Đất nền Đông Anh tăng nóng, nhà đầu tư vẫn quyết ôm chưa xả hàng
Với sức hút từ một số dự án tỷ đô tại Đông Anh, giá bất động sản khu vực này đã tăng theo. Hiện tại, ở một số khu vực giá đất có thể lên tới hàng trăm triệu đồng, tuy nhiên nhiều nhà đầu tư vẫn đang nghe ngóng chứ chưa muốn bán lúc này.
Ngoài thông tin sẽ lên quận vào năm tới, huyện Đông Anh còn có sức hút đối với giới đầu tư bất động sản nhờ các dự án khủng như Vinhomes Cổ Loa. Do đó, thời gian qua, giá đất nền tại khu vực này đã tăng nóng. Những lô đất nằm ở vị trí đẹp có thể được phát giá lên tới hơn 200 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, đó chắc chắn chưa phải mức giá cuối cùng. Theo các nhà môi giới tại khu vực này, trong 2 tháng qua lượng khách hàng quan tâm tới đất nền Đông Anh đã có sự tăng trưởng đáng kể. Thậm chí, môi giới Minh với hơn 10 năm kinh nghiệm còn cho rằng giá đất nền khu vực này mới chỉ bắt đầu lên cơn sốt chứ chưa lập đỉnh.
Điển hình, từ đầu tháng 7 tới nay, giá trị những lô mặt đường lớn kinh doanh tại khu vực Đông Trù, Đông Hội, Uy Nỗ, Mai Lâm… đã tăng từ 20-30 triệu đồng/m2, từ khoảng 150-190 triệu đồng/m2 lên 170-220 triệu đồng/m2. Còn nếu tính trong vòng một năm qua, giá đất Đông Hội đã tăng gần gấp đôi.
Ví dụ, tại Đông Hội, mảnh đất có diện tích 80m2, mặt tiền 6,66m với giá 16,8 tỷ đồng, tương đương 210 triệu đồng/m2. Môi giới nhấn mạnh, lô đất rất gần cầu Tứ Liên và là “hàng xóm” của dự án Vinhomes Cổ Loa.
Theo khảo sát, tính đến thời điểm đầu tháng 9/2024, ngoài một số ít lô giá vọt lên trên 200 triệu mỗi mét, giá đất phổ biến tại xã Đông Hội dao động trong khoảng 90-95 triệu đồng/m2. Giá thấp nhất của các lô đất tại đây từ 55-60 triệu đồng/m2.
Tương tự, tại xã Xuân Canh, xuất hiện một số người "rao bán vội do nhu cầu cá nhân". Tại đường Trường Sa, thôn Lực Canh (Xuân Canh, Đông Anh), chủ lô đất diện tích 150m2, mặt tiền 7,6m đang rao bán với giá 37,5 tỷ đồng, tương đương 250 triệu đồng/m2.
Lô đất trên nằm sát dự án Vin Cổ Loa, gần Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia. Ngoài ra, tại xã Xuân Canh (Đông Anh, Hà Nội) môi giới này cũng rao bán một số lô đất nằm trong ngõ rộng 3m, có giá từ 100-110 triệu đồng/m2.
Như vậy, với số tiền 5-6 tỷ, khách hàng gần như không có cơ hội mua những lô đất mặt đường mà gần dự án lớn như vậy, chỉ có thể mua ra xa, cách đó chừng 3-4km, một môi giới chia sẻ.
Với khoảng cách 3-4km từ dự án lớn, giá có phần hạ nhiệt hơn. Tuy nhiên, nhiều người “ôm đất” có tâm lý chờ đợi chứ cũng chưa muốn bán ngay lúc này.
Còn tại xã Mai Lâm, mặc dù lượng người rao bán rất đông song các giao dịch thành công vẫn lưa thưa. Chủ một lô đất 50m2 ở Mai Lâm cho biết, đã mua mảnh đất này cách đây hơn 2 tháng nhưng hiện vẫn chưa đẩy đi được.
Theo các môi giới, sở dĩ chỉ trong vòng 2 tháng qua, sức hút đất nền Đông Anh tăng nhanh như vậy là do gần các dự án lớn thì sẽ có tiềm năng sinh lời cao và được kỳ vọng sớm xuất hiện thêm các dự án mới, giao thông được quan tâm hơn… kèm theo đó, chính quyền địa phương có thể sẽ có những ưu đãi.
Nói về việc giá đất ăn theo các dự án lớn tăng chóng mặt, ông Nguyễn Văn Đỉnh, chuyên gia pháp lý bất động sản, cho rằng đất đã trở thành công cụ đầu tư thay vì giải quyết nhu cầu ở thực. Tư duy “không gì giàu bằng buôn đất” chính là nguyên nhân khiến giá nhà, đất leo thang và giấc mơ an cư của người lao động thu nhập thấp ngày càng xa.
Thắc mắc về việc giá nhiều lô đất đã tăng phi mã nhưng nhà đầu tư vẫn “ôm” chưa muốn bán, ông Nguyễn Văn Đỉnh đặt câu hỏi: “Tại sao các nhà đầu tư có thể găm đất trong nhiều năm mà không lo về vốn?”
Theo ông, ở đây phải nhìn nhận vai trò của các ngân hàng. Đây là tệp khách hàng VIP của giới nhà băng, do khoản vay thế chấp bằng nhà đất - vốn được cho là luôn tăng giá và ít rủi ro, ông Đỉnh nhận định.