Dấu ấn Tập đoàn Bảo Sơn của 'đại gia' chi 500 tỷ xây quỹ cho các nhà khoa học Việt

Tập đoàn Bảo Sơn là một trong những tập đoàn kinh tế đa ngành ấn tượng trong nước. Ngoài mảng kinh doanh du lịch, khách sạn, Bảo Sơn còn mở rộng sang bất động sản, y tế, giáo dục... với tổng tài sản hàng nghìn tỷ đồng.

Tập đoàn Bảo Sơn và Hội đồng xét chọn Giải thưởng Bảo Sơn vừa tổ chức Lễ phát động xét chọn Giải thưởng Bảo Sơn 2024.

Được biết, Giải thưởng Bảo Sơn ra đời từ năm 2010, nhằm vinh danh các nhà khoa học có những sáng chế, công trình nghiên cứu có tính ứng dụng cao. Điều đặc biệt, nguồn quỹ trao giải đến từ số tiền cá nhân của ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Tập đoàn Bảo Sơn.

Hệ sinh thái của Tập đoàn Bảo Sơn

Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Xây dựng và Du lịch Bảo Sơn (Tập đoàn Bảo Sơn) tiền thân là Công ty Dịch vụ Đầu tư và Du lịch Nghi Tàm.

Năm 1995, Tập đoàn Bảo Sơn tạo dấu ấn đầu tiên bằng việc xây dựng Khách sạn Bảo Sơn với tiêu chuẩn 4 sao sớm nhất tại Hà Nội. Tọa lạc trên đại lộ lớn hàng đầu thủ đô với 100 phòng nghỉ, 2 phòng hội nghị, nhà hàng Âu - Á, Khách sạn Bảo Sơn được rất nhiều sự chú ý của các du khách trong nước và quốc tế kể từ khi thành lập.

Chưa dừng lại ở đó, năm 2005, Tập đoàn Bảo Sơn tiếp tục trở thành tâm điểm của giới kinh doanh khi đưa Công viên Thiên Đường Bảo Sơn - quy mô 20ha với tổng vốn đầu tư lên đến 100 triệu USD đi vào hoạt động.

Những năm kế tiếp, Tập đoàn Bảo Sơn liên tiếp đặt chân vào các lĩnh vực kinh doanh mới, không chỉ đầu tư bất động sản, xây dựng các khu đô thị, "hệ sinh thái" của ông Sơn còn mở rộng sang y tế, giáo dục, tư vấn xuất khẩu lao động, thẩm mỹ, du lịch trong và ngoài nước...

Ước tính đến nay, nhóm doanh nghiệp dưới sự quản lí của ông Sơn và Tập đoàn Bảo Sơn đã lên đến cả chục thành viên với tổng tài sản vô cùng ấn tượng.

Hệ sinh thái Tập đoàn Bảo Sơn. (Ảnh: Hà Giang)
Hệ sinh thái Tập đoàn Bảo Sơn. (Ảnh: Hà Giang)

"Cỗ máy kiếm tiền” của Tập đoàn Bảo Sơn

Trong hệ sinh thái với hàng chục đơn vị thành viên mà Tập đoàn Bảo Sơn tạo dựng, phải kể đến Công ty TNHH MTV Du lịch Giải trí Thiên đường Bảo Sơn và Bệnh viện đa khoa Bảo Sơn. Theo giới đầu tư, đây là hai cỗ “máy kiếm tiền” của tập đoàn khi đem về nguồn thu thường xuyên từ các dịch vụ giải trí, du lịch và chăm sóc y tế, khám, chữa bệnh.

Công ty TNHH MTV Du lịch Giải trí Thiên đường Bảo Sơn (Công ty Thiên đường Bảo Sơn) được gắn liền với thương hiệu Thiên Đường Bảo Sơn.

Công ty Thiên đường Bảo Sơn do bà Nguyễn Thị Thu Hà (SN 1978, con gái doanh nhân Nguyễn Trường Sơn) đang là người đại diện pháp luật với chức vụ Tổng Giám đốc.

Năm 2023, Bảo Sơn gây dậy sóng dư luận với sự vụ "suất cơm sườn 120.000 đồng chỉ có một miếng sườn" được bán tại Công viên Thiên đường Bảo Sơn (Hoài Đức - Hà Nội). Trong đó, Công viên Thiên Đường Bảo Sơn được vận hành bởi Công ty TNHH MTV Du lịch Giải trí Thiên đường Bảo Sơn (Công ty Thiên đường Bảo Sơn) - thành viên thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn Bảo Sơn.

"Phốt" suất cơm sườn 120.000 đồng chỉ có 1 miếng sườn.
"Phốt" suất cơm sườn 120.000 đồng chỉ có 1 miếng sườn.

Về tình hình kinh doanh, giai đoạn 2016 - 2019, Công ty Thiên đường Bảo Sơn ghi nhận doanh thu thuần từ 200 tỷ đồng tăng lên 303 tỷ đồng vào cuối năm 2019, lợi nhuận duy trì trên mức 60 tỷ đồng mỗi năm.

Bước sang năm 2020, Công ty Thiên đường Bảo Sơn có doanh thu tăng vọt lên 374 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí bán hàng trong năm 2020 cũng bám đuổi sát nút khi tiêu tốn của doanh nghiệp tới 293 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các chi phí, doanh nghiệp chỉ báo lãi 36 tỷ đồng.

Tới năm 2021, doanh thu thuần của Công ty Thiên đường Bảo Sơn quay lại mốc nhỉnh 300 tỷ đồng. Nhờ tiết giảm được chi phí bán hàng nên trong năm, doanh nghiệp đem về hơn 100 tỷ lợi nhuận sau thuế. Tính trung bình mỗi ngày trong năm 2021, Chủ sở hữu Thiên đường Bảo Sơn “bỏ túi” hơn 300 triệu đồng.

Đáng chú ý, trong giai đoạn 2019 – 2021, quy mô của Công ty Thiên đường Bảo Sơn giảm từ mức 1.500 tỷ về hơn 950 tỷ đồng.

Bước sang năm 2022, doanh thu Thiên Đường Bảo Sơn giảm còn 117 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt gần 33 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Thiên đường Bảo Sơn đạt 957 tỷ đồng; nợ phải trả là 407 tỷ đồng; vay nợ tài chính không đáng kể với chỉ 3,1 tỷ đồng, mà chủ yếu là nợ nội bộ. Đáng chú ý, trong cả năm 2021 và 2022, Thiên đường Bảo Sơn không ghi nhận chi phí lãi vay.

Ngoài Thiên đường Bảo Sơn, Bệnh viện đa khoa Bảo Sơn với pháp nhân kinh doanh là Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa Bảo Sơn doanh nghiệp do con gái ông Sơn là bà Nguyễn Thị Thu Hà điều hành vẫn đang phát sinh doanh thu và đem về lợi nhuận cho gia đình ông.

Tuy nhiên, Bệnh viện đa khoa Bảo Sơn là một bệnh viện khá tai tiếng kể từ khi thành lập. Không chỉ lùm xùm về việc nợ lương bác sĩ vào năm 2017, theo kết luận thanh tra số 45 ngày 13/3/2020, thanh tra Bộ Y tế còn chỉ ra hàng loạt sai phạm tồn đọng như thiếu giấy chứng nhận về phòng cháy chữa cháy theo mô hình bệnh viện, hàng chục nhân viên chưa có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh...

Bệnh viên Bảo Sơn có địa chỉ tại 52 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà Nội.
Bệnh viên Bảo Sơn có địa chỉ tại 52 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà Nội.

Cơ cấu cổ đông của ­Công ty Bệnh viện Bảo Sơn hiện tại gồm: Tập đoàn Bảo Sơn sở hữu gần 40%, ông Nguyễn Trương Sơn sở hữu gần 30 %, bà Nguyễn Thanh Thuỷ (con gái ông Sơn) sở hữu gần 15 %, bà Lê Thị Tuyết Hoa (vợ ông Sơn) sở hữu gần 2,4%. Đại diện pháp luật của Công ty cũng là con gái ông Nguyễn Trường Sơn – bà Nguyễn Thị Thu Hà với chức danh Giám đốc.

Năm 2016, doanh thu của bệnh viện chỉ đạt 23,6 tỷ đồng, lỗ sau thuế 6,5 tỷ đồng. Một năm sau, bất chấp doanh thu tăng 33% lên 31,5 tỷ đồng, doanh nghiệp vẫn lỗ đậm đến 9,3 tỷ đồng.

Chỉ đến năm 2018 và 2019, bức tranh tài chính của Bệnh viện đa khoa Bảo Sơn mởi phần nào được cải thiện, bệnh viện bắt đầu có lợi nhuận dương. Theo đó, doanh thu ghi ở mức 50 tỷ đồng và 54 tỷ đồng, lãi sau thuế lần lượt 602 triệu đồng và 460 triệu đồng.

Đối ứng với nguồn vốn, tài sản của Bệnh viện đa khoa Bảo Sơn đang có xu hướng lệ thuộc vào các khoản vay ngoài. Năm 2016, nợ phải trả của doanh nghiệp ở mức 55,7 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 91 tỷ đồng, tuy nhiên đến năm 2019, các khoản nợ đã phình to lên 77 tỷ đồng trong khi vốn chủ sở hữu co hẹp còn 85 tỷ đồng.

Hà Giang`

Theo VietnamFinance