Đầu tư Tài chính 2022: Cơ hội trong biến động thị trường chứng khoán
Các chuyên gia kinh tế cho rằng sự suy giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian vừa qua bị tác động chủ yếu bởi việc Fed tăng lãi suất, hơn là vì kinh tế vĩ mô của Việt Nam.
Chiều 29/6, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức toạ đàm “Đầu tư tài chính 2022 – Chuyên đề II: Cơ hội trong biến động thị trường chứng khoán”, có sự tham gia của nhiều chuyên gia kinh tế, tài chính.
Phát biểu tại Toạ đàm, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã khái quát về kinh tế vĩ mô trên thế giới và Việt Nam. Từ đó cho biết bức tranh phục hồi năm 2021 rất tốt, tuy nhiên năm nay đã khó khăn hơn.
Theo Tổng cục Thống kê cho biết, GDP quý II năm 2022 ước tính tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý II các năm trong giai đoạn 2011-2021. GDP 6 tháng đầu năm 2022 tăng 6,42%, cao hơn tốc độ tăng 2,04% của 6 tháng đầu năm 2020.
Dẫn chứng cụ thể tính đến thời điểm 20/6/2022, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,3% so với cuối năm 2021 (cùng thời điểm năm 2021 tăng 3,48%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 3,97% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 3,13%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 8,51% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 5,47%).
Trên thị trường cổ phiếu, tính đến ngày 27/6/2022, chỉ số VNIndex đạt 1.202,82 điểm, giảm 7% so với cuối tháng trước và giảm 19,7% so với cuối năm 2021. Tính đến ngày 15/6/2022, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 6.339 nghìn tỷ đồng, giảm 18,4% so với cuối năm 2021; giá trị giao dịch bình quân đạt 19.563 tỷ đồng/phiên, tăng 10% so với tháng trước.
Trên thị trường chứng khoán phái sinh, tính đến ngày 15/6/2022, khối lượng giao dịch bình quân sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 đạt 290.591 hợp đồng/phiên, giảm 9% so với tháng trước; tính chung 6 tháng đầu năm 2022 đạt 197.150 hợp đồng/phiên, tăng 4% so với bình quân năm trước.
TS Cấn Văn Lực cũng chỉ ra động lực tăng trưởng của Việt Nam cả về phía cung về phía cầu được thể hiện rõ nét. Trong đó phía cung có hai trụ cột là công nghiệp chế biến - chế tạo và dịch vụ, du lịch trong nước đã phục hồi nhanh cùng với lưu trú, ăn uống, bán lẻ đã quay trở lại mức gần bằng trước dịch. Ở phía cầu, xuất khẩu vẫn tăng trưởng tốt, đầu tư và tiêu dùng phục hồi khá hơn.
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 9,66%; khu vực dịch vụ tăng 6,60%, (đóng góp 46,60%).
Đặc biệt, Chính phủ cũng đang chỉ đạo quyết liệt triển khai chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội 2022 - 2023 và đầu tư công được đẩy mạnh, cùng những chương trình liên quan đến kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và hội nhập cũng có những động thái mới. Vừa qua, RCEP bắt đầu có hiệu lực mà Việt Nam là một trong những nước được hưởng lợi tương đối tốt.
Tình hình doanh nghiệp phục hồi cũng rất rõ nét, lượng doanh nghiệp thành lập mới và những doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng rất mạnh. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tiếp tục tăng ở mức trên 40% để thấy rằng, một số lĩnh vực ngành nghề vẫn còn rất khó khăn.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính độc lập nhận định sự suy giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam vừa qua bị tác động chủ yếu bởi việc Fed tăng lãi suất, hơn là vì kinh tế vĩ mô của Việt Nam.
Cách đây khoảng 2 tuần Federal Reserve Bank of the US (Fed) đã tăng lãi suất Fed Funds thêm 0,75%, và do đó tăng lãi suất Fed Funds lên mức 1,5-1,75%. Nhiều dự báo cho thấy Fed có thể tăng lãi suất thêm 1,9% từ nay đến cuối năm. Có nghĩa là Fed sẽ tiếp tục thi hành chính sách thắt chặt tiền tệ ít nhất trong năm nay và 2023.
Theo dự báo mới đây của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), giá xăng dầu tăng bình quân khoảng 55%, thấp hơn một chút so với mức tăng của năm ngoái là 67%, kéo theo giá cả hàng hóa khác cũng tăng ở mức tương đối. Do đó, các nước đã phải đưa ra một loạt chính sách thay đổi, nhất là tăng lãi suất ở nhiều nước khác nhau.
Lý do khiến Fed tăng lãi suất chủ yếu là để kềm chế lạm phát. Tỷ lệ lạm phát cuối tháng 5 của Mỹ đã tăng lên đến 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái, một tỷ lệ lạm phát cao nhất trong vòng 40 năm nay. Tỷ lệ lạm phát tại Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục cho đến cuối năm nay. Trong những ngày vừa qua, chúng ta thấy vấn đề lạm phát tăng là điều người dân Mỹ hiện đang lo lắng nhất.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu chính sách tiền tệ được gọi là Monetary Policy là chính sách tiền tệ của mỗi quốc gia. Chính sách tiền tệ của quốc gia nào hiện nay đang được thế giới quan tâm nhất và có tác động mạnh nhất đến chính sách tiền tệ của Việt Nam? Đó chính là chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ.
Từ những tác động quốc tế, một mốc lịch sử mà VN-Index ghi nhận trong thời gian qua đó là việc đánh mất mọi thành quả trong 2 năm qua và có thời điểm xuống 1.156 điểm. Thanh khoản của thị trường bình quân chỉ còn khoảng 1/3 so với thời kỳ đỉnh cao. Nhiều nhà đầu tư chịu áp lực bổ sung ký quỹ, buộc phải bán tháo cổ phiếu.
Các chuyên gia phân tích tài chính vẫn đánh giá TTCK vẫn được chọn là điểm đến dòng tiền. Cụ thể là các nhà đầu tư nước ngoài đã trở lại tại thị trường Việt Nam trong bối cảnh FED tăng lãi suất, trên các thị trường toàn cầu.
Theo dự báo của FiinGroup, triển vọng tăng trưởng năm 2022 của hầu hết các ngành chính được dự báo tích cực. Tuy nhiên, một số ngành có sự hồi phục rất chậm.
Từ các phân tích trên, các chuyên gia cho rằng việc nhận định thời điểm các chỉ số chứng khoán chạm đáy, tìm kiếm chiến lược đầu tư thích ứng bối cảnh hiện nay, lựa chọn cổ phiếu để đưa vào danh mục đầu tư sẽ là vấn đề đáng quan tâm của các nhà đầu tư.