Đấu giá đất Hà Nội cao bất thường: Thủ tướng ra chỉ đạo nóng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện chỉ đạo các cơ quan liên quan kịp thời chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất.
Theo đó, công điện nêu rõ: Vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo và ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2024, trong đó có quy định về việc đấu giá quyền sử dụng đất. Một số địa phương đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đạt kết quả, góp phần bổ sung nguồn thu cho ngân sách địa phương.
Tuy nhiên, một số trường hợp giá trúng đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm đang thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội, có thể tác động đến phát triển kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư, kinh doanh và thị trường nhà ở, bất động sản.
Do đó, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý đất đai, lành mạnh hóa thị trường bất động sản, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng rà soát công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá quyền sử dụng đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường.
Cùng với đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng các Bộ: Tư pháp, Tài chính, Xây dựng và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, kiểm tra hoạt động tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, xử lý theo thẩm quyền những trường hợp vi phạm các quy định pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất, kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung, không để xảy ra trục lợi, đồng thời xử lý và đề xuất phương án xử lý nghiêm hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng gây nhiễu loạn thị trường báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/8/2024.
Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu, đánh giá cụ thể các tác động của kết quả đấu giá quyền sử dụng đất vừa qua, nhất là các trường hợp có kết quả đấu giá cao bất thường, gấp nhiều lần giá khởi điểm đến mặt bằng giá đất, nhà ở, đến thị trường nhà ở, bất động sản, chủ động điều tiết, giải quyết theo thẩm quyền và có giải pháp xử lý hiệu quả hoặc đề xuất các giải pháp hạn chế các tác động tiêu cực (nếu có), báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan chức năng chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật trong việc đấu giá quyền sử dụng đất nhất là các hành vi cấu kết thao túng thị trường, thổi giá để tạo ra thị trường không lành mạnh, không đúng thực tế để trục lợi.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ trưởng các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tài chính khẩn trương hướng dẫn, tổ chức tập huấn cho các địa phương về các chính sách mới của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại Công điện số 79/CĐ-TTg ngày 13 tháng 8 ngày 2024.
Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trực tiếp theo dõi, chỉ đạo việc thực hiện Công điện này.
Cuối cùng, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ thường xuyên theo dõi tình hình, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách những vấn đề đột xuất, phát sinh.
Trong thời gian qua, các cuộc đấu giá đất trên địa bàn Hà Nội đã thu hút sự chú ý lớn và gây ra tình trạng "sốt" đất. Nhiều phiên đấu giá đã chứng kiến mức giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm.
Trong đó, phiên đấu giá 68 lô đất khu Ngõ Ba, thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao tại huyện Thanh Oai vào ngày 10/8 khoảng 1.600 người tham gia với khoảng 7.000 bộ hồ sơ. Kết quả, lô trúng giá đấu cao nhất lên tới 100 triệu đồng/m2 (cao gấp 8 lần so với mức giá khởi điểm). Lô thấp nhất cũng lên tới 63 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, so với mức giá thực tế trên địa bàn trong thời gian qua chỉ loanh quanh khoảng 30 triệu/m2 đã khiến không ít người cho là đang bị "ngáo giá".
Hay tại Hoài Đức ngày 19/8, phiên đấu giá xuyên đêm 19 lô đất tại xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức cũng gây sốc khi có hơn 400 người tham gia đấu giá. Kết quả, lô đất được trả giá cao nhất lên tới hơn 133 triệu đồng/m2, cao gấp hơn 18 lần giá khởi điểm. Trong khi lô trúng có giá đấu giá thấp nhất cũng lên đến 91,3 triệu đồng/m2, song mức giá này vẫn cao gấp 12,5 lần giá khởi điểm. Như vậy, người trúng đấu giá sẽ phải bỏ ra số tiền dao động từ 11,6 - 15 tỷ đồng/lô.
Tình trạng "sốt đất" thường do nhu cầu đầu tư bất động sản tăng cao, kỳ vọng về sự tăng giá trị đất khi hạ tầng được cải thiện, cùng với sự hạn chế về nguồn cung đất ở các khu vực trung tâm. Ngoài ra, tâm lý đám đông và sự tham gia của các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng góp phần đẩy giá đất lên cao trong các cuộc đấu giá.
Tuy nhiên, tình trạng này cũng mang đến nhiều rủi ro, như giá đất bị đẩy lên quá cao, không phản ánh đúng giá trị thực. Các chuyên gia đã cảnh báo rằng việc đầu tư vào đất đai trong giai đoạn "sốt" cần phải thận trọng, đặc biệt là khi mua với mục đích đầu cơ. Chính quyền cũng đã có các biện pháp nhằm kiểm soát tình hình, đảm bảo thị trường bất động sản phát triển lành mạnh và bền vững.