch doanh thu và vượt kế hoạch lợi nhuận sau thuế gần 16%.

Đáng chú ý, nhìn vào cơ cấu doanh thu nửa đầu năm, mặc dù chỉ xếp thứ hai song thành phẩm NPK đang là mảng tăng trưởng mạnh nhất của Đạm Cà Mau với mức tăng 68%, vượt trội. so với mức tăng 1,5% của mảng chủ lực là ure.

Đạm Cà Mau 'tiền đầy túi': Thâu tóm KVF thu lợi trăm tỷ, hơn 10.000 tỷ gửi ngân hàng - Ảnh 2
NPK là động lực tăng trưởng doanh thu của Đạm Cà Mau quý II/2024

Cần biết, KVF mà Đạm Cà Mau mới thâu tóm là đơn vị sở hữu nhà máy phân bón NPK có tổng vốn đầu tư hơn 60 triệu USD, với công suất thiết kế lên tới 360.000 tấn NPK/năm. Không thể phủ nhận, Đạm Cà Mau đã hưởng lợi đơn lợi kép từ thương vụ thâu tóm KVF.

“Tiền đầy túi”

Tính hết ngày 30/6/2024, tổng tài sản của Đạm Cà Mau đạt xấp xỉ 16.831 tỷ đồng, mở rộng 10% so với cùng kỳ. Trong đó, lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng lên đến 10.627 tỷ đồng, chiếm 63%.

Thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy, “đại gia” ngành phân bón có xu hướng gia tăng tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn (tăng 51%) và tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn dưới 3 tháng (tăng gấp 54 lần), giảm tích trữ tiền mặt (giảm 37%) và tiền gửi có kỳ hạn trên 3 tháng (giảm 19%).

Đạm Cà Mau có xu hướng gia tăng tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn và tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn dưới 3 tháng  
Đạm Cà Mau có xu hướng gia tăng tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn và tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn dưới 3 tháng  

Không chỉ sở hữu một “ví tiền” dày dặn, kỳ kinh doanh này, Đạm Cà Mau còn có hàng trăm tỷ đồng “của để dành”. Cụ thể, khoản mục người mua trả tiền trước ngắn hạn ghi nhận ở mức 398 tỷ đồng, tăng 17 lần so với cùng kỳ, phần lớn nằm tại các “bạn hàng” nước ngoài, củng cố triển vọng xuất khẩu của doanh nghiệp trong thời gian tới.

Đáng chú ý, khoản khấu hao tài sản cố định của Đạm Cà Mau trong 6 tháng đầu năm là 121 tỷ đồng, giảm 83% so với cùng kỳ. Theo đó, việc giảm khấu hao sẽ giúp lợi nhuận của DCM sẽ phục hồi đáng kể trong năm 2024 do các nhà máy ure của DCM đã hết khấu hao từ quý IV/2023.

Về phía nguồn vốn, tổng nợ phải trả của Đạm Cà Mau tính đến ngày 30/6/2024 ghi nhận ở mức 7.051 tỷ đồng, tăng 34% so với đầu năm. Trong đó, tổng nợ vay đạt gần 1.486 tỷ đồng, bao gồm 1.342 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và hơn 144 tỷ đồng nợ vay dài hạn.

Thái Hà

Theo VietnamFinance