Liệu “sốt đất” năm 2021 có tái diễn lại trong năm 2022?
Thị trường bất động sản năm vừa qua là một bức tranh đa sắc màu, nhiều điểm nhấn với những cơn sốt đất nền cục bộ tại một số địa phương như Hòa Bình, Hà Nội, Thanh Hóa và một số vùng thuộc tỉnh Bắc Giang. Năm 2022 với nhiều phương án giảm thiểu cơn sốt ảo bất động sản như siết chặt tín dụng ngân hàng thì triển vọng cho Bất động sản 2022 được dự đoán là có dấu hiệu giảm nhiệt hơn so với năm 2021.
Sốt đất nền cục bộ trong năm 2021
Theo nhận định của các chuyên gia, năm 2021 là một năm chịu nhiều tác động của dịch Covid 19, dòng tiền nhàn rỗi không thể đầu tư vào các ngành dịch vụ khác. Chính vì thế đầu tư đất nền là một trong những loại hình đầu tư hấp dẫn nhất, đặc biệt khi có thông tin về quy hoạch dự án, xây dựng các khu công nghiệp được công bố.
Hiện tượng thổi giá để ăn mức chênh lệch của các nhà đầu tư cũng là một trong những điểm đáng chú ý trong thời điểm này. Hiện tượng sốt đất này chủ yếu ăn theo các dự án khủng lên đến hàng nghìn tỉ mà nhà nước chuẩn bị triển khai trong thời gian sắp tới. Tiêu biểu phải kể đến “sốt đất nền” tại nhiều huyện của Thanh Hóa như huyện Quảng Xương, Hoằng Hoá, Thọ Xuân, Như Thanh, khi có thông tin xây dựng cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn – quốc lộ 45 sẽ triển khai nhằm rút ngắn khoảng cách tới Hà Nội. Cũng tương tự như vậy ở huyện Đông Anh, TP Hà Nội cũng sốt đất nền khi có thông tin về dự án trong điểm vành đai 4 và các khu nhà ở, căn hộ, biệt thự cao cấp sẽ được xây dựng trong thời gian sắp tới. Đây cũng là một trong những lý do mà nhiều ngân hàng siết chặt tín dụng cho vay bất động sản để hạn chế nợ xấu, hạn chế sốt đất ảo gây ảnh hưởng tiêu cực.
Theo khảo sát, các chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng ngành bất động sản sẽ có sự phát triển sau dịch bệnh, dự báo sẽ phục hồi nhanh chóng với những gam màu tươi sáng, tích cực hơn so với năm 2021. Bởi, hiện tại các thông tin về quy hoạch, hạ tầng vẫn mang nặng tính đồn đoán và việc thổi giá bất động sản bằng các chiêu thức thiếu lành mạnh vẫn chưa có chế tài xử phạt. Tuy nhiên, sốt đất không chỉ do những nguyên nhân nói trên, nó có thể là kết quả của những chính sách vĩ mô, quy hoạch tổng thể chính thức từ chính quyền…
Triển vọng nào cho bất động sản 2022?
Theo kết quả khảo sát với chuyên gia và doanh nghiệp bất động sản về triển vọng thị trường cho thấy sẽ có một xu hướng tăng trưởng ở hầu hết các phân khúc. Trong đó, phân khúc bất động sản công nghiệp, đất nền, nhà ở sẽ có khả năng tăng trưởng mạnh nhất trong khoảng 11-20%. Các phân khúc bất động sản ven đô, bất động sản công nghiệp, nhà ở và chung cư trung cấp, văn phòng cho thuê có thể tăng trung bình từ 5-10% so với năm trước. Bên cạnh đó là sự phục hồi của nhóm bất động sản nghỉ dưỡng và thương mại.
Về bất động sản công nghiệp có nhiều yếu tố thuận lợi từ vị trí địa lý đến quỹ đất cho KCN lớn với đầy đủ các điều kiện thuận lợi như môi trường kinh tế - chính trị ổn định và lợi thế cạnh tranh khi giá đất khu công nghiệp ở Việt Nam vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực. Một trong những tác động không nhỏ có ảnh hưởng tích cực từ Hiệp định thương mại tự do mới được ký kết, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung… Chỉ tính trong 2 tháng đàu năm 2022, thị trường bất động sản đã trở nên nhộn nhịp với những dự án đầu tư mới và mở rộng có giá trị hàng nghìn tỷ đồng.
Về bất động sản nhà ở, sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy ở cả hai yếu tố cung – cầu, kết hợp với lãi suất mặt bằng thấp, pháp lý được nới lỏng và chiến lược nhà ở của Chính phủ đến năm 2045 phù hợp với túi tiền cho người có thu nhập thấp và trung bình.
Bất động sản thương mại văn phòng và bán lẻ sau khi chịu tác động từ đại dịch Covid sẽ khôi phục tích cực và có triển vọng tốt trong bối cảnh mở cửa “sống chung với dịch”. Thị trường văn phòng cho thuê sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ, có tín hiệu tích cực khi nhiều ngành được mở cửa trở lại, điển hình như ngành du lịch, cùng với sự gia tăng trong tiêu dùng và sử dụng vốn.
Hà Thu