Đất nền vẫn thu hút nhà đầu tư?

Mặc dù thời gian qua hiện tượng bỏ cọc xảy ra nhiều ở phân khúc đất nền, song không vì thế mà đất nền “thất thế” so với các phân khúc khác trên thị trường. Theo thống kê, lượng quan tâm đất nền dự án tại các tỉnh, thành đang giảm rõ rệt nhưng giá đất vẫn liên tục tăng, đặc biệt là đất nền vùng ven khu vực có thông tin quy hoạch dự án và cầu đường.

Lượng quan tâm đất nền giảm nhưng giá vẫn cao

Báo cáo thị trường mới nhất của Batdongsan.com.vn về thị trường BĐS Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, so với cùng kỳ năm 2021, lượt quan tâm đến phân khúc đất nền tại địa phương này giảm 34%. Đây cũng là mức giảm sâu nhất trong số các loại hình BĐS chính ở Bà Rịa – Vũng Tàu.

Nhưng đáng chú ý là, dù lượng quan tâm suy giảm nhưng mặt bằng giá rao bán đất nền dự án tại tỉnh này vẫn tăng trong 5 tháng đầu năm. Điển hình như đất nền dự án tại thị xã Phú Mỹ đã tăng giá 22% trong 5 tháng đầu năm nay; tại Vũng Tàu tăng giá 13%, tại Long Điền tăng giá 10% và tại Bà Rịa tăng 6%.

Anh Huy môi giới lâu năm tại Bà Rịa – Vũng Tàu trong nghề chia sẻ: “Giá đất nền ở đây chưa có dấu hiệu giảm, những lô đất mặt đường, pháp lý đầy đủ rõ ràng giá vẫn rất cao, như ở Vũng Tàu giá vẫn khoảng trên dưới 60 triệu đồng/m2. Những lô mà giá giảm thường là lô của những nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính nên giảm giá để thoát hàng nhanh hơn, đỡ áp lực tài chính”.

Giá đất vẫn tăng cao mặc dù lượng quan tâm giảm (Ảnh minh họa).  
Giá đất vẫn tăng cao mặc dù lượng quan tâm giảm (Ảnh minh họa).  

Không riêng tại Bà Rịa – Vũng Tàu, tại Đồng Nai, trong 5 tháng đầu năm 2022, loại hình BĐS được quan tâm nhất cũng là đất và đất nền dự án. Trong đó, đất nền dự án tại nhiều địa phương của Đồng Nai có giá rao bán trung bình tăng so với cùng kỳ năm trước.

Một vài nhà đầu tư tiết lộ, đất nền hiện nay đã bớt được quan tâm hơn tuy nhiên giá mặt bẳng vẫn cao, thâm chí còn tăng hơn. Chẳng hạn như đất nền dự án ở Nhơn Trạch tăng 17%, Long Thành tăng 14%, Trảng Bom tăng 7% và Biên Hòa tăng 3%.

Được biết ở thời điểm hiện tại, đất nền dự án khu vực Nhơn Trạch và Trảng Bom đang dao động trong khoảng 13 – 15 triệu đồng/m2, khu vực Biên Hòa và Long Thành dao động ở mức 19 -22 triệu đồng/m2. Đặc biệt, phân khúc được quan tâm nhất là đất nền dự án có diện tích 100 – 200 m2 với mức giá từ 20 – 33 triệu đồng/m2.

Còn tại Hà Nội, thông tin triển khai đường vành đai 4 đã nhanh chóng trở thành tâm điểm của nhà đầu tư bất động sản. Giá đất các vùng ven Hà Nội vì thế mà liên tục tăng “nóng”. Thực tế tại một số khu vực liên quan tới đường Vành đai 4, giá đất đã có biến động, nhiều nhà đầu tư dù đã đạt lợi nhuận cao, nhưng vẫn chưa chốt giá bán. Cùng với các thông tin quy hoạch dự án và cầu đường, giá đất nền ở vùng ven Hà Nội tăng chóng mặt, bất chấp các hoạt động “phanh” tín dụng vào thị trường BĐS và gia tăng hoạt động thanh, kiểm tra thuế mua bán nhà, đất.

Tại Hà Nội, các khu vực Vành đai 4 đi qua huyện Hoài Đức như gần Cụm công nghiệp Dương Liễu, cầu vượt Song Phương giá khoảng hơn 100 triệu/m2; khu vực gần dự án Vinhomes Wonder Park Đan Phượng giá khoảng 150 triệu đồng/m2; Khu vực đầu cầu Nhật Tân phía Đông Anh, giá khoảng hơn 200 triệu đồng/m2 với những lô đẹp mặt đường lớn.

Công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản quý I/2022, của Bộ Xây dựng ghi nhận, nhà ở riêng lẻ, đất nền, lượng giao dịch đất nền đạt 153.537 giao dịch thành công, tổng lượng giao dịch bằng khoảng 242% so với quý IV/2021. Trong đó, tại miền Bắc có 20.726 giao dịch; tại miền Trung có 42.722 giao dịch; tại miền Nam có 90.089 giao dịch.

Bộ Xây dựng đánh giá, nhìn chung, giá nhà ở riêng lẻ, đất nền có biên độ tăng cao hơn so với căn hộ chung cư (bình quân tăng khoảng 5 – 10% so với quý trước); sang cuối tháng 3/2022 tại một số địa phương, các vùng ven Hà Nội, Tp.HCM, tại các tỉnh Thái Bình, Lâm Đồng, Khánh Hoà, Đà Nẵng, Đồng Nai…, có hiện tượng giá và lượng giao dịch đất nền tăng nhanh, một số nơi mức giá tăng 15 – 20% so với cuối năm 2021. Tuy nhiên, mức độ lan rộng và biên độ tăng giá thấp hơn so với thời điểm cuối quý I, đầu quý II năm 2021.

Vẫn xảy ra hiện tượng đấu giá đất cao rồi quay xe bỏ cọc

Mặc dù đã đưa ra nhiều phương án để ngăn chặn tình trạng bỏ cọc sau khi trúng đấu giá, nhưng tình trang này vẫn xảy ra tại nhiều địa phương và để lại nhiều hệ lụy.

Điển hình là UBND huyện Diễn Châu (Nghệ An) vừa có quyết định về việc huỷ bỏ kết quả trúng đấu giá và thu nộp ngân sách Nhà nước số tiền đặt cọc của khách hàng tham gia đấu giá quyền sử dụng các lô đất tại vùng quy hoạch dân cư các xã Diễn Vạn, Diễn Đồng, Diễn Phúc, Diễn Bích, Diễn Mỹ. Lý do huỷ là các hộ gia đình, cá nhân được công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất không nộp tiền, nộp không đủ tiền sử dụng đất đúng thời hạn theo quy định.

Trong khi đó, thương vụ đấu giá 46 lô đất nông thôn với giá “trên trời” ở thôn Đại Đồng Nhất (28 lô) và thôn Trí Tiến ở huyện Gio Linh (Quảng Trị), với tổng số tiền trúng đấu giá lên đến 62,3 tỷ đồng, trong đó có nhiều lô đất trúng đấu giá ở mức gấp gần 5 lần so với giá khởi điểm cũng gặp tình cảnh tương tự. Bởi đến ngày đóng tiền, chỉ có 5/46 khách hàng nộp đủ tiền cho 5 lô đất. Việc này khiến UBND huyện Gio Linh phải ra quyết định hủy kết quả trúng đấu giá đối với 41 lô đất còn lại.

Theo môi giới BĐS, việc bỏ giá cao so với giá khởi điểm trong các cuộc đấu giá đất chính là chiêu đẩy giá người nhằm tạo sóng “sốt “đất. Có thể trước đó họ đi gom các khu đất gần nơi đấu giá, sau đó đẩy giá bán các lô đất ở đó lên cao ngất ngưỡng rồi chuyển nhượng kiếm lời. Số tiền cọc đã bỏ trong các cuộc đấu giá chỉ là một phần rất nhỏ đã hưởng lợi.

Một lý do khác có thể người trúng đấu giá bỏ cọc là do tại thời điểm trúng đấu giá, giá đất đang cao. Đến khi nộp tiền thì giá đất đã hạ nhiệt, nộp tiền vào thì người trúng đấu giá sẽ bị lỗ.

Các chuyên gia cho rằng, cùng với nhiều yếu tố khác, đấu giá đất đang góp phần khiến mặt bằng giá đất bị đẩy lên cao, khiến việc tiếp cận BĐS của người dân có nhu cầu mua ở thực ngày càng trở nên khó khăn. Do đó, cần tăng cường, đẩy mạnh công tác quản lý, thanh kiểm tra tình trạng tạo sốt đất “ảo”, thông thầu, bắt tay “ngầm” trong các cuộc đấu giá đất nhằm lành mạnh hóa thị trường, kéo giá đất về đúng giá trị thực. Có như vậy, thì thị trường BĐS mới đảm bảo tính minh bạch và tạo được lòng tin đối với các nhà đầu tư trong, ngoài tỉnh và tránh thất thu ngân sách Nhà nước…

Thanh Xuân

Theo Kinh doanh & Phát triển