Đất nền các tỉnh phía Bắc từng sốt ảo nay ế ẩm, giảm giá đến mức nào?
VARS cho biết giá đất nền tại các tỉnh, thành từng xảy ra sốt ảo như Hòa Bình, Thái Nguyên có xu hướng đi ngang sau khi trải qua những đợt điều chỉnh giảm tương xứng với giá trị mang lại trong các quý trước.
Theo dữ liệu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), trong quý III vừa qua, phân khúc đất nền tại khu vực Trung du và miền núi phía Bắc ghi nhận 5 dự án mở bán, cung cấp ra thị trường 230 sản phẩm, giảm 25% so với quý II. Tỷ lệ tiêu thụ trên nguồn cung mới đạt 10%, tương đương với 23 nền được giao dịch thành công. Các dự án mở bán chỉ có tại Bắc Giang, Hòa Bình, Phú Thọ.
Phú Thọ đứng đầu về nguồn cung đất nền mở bán toàn khu vực với 100 sản phẩm, tiếp theo sau là Hòa Bình với 90 sản phẩm. Lạng Sơn, Lào Cai, Vĩnh Phúc không ghi nhận nguồn cung mở bán mới.
Về mặt bằng giá sơ cấp, toàn khu vực duy trì ở mức ổn định so với quý II/2023, trung bình 25,6 triệu đồng/m2. Tình hình mua bán đất thổ cư, đất trong dân tương đối trầm lắng. Giá đất nền tại các tỉnh, thành từng xảy ra sốt ảo như Hòa Bình, Thái Nguyên có xu hướng đi ngang sau khi trải qua những đợt điều chỉnh giảm tương xứng với giá trị mang lại trong các quý trước.
Giao dịch đất nền đấu giá khu dân cư có giá trị khoảng 1-2 tỷ đồng/nền, ở Bắc Giang, Vĩnh Phúc, thấp hơn 30-40% so với giai đoạn trước, thanh khoản khá tốt.
Cuối năm 2021, thị trường bất động sản ở các địa phương phía Bắc vẫn liên tục ghi nhận cơn sốt đất như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hòa Bình, vùng ven Hà Nội…. Thậm chí nhà đầu tư trao tay nhau chỉ trong thời gian ngắn cũng lãi vài trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng.
Báo cáo thị trường thời điểm đầu năm 2022 của Bộ Xây dựng cho biết ngay đầu năm 2021, hiện tượng tăng giá đột biến, thậm chí sốt giá đất nền đã diễn ra tại một số địa điểm ở các vùng ven của Hà Nội và các tỉnh lân cận như Bắc Ninh (tăng 20%), Hưng Yên (tăng 26%), trong đó, giá đất nền ở Hòa Bình tăng cao nhất tới 46% so với năm 2020.
Tại một số địa phương, ngay sau khi có thông tin khảo sát, lập quy hoạch dự án, nhiều đầu cơ, môi giới đã ùn ùn kéo về để đẩy giá đất lên cao gấp nhiều lần so với giá thực tế để tạo sốt đất, gây náo loạn thị trường. Song song với việc này, số lượng hồ sơ giải quyết đất đai tại các địa phương tăng đột biến khiến cơ quan tiếp nhận luôn trong tình trạng quá tải.
Trước tình trạng sốt đất lan rộng, đến quý II/2022 nhiều địa phương phía Bắc đã đưa ra loạt biện pháp ngăn chặn. Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên đã yêu cầu các Sở, ngành, địa phương triển khai hàng loạt giải pháp nhằm ổn định thị trường, nghiêm cấm hành vi rao bán thông tin, nhận đặt cọc dự án chưa đủ điều kiện chuyển nhượng trên mạng xã hội.
Tương tự, Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang yêu cầu UBND các huyện, thành phố trong tỉnh tăng cường công tác quản lý thị trường bất động sản (BĐS) trên địa bàn nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hoạt động làm giá, thổi giá đất nền.
Đến quý III/2022, thanh khoản thị trường đất nền ở mức thấp nhất kể từ thời điểm đầu năm. Thậm chí, một số dự án có hiện tượng giảm giá đáng kể do nhà đầu tư bị áp lực tài chính vì ngân hàng phanh tín dụng với thị trường bất động sản khiến doanh nghiệp và nhà đầu tư địa ốc gặp khó khăn trong việc huy động vốn.
Thậm chí, trên mạng xã hội còn rộ trào lưu phơi sổ đỏ để bán đất. Đặc biệt, trước Tết Nguyên đán 2023, hàng nghìn môi giới bất động sản bị cho nghỉ Tết không thời hạn vì thị trường khó khăn.