Đẩy đầu tư công kích thích tăng trưởng: Ưu tiên vào đâu?
Theo PGS.TS Lê Cao Đoàn, trong thời điểm này, cần tạm thời gác lợi ích kinh tế để giải quyết dịch bệnh Covid-19.
Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, các đại biểu đã phân tích và Bộ trưởng Bộ KH-ĐT đã chỉ ra nhiều vấn đề đối với các dự án đầu tư công hiện nay, đó là tình trạng chạy đua phong trào, cơ chế xin - cho, lợi ích nhóm, chiều theo yêu cầu của nhà đầu tư...
Nhìn nhận vấn đề này, trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Lê Cao Đoàn, nguyên cán bộ Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, trong điều kiện hiện nay, khi cả thế giới đang phải đương đầu với đại dịch Covid-19, mọi hoạt động trở nên lộn xộn thì những tiêu cực lại có cơ hội phát triển.
Ông khẳng định, đầu tư công là một trong những vấn đề rất hệ trọng, tạo ra những cơ sở hạ tầng lớn, là điều kiện của sự phát triển hiện đại. Ở những quốc gia như Việt Nam, trong khi đầu tư của tư nhân còn khó khăn trong việc tạo ra những hạ tầng lớn như vậy thì đầu tư công thực sự là một đòn bẩy lớn cho sự phát triển.
Ngay cả trong điều kiện xảy ra khủng hoảng kinh tế, đầu tư công thực sự là một trong những phương sách để tăng cầu lên, duy trì sự phát triển bình thường.
Vậy nhưng, đại dịch Covid-19 là một biến cố rất khác thường, khiến cho hoạt động của xã hội loài người không còn theo trật tự đã được học trong sách vở. Dịch bệnh khiến cho nhiều người tử vong, hệ thống y tế quá tải và nếu không kịp thời kiểm soát thì số lượng người tử vong sẽ rất lớn. Đó không phải là vấn đề kinh tế nữa mà là mạng sống của con người. Cho nên, theo PGS.TS Lê Cao Đoàn, trong thời điểm này, cần tạm thời gác lợi ích kinh tế để giải quyết Covid-19 và đó là nội dung quyết định.
Cũng bởi vậy, vị chuyên gia kinh tế cho rằng, cần tập trung phòng chống Covid-19, bởi con người có tồn tại thì mới duy trì được nền móng của sự phát triển.
Theo chuyên gia, trong bối cảnh đại dịch cần có sự điều chỉnh lại các mục tiêu, và phòng chống dịch Covid-19 phải được đặt lên hàng đầu. |
"Phải lui lại trận địa của sự phát triển, vì nền kinh tế thị trường dựa trên cơ sở sự phát triển rất cao của các quan hệ xã hội, dựa trên sự trao đổi và nó trở thành một yếu tố quyết định cho kinh tế phát triển.
Vì Covid-19, tất cả hoạt động trao đổi bị ngưng trệ, thậm chí phải dừng lại. Việc cần làm hiện nay là phải giữ cho nền móng của sự phát triển ở một mức độ nhất định, xem xét cái gì có thể làm được trong điều kiện này với vốn liếng vốn có của nó để khi Covid-19 qua đi, chúng ta bước vào sự phát triển thuận lợi hơn", PGS.TS Lê Cao Đoàn chỉ rõ.
"Người dân đang vô cùng khó khăn, vừa phải chống dịch vừa phải lo cái ăn. Covid-19 cũng khiến trẻ học hành chuệch choạc và nếu như dịch bệnh tiếp tục kéo dài, trẻ không được đến trường thì nguy cơ thấy rõ là chúng ta sẽ mất cả một thế hệ của sự phát triển, bởi sự phát triển tùy thuộc vào tư duy. Tương tự, hệ thống bệnh viện cũng đang bị quá tải.
Cho nên, đầu tư công phải nhằm vào chỗ này, những gì đang cần thiết nhất trước mắt", PGS.TS Lê Cao Đoàn bày tỏ quan điểm, đồng thời dẫn ví dụ, làm đường cao tốc rất cần và đáng lẽ cần làm từ lâu, nhưng trong thời điểm xảy ra dịch bệnh Covid-19 thì có thể chưa phải là ưu tiên hàng đầu.
"Dịch Covid-19 không phải như những dịch bệnh đơn giản khác dăm bữa nửa tháng sẽ qua đi, mà đã kéo dài gần 2 năm và ngày càng phức tạp hơn. Cho nên, trong thời Covid, không thể bàn những vấn đề như lúc bình thường, cần có sự điều chỉnh giữa kinh tế với xã hội, văn hóa, sức khỏe, học hành, phân bổ lại các đầu tư...", vị chuyên gia nhấn mạnh.