Đất làng 'sát sườn' Vinhomes Cổ Loa được rao bán hơn 100 triệu đồng/m2

Giá đất làng tại các xã như Đông Hội, Mai Lâm (huyện Đông Anh) đều tăng nóng trong hơn 2 tháng qua, hiện đang được rao bán với mức giá hơn 100 triệu đồng/m2.

Giá đất xã Đông Hội "sốt" cao

Anh An - một môi giới bất động sản kỳ cựu tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh (TP. Hà Nội), không ngờ rằng có ngày giá đất tại quê mình có thể vượt ngưỡng 100 triệu, thậm chí là 200 triệu đồng/m2.

Với một xã mà phần lớn người dân vẫn sống dựa vào nông nghiệp như Đông Hội, việc giá đất leo cao như hiện nay là điều mà ngay cả những người môi giới dày dặn kinh nghiệm như anh An cũng không thể dự đoán được.

Giá đất khu vực huyện Đông Anh, TP. Hà Nội đang ngày càng "sốt" nóng. Ảnh: Internet
Giá đất khu vực huyện Đông Anh, TP. Hà Nội đang ngày càng "sốt" nóng. Ảnh: Internet

Theo anh An, đất tại xã Đông Hội đã bắt đầu tăng giá từ đầu năm khi khu đất dự kiến xây dựng dự án Vinhomes Cổ Loa được quây tôn bốn mặt.

Nhiều nhà đầu tư đã dự đoán rằng đại đô thị này sắp được khởi công, khiến cho những mảnh đất làng nhanh chóng trở thành điểm nóng trên thị trường. Chỉ trong một tháng, giá đất đã tăng từ 10-15%.

Đến đầu tháng 8, khi có thông tin dự án Vinhomes Cổ Loa sắp khởi công, giá đất Đông Hội tăng "nóng" đáng kể.

Những lô đất đấu giá có diện tích khoảng 80-90m2 tại thôn Hội Phụ, xã Đông Hội hiện được rao bán với giá 120-130 triệu đồng/m2, tăng khoảng 30% so với đầu năm.

Các lô đất này được quảng cáo là nằm sát sườn Vinhomes Cổ Loa, với lợi thế đường rộng đủ để ô tô ra vào và vị trí thuận lợi khi cầu Tứ Liên được xây dựng.

Tuy nhiên, hiện tại, những lô đất này vẫn nằm sâu trong làng, bao quanh bởi đất thổ cư và nhà dân cũ, không có hoạt động kinh doanh buôn bán đáng kể.

Đắt nhất ở Đông Hội hiện nay là các lô đất tái định cư cầu Đông Trù, giáp với đường 5 kéo dài. Mặc dù không có người rao bán nhưng nếu có, môi giới dự đoán giá sẽ khoảng 230-250 triệu đồng/m2, đây cũng là mức giá đất nền cao nhất tại huyện Đông Anh.

Những lô đất tái định cư khác, nằm tiếp giáp với các mặt đường nhỏ hơn, hiện được chào bán với giá khoảng 200 triệu đồng/m2.

Trong khi đó, những lô đất nằm sâu trong làng, chỉ đủ cho hai xe máy tránh nhau, đang có giá khoảng 60-70 triệu đồng/m2. Đơn cử như một số lô đất có diện tích 70-80m2 hiện được rao bán với giá 4,8-5 tỷ đồng.

Kể cả ở khu vực ngoài đê thuộc xã Mai Lâm, huyện Đông Anh - vốn kén người mua do tình trạng ngập lụt vào mùa mưa - giá đất hiện vẫn đạt mức trên 60 triệu đồng/m2.

Chẳng hạn, một lô đất 72m2 nằm trong ngõ nhỏ, không thể ô tô vào, đang được rao bán với giá hơn 4,8 tỷ đồng, tương đương 67 triệu đồng/m2. Mặc dù có thể thương lượng, môi giới cho biết giá sẽ không thấp hơn 60 triệu đồng/m2.

Giá "sốt" cao nhưng giao dịch ít

Anh Quỳnh - một môi giới khác, chia sẻ rằng, mặc dù giá đất tăng cao, nhưng giao dịch không có nhiều.

Anh này cho biết ngoại trừ các lô đất đấu giá hoặc trường hợp chủ đất cần tiền gấp, người dân tại Đông Hội và Mai Lâm hiếm khi bán đất, đa phần đất làng xã thường được giữ lại cho con cháu và giao dịch chủ yếu đến từ các khu đấu giá.

Mặc dù giá đất "sốt" cao nhưng lượng giao dịch lại rất ít. Ảnh minh họa
Mặc dù giá đất "sốt" cao nhưng lượng giao dịch lại rất ít. Ảnh minh họa

Theo anh Quỳnh, đất tại các xã như Đông Hội, Mai Lâm, hay các khu lân cận như Cổ Loa, Dục Tú, Xuân Canh… cũng ít giao dịch do giá đã được đẩy lên cao.

"Những ai mua đất hiện tại chủ yếu là để ở hoặc đầu tư dài hạn, từ 3-5 năm. Còn những ai muốn đầu tư lướt sóng thì giai đoạn này không còn hấp dẫn", anh Quỳnh nhận định.

Không nằm trong tầm kiểm soát của nhà đầu tư nhỏ lẻ

Dưới góc nhìn chuyên gia, ông Nguyễn Quốc Anh - Phó giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng sự quan tâm đến bất động sản tại Đông Anh tăng lên trong bối cảnh địa phương này đang kêu gọi đầu tư vào nhiều dự án mới.

So với các khu vực phía Tây Hà Nội hay các huyện như Gia Lâm và Long Biên, giá đất tại Đông Anh vẫn thấp hơn và còn tiềm năng tăng giá trong tương lai.

Mặc dù vậy, ông Nguyễn Quốc Anh cũng cảnh báo nhà đầu tư cần thận trọng trước những "sóng" đất liên quan đến thông tin quy hoạch, vì tiến độ triển khai dự án không nằm trong tầm kiểm soát của nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Vị chuyên gia này nhấn mạnh rằng, mặc dù Đông Anh có quỹ đất rộng và tiềm năng phát triển, nhưng vẫn còn những hạn chế nhất định do tâm lý người Hà Nội không thích qua cầu, điều này cản trở sự phát triển của các khu vực như Đông Anh, Gia Lâm hay Long Biên.

Theo một số nhà đầu tư lâu năm tại thị trường bất động sản Đông Anh, giá đất tại huyện này năm 2024 vẫn tiếp đà tăng mạnh, đặc biệt sau thời điểm huyện chính thức có thông tin lên quận từ cuối năm 2023. Hiện nay, mức giá rao bán chủ yếu là do chủ đất "độn giá" vì bám theo các thông tin quy hoạch tốt.

Nếu người mua không hiểu rõ bản chất rất dễ chiêu trò mua vào thời điểm bị đẩy giá, còn thực chất đây là thời điểm những nhà đầu tư trước đó bán ra để thu lời.

Nhiều chuyên gia cho rằng, giá đất ở Đông Anh đã tăng từ giai đoạn năm 2021-2022, lúc đó thời điểm Hà Nội có thông tin quy hoạch sông Hồng, xây dựng cầu Tứ Liên, Thượng Cát bắc qua huyện.

Trong năm 2023, giá đất chững và có giảm xuống vì ảnh hưởng bởi thị trường bất động sản khó khăn. Tuy nhiên, cuối năm 2023, giá đất lại tăng trở lại, có những nơi lên tới 100 triệu đồng/m2.

An Nhiên

Theo Chất lượng và cuộc sống