Đầu tư bất động sản ở TP.HCM: Nguyên tắc nào để không bị chôn vốn?

Thị trường bất động sản ở TP.HCM đang sụt giảm đáng kể về nguồn cung, lượng tiêu thụ ở phân khúc căn hộ, nhà phố, biệt thự và tập trung chủ yếu vào phân khúc cao cấp. Do đó, xu hướng đầu tư ngắn hạn không còn phù hợp, chỉ nên mua khi thực sự có nhu cầu ở hoặc đầu tư lâu dài.

 

Đầu tư bất động sản ở TP.HCM: Nguyên tắc nào để không bị chôn vốn? - Ảnh 1

Với lượng tiêu thụ nhà ở đang giảm, ở giai đoạn hiện tại thích hợp để nhà đầu tư “xuống tiền” vì theo các chuyên gia mức giá sẽ có xu hướng tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, cần có sự cân nhắc chọn lọc hợp lý để tránh rơi vào “bẫy” thổi giá “trên trời”.

Đâu là phương án tiềm năng nhưng an toàn?

Với các nhà đầu tư lớn có tài chính và tiền nhàn rỗi cao, đầu tư dài hạn là phương án thích hợp và những bất động sản ở khu vực trung tâm TP.HCM hay phân khúc bất động sản hạng sang, cao cấp là những lựa chọn hợp lý. Còn các vùng ven sẽ là nơi thích hợp để đầu tư nhỏ, trung bình hoặc mua để ở.

Với những tỉnh tiếp giáp TP.HCM ví dụ như Đồng Nai là khu vực có tiềm năng giá tăng cao và nhanh nhờ dự án sân bay quốc tế Long Thành đang được thi công. Hay thị trường bất động sản ở Bình Dương đang trở thành xu hướng đầu tư mới, nhờ quy hoạch hạ tầng đô thị tốt, nhưng số lượng cung của phân khúc biệt thự, nhà phố, shophouse còn rất ít.

Theo các chuyên gia dự đoán mức giá sơ cấp sẽ tăng rất nhanh, khoảng 45% đến 75% trên năm do các chủ đầu tư tập trung nhiều vào các dự án siêu cao cấp. Riêng tốc độ tăng giá ở khu vực trung tâm không quá cao, khoảng 4% đến 7% trên năm nhưng tính an toàn tương đối cao.

Xu hướng đầu tư an toàn đã trở thành lựa chọn ưu tiên không chỉ hiện nay mà còn là xu hướng trong tương lai. Lựa chọn những phân khúc bất động sản có tính thanh khoản tốt, pháp lý rõ ràng, có thể ngay lập tức sử dụng để ở hoặc kinh doanh. Tốt nhất nên nằm ở vị trí địa lý tốt có đông dân cư và thuận tiện cho việc di chuyển, gần những nơi tiện ích như chợ, trường học, bệnh viên, các khu vui chơi giải trí,…

Mặt khác, những nhà đầu tư có nguồn tiền nhàn rỗi và dòng tiền mạnh, không bị áp lực đòn bẩy ngân hàng có thể cân nhắc những phương án làm giàu nhanh, nhân gấp nhiều lần số tài sản hiện có bằng các pháp lý bất động sản chưa hoàn thiện hay đầu tư những khu đất lớn ở tỉnh và vùng ven.

Tuy nhiên, cần lưu ý những lựa chọn này có thể xảy ra một số rủi ro không lường trước được ví dụ như dự án gặp trục trặc, thanh khoản kém làm mất vốn đầu tư hay chính sách quản lý Nhà nước thay đổi, quy hoạch sử dụng đất bị điều chỉnh,… Đối tượng phù hợp với dự án này là những nhà đầu tư có thể trích được khoảng từ 20% đến 30% phần tiền nhàn rỗi và không có nhu cầu sử dụng đến khoản này ít nhất là 3 đến 5 năm.

Đầu tư bất động sản ở TP.HCM: Nguyên tắc nào để không bị chôn vốn? - Ảnh 2

Xu hướng đầu tư an toàn đã trở thành lựa chọn ưu tiên của nhà đầu tư

Đâu là loại hình đầu tư bền vững?

Xác định mục tiêu, thời gian và kết quả kỳ vọng khi đầu tư, tìm hiểu rõ thị trường và các phân khúc bất động sản là những điều quan trọng cần thực hiện, tránh đầu tư theo số đông. Nhiều người lầm tưởng mua được đất tỉnh với giá rẻ nhưng sự thật giá đã bị đẩy lên cao hơn nhiều so với giá trị thực tế.

Muốn đầu tư bất động sản bền vững cần thực hiện cùng lúc đầu tư, sản xuất kinh doanh hoặc cho thuê. Lúc này, các nhà đầu tư sẽ dùng lợi nhuận kinh doanh hoặc dòng thu nhập nhàn rỗi để đầu tư vào bất động sản, đảm bảo khoản đầu tư được ổn định, lâu dài và không bị “chao đảo” khi thị trường nóng lên hay bị đóng băng. 

Theo chuyên gia nhận định, ba năm vừa qua nhiều trường hợp gặp rủi ro cao khi nhà đầu tư mạo hiểm vay dư và dùng số tiền đó đóng ngược lại cho ngân hàng hay khi thu nhập bất ngờ bị sụt giảm ngoài dự tính không đủ khả năng trả khoản vay hàng tháng hoặc dùng hết vốn tập trung vào sản xuất kinh doanh,… đến khi thị trường bất động sản mất thanh khoản nguồn vốn bị hao tổn, thậm chí là sinh nợ mà chỉ nhận lại được tiền lãi ảo.

Lời khuyên là nên lựa chọn bất động sản đầu tư phù hợp với khả năng và năng lực tài chính của bản thân, không nên mạo hiểm dùng đòn bẩy tài chính vì tình trạng thanh khoản và biện pháp quản lý của cơ quan Nhà nước hiện nay.

Vậy nên, những phương án trên chỉ thích hợp cho những nhà đầu tư có nền tảng tài chính ổn định, vững chắc, có khả năng chi trả nguồn vay vốn và sở hữu tài sản có thanh khoản cao.

Theo Chất lượng và Cuộc sống