Đánh thuế bất động sản liệu có ngăn được đầu cơ, bình ổn thị trường?
Nhiều chuyên gia nhận định, việc đánh thuế bất động sản sẽ giúp tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, song, đây không phải là công cụ để chặn đầu cơ, kiềm chế đà tăng giá và ngăn sự phát triển quá nóng của thị trường.
Trước thực trạng ‘sốt đất’ diễn ra liên tục tại các địa phương thời gian qua, nhiều ý kiến kỳ vọng việc đánh thuế tài sản, thuế ngôi nhà thứ hai sẽ giảm được đầu cơ, từ đó giảm giá bất động sản. Tuy nhiên, không ít chuyên gia đánh giá rằng mục tiêu này khó để đạt được.
Ông Nguyễn Quốc Anh – Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng việc đánh thuế BĐS không đồng nghĩa với việc chặn được tình trạng đầu cơ và làm giảm đà tăng phi mã của giá bất động sản. Nguyên do là giá cả thị trường chủ yếu được quyết định ở quan hệ cung – cầu. Thuế chỉ là biện pháp giúp ổn định thị trường ngắn hạn.
Nếu nhìn dưới góc độ vĩ mô thì thuế là một giải pháp tốt giúp tăng thu ngân sách nhà nước và giúp điều chỉnh thị trường trong thời gian ngắn hạn 6-12 tháng hoặc 1-2 năm nhưng không thể duy trì trong thời gian dài được.
“Điều quan trọng nhất trên thị trường bất động sản ngoài tác động từ chính sách là nguồn cung. Khi nguồn cung không đáp ứng được cầu thì giá bất động sản vẫn sẽ tăng dù có áp thuế”, ông Quốc Anh nhấn mạnh.
Thực tế, không chỉ ở Việt Nam, việc áp dụng biện pháp này đã diễn ra tại nhiều quốc gia khác trên thế giới. Đơn cử như Singapore, đất nước này đã áp dụng biện pháp đánh thuế bất động sản, nhưng khi nguồn cung không đủ cầu thì giá bất động sản vẫn tiếp tục tăng. Hay như tại Seoul (Hàn Quốc), những căn hộ khoảng 70 – 80m2 có mức giá lên tới 1 triệu USD.
Ông Đinh Minh Tuấn – Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực phía Nam cũng cho rằng, giá nhà đất chịu chi phối bởi rất nhiều yếu tố. Đối với các nhà đầu tư, thuế chỉ là một trong rất nhiều chi phí đầu vào. Trong khi đó, nếu chi phí đầu vào tăng thì giá bán ra sẽ tăng theo. Việc tăng thuế tiền sử dụng đất sẽ được tính vào giá thành bán ra của các nhà phát triển dự án, còn nếu tăng thuế chuyển nhượng sẽ tính vào giá mua của các nhà đầu tư. Tất cả những chi phí liên quan đến thuế sẽ tính vào chi phí phát triển dự án hoặc chi phí mua bất động sản của các nhà đầu tư.
Ông Tuấn chia sẻ thêm, thuế sẽ giúp thị trường giảm nhiệt tạm thời. Sau đó sẽ tăng trưởng nhanh chóng nếu nguồn cung tiếp tục thiếu hụt. Như vậy, việc đánh thuế vào BĐS không ảnh hưởng nhiều đến giá BĐS và hoạt động đầu tư trong dài hạn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Hiếu – trưởng bộ phận Nghiên cứu thị trường, Batdongsan.com.vn phân tích khi đánh thuế bất động sản, nguồn lực trong nền kinh tế sẽ chuyển từ nhà đầu tư sang phía Chính phủ. Điều này sẽ giúp tăng thu ngân sách, Chính phủ sẽ có thêm nguồn lực để phát triển các dự án cơ sở hạ tầng cũng như chi phí đầu tư công. Còn đối với nhà đầu tư, thuế tăng lên cũng giống như một loại chi phí bất động sản. Đây là một chi phí phải trả khi đầu tư. Trong trường hợp lợi nhuận từ đầu tư bất động sản mang lại vẫn ở mức hấp dẫn thì mức chi phí này không có tác dụng làm giảm được nhu cầu đầu tư bất động sản đang rất lớn ở Việt Nam hiện nay.
Ông phân tích thêm, việc thu thuế nghiễm nhiên làm giá bất động sản tăng theo khiến nhiều người dân khó tiếp cận nhà ở, đặc biệt là những người trẻ có thu nhập thấp. Ông cũng cho rằng, việc khan hiếm bất động sản do nhiều nguyên nhân trong đó có một phần nguyên nhân nằm ở chênh lệch mức cung – cầu. Tình trạng khan hiếm nguồn cung chưa được tháo gỡ sẽ đẩy giá bất động sản tăng cao, nếu nguồn cung dồi dào thì giá bất động sản tự điều tiết được.
“ Chính phủ chưa nên đánh thuế bất động sản vì nền kinh tế Việt Nam mới hồi phục sau khủng hoảng, mức tăng trưởng còn thấp, nếu đánh thuế sẽ ảnh hưởng đến tâm lý thị trường. Hơn nữa, với đặc thù của Việt Nam, việc đưa chính sách thuế bất động sản vào thực tiễn phải cần rất nhiều thời gian để nghiên cứu, triển khai và tìm được sự đồng thuận trong xã hội. Hiện dư luận vẫn còn rất nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến sắc thuế này”, ông Hiếu đưa ra quan điểm.