Đấu giá đất vùng ven Hà Nội tiếp tục lập đỉnh, giá cao nhất lên đến gần 107 triệu đồng/m2

Giữa lúc thị trường bất động sản đang trầm lắng thì khu vực ven nội thành Hà Nội lại “nổi sóng” với các cuộc đấu giá đất được diễn ra liên tục. Đáng chú ý là giá trúng của các lô đất ngày càng có xu hướng “lập đỉnh” mới.

Đấu giá đất ven Hà Nội liên tục lập đỉnh

Mới chỉ hồi cuối tháng 7, đầu tháng 8, thị trường chứng kiến những cuộc đấu giá nóng bỏng tại huyện Mê Linh với lô đất có giá trúng cao nhất lên đến  gần 100 triệu đồng/m2.

Cụ thể, Ngày 31/7, Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Mê Linh (TP.Hà Nội) cho biết đã phối hợp với Công ty đấu giá Hợp Danh đấu giá Việt Nam tổ chức thành công phiên đấu giá đối với 33 lô đất tại điểm X1, Tổ dân phố số 2, thị trấn Chi Đông.

Theo đó, cả 33 lô đất đã được đấu giá thành công, giúp thu về gần 226 tỉ đồng, chênh gần 100 tỷ đồng so với giá khởi điểm. Giá trúng cao nhất lên tới gần 100 triệu đồng/m2, đây là mức giá cao kỷ lục tính đến thời điểm đó.

Kết quả đấu giá cho thấy, lô LK-B-01 có diện tích 160m2 có mức giá trúng cao nhất 93 triệu đồng/m2, tương đương gần 15 tỉ đồng. Bên cạnh đó, 1 lô góc ký hiệu LK-A-01 có diện tích 193m3 cũng được đấu thành công với mức trúng 87,2 triệu đồng/m2, tương đương 16,8 tỉ đồng, chênh 8,3 tỉ đồng so với giá khởi điểm.

Các lô còn lại thuộc băng 1 đường Chi Đông có giá trúng dao động 70 - 75 triệu đồng/m2. Các lô băng 2 đường Chi Đông có giá trúng dao động 45 - 62 triệu đồng/m2.

Ngay sau đó không lâu, Mê Linh tiếp tục tổ chức đấu giá đối với 20 thửa đất tại điểm X2, thôn Yên Vinh, xã Thanh Lâm. Các thửa đất có tổng diện tích 1.655m2 (từ 71,58m2 đến 152,97m2). Giá khởi điểm 27,1 triệu đồng đến 39,27 triệu đồng/m2, bước giá 200.000 đồng/m2.

Theo đó, 20 lô đất đã được đấu giá thành công. Kết quả, lô 07 có diện tích là 89,91m2 có mức giá trúng cao nhất là 70,3 triệu/m2. Tổng số tiền trúng đấu giá gần 76 tỷ đồng.

Trước đó, vào đầu tháng 6, huyện Mê Linh cũng tổ chức đấu giá thành công 17 thửa đất tại điểm X1, thôn Yên Vinh, xã Thanh Lâm, thu về 98 tỉ đồng, với mức giá trúng cao nhất thời điểm đó là 85,5 triệu đồng/m2.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, huyện Mê Linh đã tổ chức đấu giá với số tiền trúng đấu giá là 273 tỉ đồng. Số này đạt 97,5% chỉ tiêu cả năm 2022 HĐND thành phố giao và đạt 34,1% kế hoạch HĐND huyện giao. Với kết quả trên, Mê Linh đứng thứ 4 toàn thành phố về tổng số tiền thu vào ngân sách từ đấu giá quyền sử dụng đất.

Khi tình hình đấu giá đất tại Mê Linh chưa “hết sốt” thì mới đây, khu vực vùng ven Hà Nội chứng kiến giá trúng đấu giá đất lập kỷ lục mới tại huyện Đông Anh (có lô đất có giá trúng lên đến 106,9 triệu đồng/m2).

Cụ thể, vào ngày 13/8, Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Đông Anh và Công ty Đấu giá Hợp danh Lạc Việt tổ chức phiên đấu giá quyền sử dụng 18 thửa đất tại các xã trên địa bàn, có 200 hồ sơ tham gia đấu giá.

Tại khu đất X2 thôn Mai Châu, xã Đại Mạch khách hàng tham gia đấu giá 5 thửa, khởi điểm 47 - 53,8 triệu đồng/m2. Kết quả thửa đất có giá trúng cao nhất là 106,9 triệu đồng/m2, thửa có giá thấp nhất là 97,4 triệu đồng/m2. Tổng số tiền thu được từ phiên đấu giá là trên 39,5 tỷ đồng, gấp đôi so với giá khởi điểm.

Đông Anh xác nhận đấu giá đất lập đỉnh với lô đất có giá 106,9 triệu đồng/m2.  
Đông Anh xác nhận đấu giá đất lập đỉnh với lô đất có giá 106,9 triệu đồng/m2.  

Còn tại khu đất X7 thôn Lỗ Khê, xã Liên Hà, khách hàng tham gia đấu giá 10 thửa, khởi điểm từ 20,8 đến 22,8 triệu đồng. Kết quả giá trúng cao nhất là 45,6 triệu đồng, cao hơn gấp đôi giá khởi điểm. Tổng số tiền thu được từ phiên đấu giá gần 39,5 tỷ đồng, tăng hơn 18 tỷ đồng so với giá khởi điểm.

Tương tự giá trúng đấu giá ba khu đất tại xóm Thượng, xã Uy Nỗ cũng cao gấp hơn hai lần so với giá khởi điểm được duyệt.

Trước đó, Đông Anh cũng đã tiến hành đấu giá đối với 18 thửa đất tại X4 thôn Đoài, xã Kim Nỗ. Giá khởi điểm thấp nhất từ 40,8 triệu đồng/m2, cao nhất là 55,1 triệu đồng/m2 tuỳ theo diện tích và vị trí. Kết quả có 18 khách hàng trúng đấu giá, trong đó giá trúng đấu giá cao nhất là 105,2 triệu đồng/m2.

Dừng đấu giá đất khi có dấu hiệu bất thường

Bài học lớn vẫn còn đó với lùm xùm vụ đấu giá đất Thủ Thiêm và ở một số nơi, đơn vị, cá nhân tham gia đấu thầu bỏ giá cao rồi bỏ cọc đã khiến thị trường bất động sản bị “rối tung lên”.

Trước đó, Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết Bộ Xây dựng vừa báo cáo Thủ tướng về tác động kết quả đấu giá đất cao bất thường đến thị trường BĐS. Theo đó, một số ít trường hợp có kết quả trúng đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm và cũng có tác động đến thị trường BĐS khu vực. Điển hình với trường hợp đấu giá đất tại Thủ Thiêm (TPHCM) cho thấy, kết quả trúng đấu giá của 4 lô đất đã có phần tác động đến mặt bằng giá đất, nhà ở, đến thị trường BĐS của khu vực Thủ Thiêm.

“Hiện tượng bỏ giá rất cao một số lô đất, rồi bỏ cọc, tạo mặt bằng "giá ảo" để thao túng thị trường, mua đi, bán lại nhiều lô đất trúng đấu giá khác thu lợi bất chính diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi và thậm chí mang tính tổ chức”, Thứ trưởng Sinh nói.

Quay trở lại với tình hình đấu giá đất tại khu vực huyện Mê Linh. Còn nhớ thời điểm đầu năm nay, Trung tâm Quỹ đất huyện này đã phải hủy bỏ kết quả đấu giá gần 20 thửa do người trúng đấu giá không hoàn thành nghĩa vụ tài chính.

Cụ thể, dự án đấu giá thôn Ngự Tiền, xã Thanh Lâm 10 thửa; dự án tại điểm X2, thôn Văn Lôi, xã Tam Đồng 5 thửa; dự án tại điểm X3 thuộc xã Tam Đồng cũng có trường hợp bỏ cọc. Hay vụ đấu giá 4 thửa đất tại Khu X4, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy đã bị người trúng đấu giá bỏ cọc sau khi đưa giá lên gần 400 triệu/m2, cao hơn rất nhiều lần so với giá khởi điểm.

Trao đổi xoay quanh vấn đề này, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân đã thẳng thắn chỉ ra rằng, tại một số địa phương còn có hiện tượng "cò đấu giá", "quân xanh - quân đỏ", để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá trước khi cuộc đấu giá diễn ra và tình trạng "xã hội đen" đe dọa cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá phải xin rút hồ sơ; thông đồng giữa tổ chức tư vấn định giá với người tham gia đấu giá để "dìm giá"...

Thứ trưởng Lê Minh Ngân đề xuất bổ sung quy định ngay sau khi cuộc bán đấu giá kết thúc, người trúng đấu giá phải nộp ngay số tiền đặt cọc để đảm bảo thực hiện hợp đồng theo kết quả trúng đấu giá tại cuộc bán đấu giá và phải tính theo giá trị kết quả trúng đấu giá.

Đồng thời, bổ sung chế tài xử phạt các trường hợp đặt cọc đấu giá nhưng sau đó bỏ cọc để hạn chế tình trạng đầu cơ, thổi giá. Và người trúng đấu giá mà bỏ cọc thì sẽ không được tham gia các cuộc đấu giá khác trong một thời gian quy định.

Ngoài ra, cần bổ sung quy định về việc dừng cuộc đấu giá khi có dấu hiệu bất thường trong việc đẩy giá trúng đấu giá lên quá cao, gây hiệu ứng tiêu cực.

Trong khi đó, chuyên gia bất động sản Đinh Thế Hiển cho rằng, điều kiện đặt ra là giá khởi điểm phải bảo đảm tính thị trường, minh bạch, khách quan. “Riêng với các trường hợp đấu giá đất công, thì giá khởi điểm là quan trọng nhất. Giá khởi điểm xây dựng tốt sẽ tránh được thiệt hại cho Nhà nước.

Còn nếu trong trường hợp, giá khởi điểm đã phù hợp mà giá trúng đấu giá vẫn cao, gấp 10 lần chẳng hạn, điều này là bất thường. Và đây cũng chính là vấn nạn mà Bộ TN&MT đang đề phòng. Tuy nhiên, không nên nhìn vào sự thất bại của sự kiện đấu giá đất Thủ Thiêm vừa qua, hay một số trường hợp cá biệt để mà đưa ra những đề xuất nặng nề cho toàn bộ hệ thống đấu giá” – ông Đinh Thế Hiển nói.

An Nhiên

Theo Chất lượng và Cuộc sống